Năm 2014, chim cánh cụt hoàng đế Charlotte là con cánh cụt cái đầu tiên được sinh ra ở Anh trong gần một thập kỷ và nó đã được nghênh đón tại Vườn chim Birdland (Công viên Vườn Chim).
Tuy nhiên khi lớn lên, Charlotte mắc phải một vấn đề kỳ lạ: Nó sợ nước.
Khi còn bé, chim cánh cụt con đã bị mất lớp lông tơ. Đó chính là lý do vì sao khi đi theo một con lớn ra hồ bơi, nó dừng lại và quay trở về. Đôi khi Charlotte nhúng một chân xuống nước, nhưng chỉ vậy thôi.
Tất cả chim cánh cụt cần phải bơi tốt, đó là điều giúp chúng sống tốt trong môi trường và hòa hợp với các thành viên. Vậy nên dạy Charlotte tập bơi trở thành một nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, những con chim cánh cụt khác trong đàn có vẻ không để ý tới điều này.
Rất may, một nhân viên của vườn thú tên là Alastair đã nhận nhiệm vụ này. Anh đã dạy Charlotte làm quen và dần trở nên dạn dĩ với nước. Kết quả đạt được trong hiện tại rất khả quan. Alastair đã hướng dẫn Charlotte bằng cách của riêng mình. Nhẹ nhàng và từng bước một, anh giúp Charlotte xuống hồ bơi. Thậm chí anh còn đeo dụng cụ để lặn cùng với chú chim non.
Vì chim cánh cụt Charlotte rất tin tưởng nhân viên này, được sự động viên nên nó đã theo anh xuống hồ bơi. “Một khi đã xuống nước, nó nhận ra rằng nó có thể nín thở, nhìn dưới nước, và khi cần thiết, nó có thể lặn” để bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời của nó như một con chim cánh cụt hoàng đế nhỏ thực thụ.
Bây giờ Charlotte đã là một chuyên gia bơi lội chính hiệu. Ban đầu nó chỉ bơi 1, đến 2 lần một ngày, còn bây giờ thì 6 đến 7 lần một ngày. Charlotte đã tìm lại được khả năng vốn có của mình. Hình ảnh những chú chim cánh cụt bơi lội thoăn thoắt trong làn nước trong xanh khiến rất nhiều du khách, đặc biệt là các trẻ em vô cùng thích thú.
Khi được chúc mừng ý tưởng cùng xuống nước với Charlotte, Alastair nói rằng mặc dù công việc của anh có những thuận lợi cũng như những bất tiện, nhưng anh thực sự yêu thích những gì đã làm được.
Suy ngẫm
Câu chuyện giản dị của Alastair và Charlotte không chỉ đem lại những giây phút thư giãn, nó còn đem tới cho bạn cảm nhận về lòng tốt thật ngọt ngào và êm dịu phải không? Alastair đã đem lại cho Charlotte một cuộc sống hoàn toàn khác bằng sự dịu dàng và nhẫn nại của mình.
Nhưng câu chuyện nhỏ này còn có thể cho chúng ta thêm một hình dung đáng suy ngẫm nữa. Đó là sức mạnh của sự nâng đỡ của giáo dục, hay cụ thể hơn là sự nâng đỡ của thầy cô, cha mẹ đối với trẻ thơ.
Mỗi đứa trẻ đều có những giai đoạn giống với chim cánh cụt Charlotte, đặc biệt là những đứa trẻ nhút nhát và có phần yếu đuối. Các em có trong mình tất cả những hạt giống quý nhất cho sự thành công: tinh thần chăm chỉ, sự ham học hỏi, tính kiên nhẫn và lòng trắc ẩn. Nhưng vì một lý do nào đó, những đứa trẻ không thể nhận ra những đức tính ấy bên trong mình. Để rồi, các bé để sự tự ti, nhút nhát lấn át. Trong các bé, có những nỗi sợ, như nỗi “sợ nước” của Charlotte vậy.
Với con người, một con chim cánh cụt sợ nước là điều bất thường. Nhưng chúng ta dễ dàng quên mất rằng, có một nguyên nhân, một khiếm khuyết ẩn đằng sau nỗi sợ hãi ấy. Và con người càng dễ quên mất rằng, khả năng bơi nằm trong bản năng của Charlotte. Nhưng nỗi sợ sinh ra từ khiếm khuyết khiến chính Charlotte không nhận ra điều quan trọng đó.
Tuy nhiên, Alastair đã nhìn Charlotte là một chú chim cánh cụt thực thụ, chứ không phải một chú chim kỳ lạ sợ nước. Để rồi, anh dùng sự dịu dàng và kiên nhẫn của mình giúp Charlotte nhận ra rằng: Nó có tất cả những khả năng để bơi lội, ngụp lặn một cách tự do trong nước. Alastair đã giúp Charlotte lấy lại niềm tin vào chính mình. Từ đó, nó thoát khỏi nỗi sợ hãi và sống đúng với bản năng bơi lội tuyệt vời.
Vậy người lớn chúng ta phải chăng cũng có thể dùng sự dịu dàng và nhẫn nại của mình để dìu dắt những đứa trẻ, dù chúng là những đứa nhút nhát nhất hay cứng đầu nhất. Từng bước giúp chúng gỡ bỏ những điều tiêu cực trong tâm lý như: sự sợ hãi, sự ương bướng, sự tư ti. Để rồi tự những đứa trẻ sẽ nhận ra rằng chúng có đủ những điều kiện cần và đủ để thành công.
Quá trình giáo dục phải chăng cũng chính là quá trình người lớn giúp trẻ từng bước xây dựng niềm tin của các con vào những điều tốt đẹp sẵn có, ẩn bên trong tâm hồn. Vì lẽ đó, những đứa trẻ không bao giờ là tờ giấy trắng. Chúng vốn là những chiếc rương chứa kho báu. Cha mẹ không phải là người viết những điều họ mong muốn cho cuộc đời của đứa trẻ. Ngược lại, họ sẽ giúp con mình mở chiếc rương của tâm hồn, và xây dựng cuộc sống từ chính sự giàu có nội tại ấy, như cách Alastair giúp Charlotte mở chiếc rương mang tên “bơi lội” của nó.
Xuân Hà – Hy Văn