Đại Kỷ Nguyên

Nhan sắc thật của các mỹ nữ triều đại nhà Đường: Sự khác biệt giữa điện ảnh và đời thực

Triều đại nhà Đường được sử sách ghi lại là thời kỳ hoàng kim với nền văn hóa và kinh tế phát triển mạnh. Đặc biệt, phần trang phục và phong cách trang điểm của nữ giới đã có một sự thay đổi lớn. Song, nếu chỉ qua những thước phim truyền hình để đánh giá về hình ảnh thực tế các cung tần mỹ nữ thì có phần không được đúng đắn cho lắm. Bởi giữa phim ảnh và thực tế luôn có khoảng cách khá xa.

Trước hết, hãy cùng tìm hiểu quan niệm về cái đẹp của người Trung Hoa.

Trung Quốc – vẻ đẹp tao nhã với nhiều khuôn phép, quy tắc

Người Trung Hoa xưa tuân theo khuôn khổ của Đạo giáo và Nho giáo, do đó chuẩn mực về cái đẹp phụ nữ cũng chịu sự chi phối từ đó. 


Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc. (Ảnh: Internet)

Đối với Đạo giáo, người xưa quan niệm con người là một phần của thiên nhiên và vẻ đẹp của phụ nữ rất tương đối. Trang Tử cho rằng, Tây Thi có thể đẹp với chúng ta, nhưng với con cóc đực thì chẳng thể bằng con cóc cái được. 

Do đó, cái đẹp bên ngoài không sánh được với cái đẹp bên trong, cái đẹp của sự thanh tĩnh, thoát tục. Minh chứng rõ nhất là những bức tranh tiên cô trong Đạo giáo thường uyển chuyển như nước, trong vắt như thủy tinh, thiên về thanh mảnh hơn là thân hình phốt phát, đầy đặn…


Tây Thi – một trong tứ đại mỹ nhân cổ của người Trung Hoa. (Ảnh: Internet)

Trong khi đó, với Nho giáo, tứ đức: Công, Dung, Ngôn, Hạnh luôn được đặt lên hàng đầu. Điều đó có nghĩa Công (năng lực làm việc của người phụ nữ, sự đảm bảo cho cuộc sống gia đình) mới là ưu tiên số một. Còn Dung (vẻ đẹp bên ngoài) chỉ đứng hàng thứ hai. Theo quan niệm này, người phụ nữ đẹp phải có khuôn mặt cân phân về cả tam đình, ngũ nhạc.


Gót sen ba tấc – một trong những chuẩn mực của người phụ nữ đẹp trong xã hội phong kiến Trung Hoa.(Ảnh: Internet)

Cụ thể, khoảng cách giữa hai đầu lông mày phải rộng rãi, diện mạo tươi tắn, sắc mặt trắng ngà, mắt phượng môi hồng. Bất kể gầy hay béo thì lòng bàn tay của cô gái phải có sắc hồng ấm áp, ngón tay thon dài, thẳng và khít nhau, đường chỉ tay rõ. Ai mà dưới rốn có nốt ruồi màu son tàu hay thịt nổi rõ như vành đai thì chắc chắn người đó sinh được quý tử bất kể diện mạo xấu đẹp.

Chuẩn mực về cái đẹp của mỗi phụ nữ qua mỗi thời kỳ lịch sự có sự biến đổi khác nhau. Tuy vậy, chúng vẫn giữ một tinh thần chung: vẻ đẹp bên ngoài cần mang nội hàm, phản ánh nội tâm bên trong, triều đại nhà Đường cũng không ngoại lệ.

Phụ nữ nhà Đường tròn trịa, kín đáo khác với tạo hình trong phim “Võ Tắc Thiên” 

Ở thời nhà Đường, vẻ đẹp tiêu chuẩn của người phụ nữ là mập mạp, tròn trịa. Nhiều nhà nghiên cứu đã giải thích rằng, những bức tranh miêu tả lại hình ảnh của Võ Tắc Thiên đều có chung đặc điểm “mặt vuông, trán rộng, béo phục phịch, đôi mắt phụng dài, có tướng đế vương”. Trong tiếng Trung ngày nay vẫn có câu: “Huán Féi Yàn Shòu” (Hoàn mập Yến ốm). Yến là chỉ người đẹp thời Hán, Triệu Phi Yến, có vóc dáng mình hạc sương mai. Còn Hoàn là chỉ Dương Ngọc Hoàn – Dương Quý Phi thời Đường có thân hình mập mạp.


Theo sử sách vào thời Đường, phụ nữ được cho là đẹp, hấp dẫn thì phải tròn trịa, mập mạp. (Ảnh: Internet) 

Điều này gắn với quan niệm “phụ nữ là bộ mặt của đàn ông”. Phụ nữ càng mập mạp, tròn trịa chứng tỏ trong nhà được ăn uống no đủ, giàu có. Và điều đó chứng minh rằng người đàn ông trong gia đình là một người tài giỏi, biết kiếm tiền, là chỗ dựa vững chắc cho người phụ nữ.

Nếu phụ nữ sở hữu thân hình gầy, nhỏ nhắn chứng tỏ người đàn ông yếu đuối, không có năng lực lo toan cho gia đình.

Nhưng ở thời hiện đại, người phụ nữ đẹp được cho là sở hữu thân hình mảnh khảnh, thon thả cùng khuôn mặt thanh thoát. Chính vì vậy, dù trong lịch sử, mỹ nhân thời Đường nên sở hữu thân hình tròn trịa, thì trong phim Võ Tắc Thiên, cung tần mỹ nữ đều mang một dáng vẻ mảnh mai và quyến rũ. 


Các mỹ nhân của Võ Tắc Thiên sở hữu khuôn mặt thanh thoát và dáng hình thon thả. (Ảnh: Internet)

Nhưng điều khán giả không đồng tình với tạo hình của bộ phim Võ Tắc Thiên chính là trang phục táo bạo và gợi cảm quá mức của nhân vật. Điều này khác xa so với chuẩn mực đạo đức của phụ nữ thời Đường. 


Tạo hình của Phạm Băng Băng trong phim. (Ảnh: Internet) 

Ở các triều đại trước khi Võ Tắc Thiên lên ngôi, thời trang của phụ nữ thường kín đáo, giữ gìn nét đoan trang của người phụ nữ, tuy nhiên đến thời nhà Đường, những trang phục này được cải biên rõ rệt. Mặc dù trang phục được thiết kế phóng khoáng hơn, thướt tha và lôi cuốn hơn, nhưng vẫn giữ nét e dè của người con gái, không “hở hang” quá mức như trong phim lột tả. 


Một vài bức tranh cổ ghi lại hình ảnh người phụ nữ trong cuộc sống đời thường khá kín đáo. (Ảnh: Internet) 


Sự thực là trang phục phụ nữ đời Đường có quyến rũ, có phóng khoáng hơn các thời kỳ khác nhưng không có chuyện đẩy ngực, khoe cơ thể hết cỡ như trong phim. (Ảnh: Internet) 


Tạo hình một mỹ nhân thời Đường trong phim Võ Tắc Thiên (Ảnh: Internet) 

Nhà phê bình điện ảnh của tờ China Daily cho biết qua các thư tịch cổ, triều đại của Võ Tắc Thiên, phụ nữ thường mặc trang phục hở cổ và vai, song bộ ngực không để lộ như trong phim. Điều này khiến bộ phim Võ Tắc Thiên chưa truyền tải được đúng đắn tinh thần cũng như thông điệp của lịch sử, thậm chí, ở một góc độ nào đó còn khiến người xem phản cảm vì sự phóng khoáng có phần “quá đà” trong cách ăn mặc. 

Nhà phê bình điện ảnh Wang Xudong thì cho rằng: “Những hình ảnh phô trương quá mức cơ thể phụ nữ hoàn toàn không tốt cho khán giả trẻ. Các dự án truyền hình cũng cần phải lưu ý ảnh hưởng về mặt giáo dục”.

Ngoài ra, phụ nữ thời Đường cũng chọn cho mình một cách trang điểm hết sức độc đáo và riêng biệt.


Phụ nữ nhà Đường trang điểm đậm. (Ảnh: Internet) 

Theo các tài liệu, cách trang điểm của các nữ nhân thời này khá phức tạp. Họ dùng phấn nền, son và bột vàng, lông mày được tô xanh và vẽ cả má lúm đồng tiền. Bên cạnh đó, các cô nương còn vẽ một biểu tượng hình hoa giữa trán.


Đây là bức hình phục dựng gần như chính xác cách trang điểm theo đúng tiêu chuẩn và quan niệm thẩm mỹ thời nhà Đường: vẽ cặp mày đen, ngắn và thô. (Ảnh: Internet) 

Cách trang điểm này có thể lạ lẫm với các quý cô thời hiện đại, và nếu chúng ta dùng chuẩn mực cái đẹp thời nay để nhìn nhận vẻ đẹp thời xưa của người phụ nữ, những đánh giá sẽ mang tính chủ quan. Thực tế, nét thu hút của nữ giới trong mắt phái mạnh, không chỉ nằm ở vẻ bề ngoài mà ẩn sâu ở nội tâm. Và điều mà bộ phim “Võ Tắc Thiên” chưa thực sự khắc họa được đó là khí chất của phụ nữ thời xưa mang đậm những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp.

Chúng ta có thể cảm thấy tự hào vì chúng ta có hình thức bề ngoài đẹp hơn người xưa. Nhưng có lẽ chuẩn mực về cái đẹp mỗi thời đại khác nhau, người xưa coi vẻ đẹp không chỉ hình thức bên ngoài mà còn là cả tâm hồn bên trong. Bởi vẻ đẹp của người phụ nữ như tảng băng trôi, những gì chúng ta thấy bề ngoài thuộc về hình thức chỉ chiếm khoảng 10%, 90% còn lại thuộc về vẻ đẹp tiềm ẩn, bao gồm sự tự tin, tính cách, văn hóa ứng xử và tri thức… Cái đẹp còn hiện diện trong tâm trí của người đang ngắm nhìn nó và mỗi người cảm nhận cái đẹp một cách khác nhau.

Thuần Khiết

Xem thêm:

Exit mobile version