Đại Kỷ Nguyên

Nguyên nhân người Mỹ có thái độ ‘lạnh nhạt’ đối với hàng xa xỉ

Theo một cơ quan thống kê Hoa Kỳ, trong năm 2013 tổng mức tiêu thụ các mặt hàng xa xỉ của người dân Trung Quốc lên đến 102 tỷ USD. Nói một cách khác, vào năm 2013, một nửa mặt hàng xa xỉ của toàn thế giới đã được người Trung Quốc tiêu thụ. Là nền kinh tế lớn nhất thế giới, tại sao người Mỹ lại không dẫn đầu về tiêu thụ các mặt hàng này? Một cô gái người gốc Hoa đang sinh sống tại Los Angeles đã có một thời gian tìm hiểu và đưa ra một số đáp án cho câu hỏi này. 

1. Phù hợp với giai tầng của mỗi người

Một cặp vợ chồng sinh sống tại Cameron là điển hình của gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở Mỹ. Người chồng Anthony là quản lý cấp trung của một tổ chức tài chính. Người vợ là Meryl là một giáo viên tiểu học. Hai vợ chồng họ là những người có thu nhập trên mức trung bình, nhưng cách ăn mặc đều không khác gì so với những người dân bình thường khác.

Cuối năm 2008, cộng đồng ở chỗ tôi sống đã tổ chức một bữa tiệc mừng năm mới. Đây cũng là lần đầu tiên đi dự một hoạt động xã giao như vậy nên tôi đã bỏ ra 300 USD để thuê một bộ trang phục thật đẹp có thương hiệu, với hy vọng giữ thể diện nơi đông người. Tôi nghĩ rằng chị Meryl cũng sẽ tranh thủ buổi lễ này để thể hiện ra “thực lực kinh tế” của mình. Thế nhưng đêm hôm đó, chị ấy chỉ mặc một bộ lễ phục màu xanh nước biển của hãng CK. Điều này thực sự khiến tôi “mở rộng tầm mắt”. Chị Meryl cũng nói rằng, lựa chọn trang phục của hãng CK là phù hợp với tầng lớp trung lưu của mình.

Chị Meryl dùng một hình tượng để ví: “Chim trĩ sẽ không vì mọc thêm mấy chiếc lông màu xanh, đỏ, vàng, trắng, đen mà biến thành chim công được.” Kỳ thực, người Mỹ không phải là không thích những thương hiệu cao cấp, nhưng việc tiêu thụ xa xỉ phẩm chỉ hạn định trong một số bộ phận người, ví dụ: người làm kinh doanh cao cấp, người làm về thời trang, vận động viên, ngôi sao điện ảnh, ca sĩ…

Người Mỹ không có thuyết giảng về giữ “thể diện”. Họ sẽ không vì hư vinh mà bỏ ra mấy tháng tiền lương đi mua một đôi giày Louis Vuitton. Không chỉ người trưởng thành mà ngay cả những thanh niên trẻ tuổi cũng hoàn toàn không phô trương.

Có một lần tôi ở siêu thị và gặp cậu con trai của chị Meryl tên là Mark. Cậu ấy đang chăm chú lựa chọn một chiếc quần jeans giảm giá hiệu Levi’s. Tôi liền hỏi cậu ta tại sao không tới những cửa hàng vừa tung ra những kiểu mẫu mới? Câu trả lời của Mark khiến tôi thật ấn tượng: “Cha mẹ cháu không phải là giàu có. Cho dù cháu có mặc những mẫu mới nhất của Levis thì nó cũng không biến cháu thành một “thiếu gia”. Hơn nữa, sau 18 tuổi cháu còn phải tự kiếm tiền để nuôi sống bản thân, khi ấy lại càng không có tiền để mua hàng hiệu, cho nên như hiện giờ đã là rất tốt rồi!”

Nhìn vẻ mặt thản nhiên và thỏa mãn của Mark, tôi thực sự đau lòng vì lúc trước vừa bỏ ra 300 USD để thuê một bộ trang phục thật đẹp… Đúng là sĩ diện có thể thật sự hại chết người!

2. Tính cách của người dùng và chất lượng của sản phẩm

Sau một thời gian, tôi lại phát hiện, người Mỹ không có “say mê’ những mặt hàng xa xỉ là vì còn có một nguyên nhân nữa. Ở nước Mỹ mọi người có thể mua được rất nhiều mặt hàng có chất lượng tốt, sự lựa chọn của họ là rất rộng.

Có một năm trước lễ Giáng Sinh, tôi đã đi dạo cùng với một cô bạn đồng nghiệp tên là Jenny đến bách hóa Macy. Vì trước đó tôi đã nghe nói Jenny được thừa kế một khối tài sản khổng lồ từ ông bà cô ấy, nên tôi cũng muốn để ý xem cô sẽ mua món quà hàng hiệu nào cho chồng và con trai của mình.

Jenny đã chọn hai chiếc khăn quàng cổ đàn ông có thương hiệu không nổi tiếng. Tôi cầm hai chiếc khăn để xem thử giá của chúng và phát hiện cũng không hề rẻ. Tôi liền hỏi Jenny: “Giá của chúng cũng không kém gì so với hàng Burberry, sao bạn không chọn cho hai người họ chiếc khăn ô vuông thương hiệu Burberry?” Jenny dùng ánh mắt khó hiểu nhìn tôi và nói rất rõ ràng từ màu sắc đến kiểu dáng, từ thiết kế đến chất lượng của hai chiếc khăn này.

Cuối cùng cô ấy hỏi tôi: “Với mức giá không sai biệt, bạn đương nhiên sẽ lựa chọn một sản phẩm có chất lượng tốt đúng không? Tại sao tôi lại phải mua một sản phẩm có chi phí quảng cáo lớn?” Mấy câu này của cô ấy khiến tôi không nói lại được gì cả. Rõ ràng, người Mỹ chú trọng đến chất lượng “thực tế” chứ không phải là “hư danh hay sự nổi tiếng”.

(Ảnh: Internet)

3. Cá nhân và gia đình

Càng đi sâu vào cuộc sống của người Mỹ, tôi lại càng nhận ra sự khác biệt. Khách quan mà nói, người Trung Quốc muốn mua hàng hiệu để phục vụ cho cá nhân thì người Mỹ lại muốn dùng tiền để kiến thiết phục vụ cho gia đình. Cô Tiffany là huấn luyện viên dạy Yoga ở trung tâm thể dục thể hình mà tôi thường tới. Trong cuộc sống hàng ngày, cô Tiffany đều ăn mặc rất giản dị, thậm chí quần áo giá rẻ. Cho nên khi cô ấy nói rằng cô đã mua cho mọi người trong nhà mỗi người một bộ đồ bóng bầu dục đúng tiêu chuẩn có giá lên tới 400 USD để đi xem đội Denver Broncos thi đấu, tôi đã thực sự bị sốc trong một thời gian dài.

Tôi hỏi: “Tại sao cô không dùng số tiền đó để mua cho mình bộ đồ hay đôi giày có thương hiệu nổi tiếng?” Cô ấy mỉm cười và nói với tôi: “Giữa việc dùng số tiền đó để mua sắm cho bản thân mình và gia đình, thì tôi thích mua sắm cho cả gia đình hơn!”

Rất nhiều người có ý nghĩ rằng, tình thân của người Mỹ thường không sâu sắc, khái niệm gia đình cũng không được quan tâm để ý. Nhưng trên thực tế, người Mỹ rất coi trọng tình cảm gia đình.

Sau đó tôi lại phát hiện thêm rằng, người Mỹ sau khi tiết kiệm được một khoản tiền nào đó, họ cũng không dùng để mua sắm mặt hàng xa xỉ cho mình mà dùng để mua sắm, đổi mới đồ dùng sinh hoạt cho gia đình.

Có một lần, Lucy – người giúp việc theo giờ cho gia đình tôi – đã xin nghỉ để đi mua một chiếc tủ lạnh hai cửa. Tôi liền hỏi xem cô ấy mua tủ lạnh thương hiệu gì. Lucy nói với vẻ mặt tự hào: “Kenmore!” Tủ lạnh thương hiệu này có giá không hề rẻ.

“Đối với tôi mà nói, có thể để cho chồng được uống một chai bia lạnh mỗi khi tan làm trở về nhà, hay bọn trẻ được ăn những chiếc kem ngon miệng lúc tan học về nhà, thì đó là niềm hạnh phúc lớn nhất.” Lucy nói.

Nhìn bộ dạng tươi cười của Lucy mà tôi cũng muốn đổi ngay cho gia đình mình một chiếc tủ lạnh tốt như vậy!

Điều gì mới là hạnh phúc thực sự? Một số người dốc hết tiền mua những mặt hàng xa xỉ để khoác lên thân mình, còn người Mỹ lại dùng tiền chi tiêu cho cuộc sống theo cách mình muốn, đem lại niềm hạnh phúc và tiện lợi cho cả gia đình, điều gì có giá trị hơn? Câu trả lời của bạn là như thế nào?

Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version