Hai nhà tâm lý học người Mỹ gần đây đã chỉ ra, trong một thời gian dài, rất nhiều người đã hiểu lầm, cho rằng các cặp vợ chồng hạnh phúc hiếm khi cãi nhau. Nhưng sự thực không phải như vậy, chẳng qua họ có cách “lập luận hiệu quả hơn” mà thôi.
Hai nhà tâm lý học Mỹ đã dành thời gian hơn 50 năm để nghiên cứu về mối quan hệ hôn nhân, họ đã luôn cùng nhau nỗ lực nghiên cứu các bí quyết để mối quan hệ vợ chồng càng ngày càng trở nên tốt đẹp.
Tiến sĩ tâm lý học Jessica Griffin, giáo sư tâm thần học và nhi khoa tại Đại học Massachusetts, và Tiến sĩ Pepper Schwartz, giáo sư xã hội học và tình dục học tại Đại học Washington, mới đây tại trang CNBC đã đăng một bài báo cho biết, trong một thời gian dài, nhiều người có một quan niệm sai lầm rằng các cặp vợ chồng hạnh phúc rất hiếm khi cãi nhau. Sự thực không phải như vậy, chẳng qua họ có “lập luận hiệu quả hơn” mà thôi.
Các giáo sư cho biết: “Khi chúng tôi hợp tác với những cặp vợ chồng đang xuất hiện tranh chấp và không cách nào đạt được tiến triển, chúng tôi thông thường kiến nghị họ, trước tiên hãy ngừng việc tranh cãi, sau đó lập ra một kế hoạch giao tiếp tốt và hiệu quả. Mỗi người viết ra những vấn đề hoặc hành vi tồn tại của đối phương (hoặc bản thân mối quan hệ), những thứ đã luôn làm bản thân mình ưu phiền.”
Để giao tiếp có hiệu quả hơn, các cặp vợ chồng cần phải thiết lập “các nguyên tắc tranh luận” đặc thù về cách chia sẻ và thảo luận những vấn đề này như thế nào.
Quy tắc giao tiếp tốt cho các cặp vợ chồng hạnh phúc
Nếu bạn tuân theo các quy tắc này khi tranh luận, mối quan hệ vợ chồng của bạn sẽ thành công hơn đại đa số người khác:
- Chúng ta sẽ chân thành đối đãi nhau, không lãnh đạm vô tình.
- Không sỉ vả hoặc làm nhục đối phương.
- Mục tiêu của chúng ta là giải quyết những vấn đề này để chúng ta có thể tiếp tục đồng hành cùng nhau.
- Chúng ta sẽ không đình chỉ đối thoại, nhưng có thể yêu cầu tạm dừng 20 phút.
- Chúng ta giả thiết rằng tất cả chúng ta đều muốn có kết quả giống nhau – duy trì hôn nhân và cải thiện mối quan hệ của chúng ta.
- Chúng ta sẽ giữ vững lập trường: “Em và anh cùng nhau đối mặt và chiến thắng những khác biệt, chứ không phải đối kháng nhau.”
- Chúng ta sẽ sử dụng cách biểu đạt “Em cảm thấy”, hay “Anh cảm thấy”, thay vì chỉ trích lẫn nhau.
- Chúng ta bày tỏ những nhu cầu hoặc nguyện vọng tích cực (ví dụ như: “Em muốn cảm giác gần gũi hơn với anh”).
Griffin và Schwartz chỉ ra rằng, điều tối quan trọng đối với cả bạn và đối tác là tuân thủ các quy tắc giao tiếp “yêu thương, viên dung và thành thực”, điều này sẽ giúp cả hai tìm đến gốc rễ của mâu thuẫn mà không cắt đứt mối liên hệ tình cảm của các bạn.
Hai giáo sư kết luận rằng, khi các cặp vợ chồng có thể cho nhau không gian để bày tỏ đầy đủ ý kiến của mình, sau đó đề xuất những câu hỏi có tính mục tiêu về những ý kiến đó, thay vì giữ nguyên ý kiến của mình (hoặc rời khỏi hiện trường), thì tình cảm giữa vợ và chồng sẽ được hâm nóng lại, từ đó quan hệ vợ chồng sẽ ngày càng trở nên thân mật, khăng khít, bền chặt.
Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch