Quay ngược dòng lịch sử, Nhật Bản đã từng là những quốc gia kiệt quệ và đổ nát sau chiến tranh. Thế nhưng, họ đã từng bước khôi phục, phát triển để rồi trở thành cường quốc như ngày nay. Đi tìm yếu tố đã giúp xứ sở hoa anh đào làm nên kỳ tích, người ta nhận ra rằng dân tộc ấy có một phẩm chất khiến cả thế giới nghiêng mình thán phục: “nhẫn”.
Ai từng đến nước Nhật đều biết, khác với người Trung Quốc ngày nay có thói hơi chút là đập bàn quăng ghế, người Nhật rất chú trọng lễ phép và nhẫn nhịn. Nói cách khác, họ thường rất có lý trí. Dĩ nhiên không phải là nói nước Nhật không có những người trẻ phẫn chí. Đất nước họ vẫn có, và cũng chẳng ít, nhất là những thanh niên phái hữu, nhưng nếu so với số đông trong xã hội thì họ chỉ ngẫu nhiên gây ra chút sóng gió nhỏ mà thôi.
Câu chuyện nhẫn chịu suốt 800 năm của Thiên Hoàng Nhật Bản
Ngược dòng lịch sử, bắt đầu từ chuyện nhẫn nhịn của Thiên Hoàng Nhật Bản.
Tại Nhật Bản, Thiên Hoàng được coi là hoá thân của thần thánh tại thế gian, nhưng từ triều Nguyên Lại, sau khi lập ra Mạc Phủ Liêm Thương (tức Kamakura Bakufu) vào năm 1192 (có thể còn sớm hơn) thì Thiên Hoàng chỉ còn là bù nhìn, mất toàn bộ quyền lực.
Mãi cho tới năm 1868 khi phương Tây xâm nhập nước này, phái chống Mạc Phủ lập quân đội đánh đổ Mạc Phủ, tống khứ viên tướng cuối cùng của Mạc Phủ và công bố chiếu thư “Vương Chính Phục Cổ Đại Hiệu Lệnh” của Thiên Hoàng, trả lại toàn bộ quyền lực vào tay Thiên Hoàng rồi bắt đầu cuộc Duy Tân Minh Trị. Đến đây mới chấm dứt lịch sử 800 năm Thiên Hoàng mất quyền cai trị đất nước. Thời gian dài đến thế mà Thiên Hoàng vẫn nhẫn nhịn được!
Sức nhẫn chịu đáng kinh ngạc của một kẻ bại trận
Khi hai trái bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8 năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ 2 đã thật sự chấm dứt trên một nước Nhật điêu tàn với 3 triệu người chết và mất tích, 40% đô thị bị phá hủy. Những thành phố lớn như Tokyo, Osaka, Nagoya, Kobe, Kagoshima trở thành bình địa.
Bại trận và phải ký hiệp ước đầu hàng phe đồng minh, Nhật mất tất cả từ các thuộc địa trước đây lẫn chủ quyền vì là nước bị chiếm đóng. Những khoản bồi thường khổng lồ sau chiến tranh càng khiến tương lai của đất nước Phù Tang trở nên tăm tối mù mịt hơn bao giờ hết.
Nhưng người dân Nhật không đánh mất ý chí. Kẻ bại trận ý thức về thân phận của mình, hiểu rằng đó là cái giá phải trả cho những tội ác chiến tranh đã gây ra và chỉ nung nấu một hi vọng duy nhất: vực dậy đất nước. Bỏ qua niềm tự hào dân tộc ghê gớm, người Nhật đã ngay lập tức gạt bỏ nỗi đau của kẻ thua trận, thẳng thắn thừa nhận những sai lầm của mình và dồn toàn tâm toàn chí vào xây dựng lại đất nước.
Trong khi các cường quốc lao vào cuộc chạy đua vũ trang thì người Nhật chọn nhẫn nhục chấp nhận trở thành một quốc gia không còn quyền lực chính trị. Họ đã sáng suốt từ chối một số trách nhiệm chính trị và lặng lẽ sống trong sự che chở, bảo hộ của Mỹ. Nói cách khác, họ ra khỏi cái tiếng của cường quốc chính trị để tập trung làm giàu cho đất nước của mình. Từ một dân tộc hiếu chiến, Nhật Bản đã trở thành một quốc gia dân chủ theo kinh tế tư bản. Và bây giờ, họ được mời trở lại như một cường quốc chính trị, được khuyến khích, thậm chí được thúc giục trở thành một cường quốc chính trị. Họ đã thắng ngay sau khi vừa thua.
Câu chuyện thần kỳ của Nhật đã được cả thế giới biết đến khi chỉ 10 năm sau chiến tranh, nền kinh tế đã bước đầu khôi phục, rồi 10 năm tiếp theo là thời kỳ phát triển thần tốc với mức tăng trưởng bình quân 10%. Năm 1968, Nhật trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới và chỉ chịu nhường vị trí này cho Trung Quốc từ năm 2010. Không những vậy, Nhật còn là một nước Châu Á có nhiều giải thưởng Nobel nhất thuộc về nhiều lĩnh vực từ khoa học đến văn chương.
Nhẫn để học hỏi và vực dậy mạnh mẽ
Công bằng mà nói, Nhật Bản không phải là một dân tộc có sức sáng tạo đột phá, nhưng bù lại họ lại vô cùng giỏi về mặt học cái hay cái tốt của người khác, hơn nữa còn biết xem xét rất tốt vấn đề học ai, học gì và học như thế nào; sau khi học tinh thông rồi thậm chí còn vượt cả thầy.
Ngày xưa, Nhật từng là học trò trung thành, thật thà nhất của Trung Quốc. Sau Duy Tân Minh Trị, Trung Quốc thời kỳ Tuỳ Đường được gọi là Thiên triều Thượng quốc. Hoàng đế nhà Đường từ Thái Tôn trở đi cho tới Đại Tôn đều được tôn kính gọi là “Thiên Khả Hãn” (Khả Hãn: lãnh tụ tối cao); văn minh Trung Hoa ở đỉnh điểm. Hồi ấy nước Nhật ngưỡng mộ văn minh Trung Hoa và văn hoá Nho Giáo, từng 13 lần cử sứ thần sang Trung Quốc học tập toàn diện hệ thống chính trị, văn hoá, chế độ, điển tịch … và từ đó tạo nên cuộc “Cải tân Đại hoá” nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản, thúc đẩy nước Nhật thời cổ phát triển một bước lớn. Sau đó Nhật không ngừng liên hệ và giao lưu, học hỏi Trung Quốc. Đến thời cận đại, cùng với sự suy yếu của chính quyền nhà Thanh, các cường quốc phương Tây thống trị thế giới, người Nhật lại cực kỳ chú trọng học tập chế độ văn minh và kỹ thuật tiên tiến của phương Tây để phát triển đất nước.
Nhân nói về sự ham học hỏi của người Nhật, không thể không kể đến ý thức về trách nhiệm của họ. Năm 1985, trong triển lãm xuất khẩu của Nhật ở Tokyo, ông Kyosera (chủ tịch hãng đồ sứ lớn nhất của Nhật) có một bài diễn văn khai mạc khiến cả thế giới xúc động. Trong đó, khi nói về khoa học công nghệ, ông nói rằng người Nhật đã sử dụng những tiến bộ kỹ thuật của thế giới cho sự phát triển của nước Nhật, và đã đến lúc nước Nhật phải trả lại cho thế giới những gì đã lấy. Cho nên nước Nhật phải tiên phong, phải đầu tư vào những nghiên cứu cơ bản để đóng góp nghĩa vụ của mình trong việc phát triển nền khoa học thế giới. Nước Nhật có những con người ý thức được cả những chuyện như vậy!
Có thể nói, người Nhật có một sức nhẫn chịu đến kinh ngạc: Ai làm họ đau đớn, họ sẵn sàng bỏ qua, thậm chí quên hết để bắt tay cùng hợp tác và sẵn sàng học hỏi những điều hay, điều tốt của đối phương. Đối với họ, tự tôn không phải là ngoan cố bảo vệ những quan niệm, lối sống cũ xưa mà chính sự cầu thị, ham học hỏi cùng với việc kiên định bảo vệ những giá trị truyền thống cốt lõi mới là chìa khóa để tồn tại và phát triển bền vững. Và ngày nay, không chỉ Mỹ mà cả thế giới đều kính trọng Nhật Bản bởi chính sự kiên nhẫn khổng lồ của một dân tộc có lòng tự tôn mạnh mẽ.
Thiện Nam