Đại Kỷ Nguyên

Nhìn 20 nghị lực sống phi thường này, sẽ chẳng còn ai muốn cay nghiệt với cuộc đời…

Với sự phát triển của cuộc sống hiện đại ngày nay, đôi khi những lợi ích vật chất hiện hữu lại trở thành mối quan tâm số một của không ít bạn trẻ, để rồi họ lãng phí hầu hết thời gian của cuộc đời chạy theo những thứ phù du đó mà so sánh, hơn thua và quên mất giá trị đích thực của cuộc sống.

Đôi khi ta tự so sánh mình với những người có điều kiện hơn rồi thấy ghen tị và than thân trách phận, nhưng những con người trong những câu chuyện dưới đây, họ ngàn lần kém may mắn hơn bạn, vậy mà trên môi lúc nào cũng không vắng bóng nụ cười, hãy đọc để thấy biết ơn cuộc sống – “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương”…

1.

Bé gái trong bức ảnh này có tên là Trần Thị Hiếu Thảo. Em ra đời năm 2010 tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng với một thân hình không hoàn hảo. Khi em 10 tháng tuổi, tai họa ập đến, bố Thảo bị mất trong một tai nạn giao thông. Để có kinh phí trang trải cho cuộc sống, mẹ em đành phải gửi em cho ông bà ngoại để đi lao động xa. Như biết được những khó khăn, vất vả của ông bà và mẹ, Thảo rất ngoan ngoãn, không hay quấy khóc, mè nheo. Mặc dù thiếu đi đôi tay, thế nhưng Thảo vẫn tự chăm sóc được bản thân, em có thể tự xúc cơm và thay quần áo, em còn tập viết chữ bằng chân.

2.

Bé Hà Văn Tài (Quảng Trị) hiện đã 11 tuổi. Em sinh ra đã mồ côi cha mẹ, sống với bà ngoại từ bé. Sinh ra với hình hài không trọn vẹn: Thiếu đi đôi tay, đôi chân bên dài bên ngắn nhưng với nghị lực phi thường của mình, em có thể dùng chân để làm mọi việc, em vẫn đi học như bao bạn bè cùng trang lứa và giúp đỡ bà ngoại những khi có thời gian rảnh. Với em, được đến trường là một niềm vui lớn. Trong ảnh, Tài đang nắn nót viết từng chữ bằng đôi chân dẻo dai, linh hoạt của mình.

3.

Chắc hẳn chúng ta không còn xa lạ với cô bé “chim cánh cụt” Nguyễn Hoài Thương. Bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, cô bé sinh ra đã không có tay chân. Thế nhưng, Thương vẫn luôn tinh nghịch và hồn nhiên cười đùa. Bề ngoài kháu khỉnh của em cùng với tinh thần lạc quan đó khiến bất kỳ ai bên cạnh em đều cảm thấy vui vẻ.

4.

Cô bé Lê Thị Thắm (trú tại thôn 9, Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) khiến bao người cảm phục vì “tinh thần thép”. Chỉ bằng đôi chân, Thắm đã tập luyện, viết được chữ, soạn thảo thành thạo văn bản trên máy vi tính, chải tóc, nhặt được rau cho mẹ và nhiều công việc trong sinh hoạt thường ngày. Suốt 12 năm đi học, Thắm luôn giữ vững danh hiệu học sinh tiên tiến và học sinh giỏi. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa qua, bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình và thành tích học tập tốt, em đã được đặc cách vào ngành Sư phạm Tiếng Anh của trường Đại học Hồng Đức, dần dần từng bước thực hiện giấc mơ được làm cô giáo của mình.

5.

Tạo hóa đã không cho cậu bé này một cơ thể hoàn thiện như bao đứa trẻ khác, thế nhưng đã cho em một đôi chân kì diệu. Đó là cậu bé Hồ Hữu Hạnh sinh năm 2001 tại vùng quê nghèo ở xã Gia Canh, huyện Đình Quán, tỉnh Đồng Nai. Vượt lên số phận, chỉ với đôi chân khéo léo của mình mà mọi công việc dù nặng nhọc tới đâu, Hạnh cũng cố gắng thực hiện cho bằng được để giúp đỡ cha mẹ.

6.

Với ý chí mạnh mẽ, chị Bùi Thị Thanh Thủy tuy bị cụt mất cánh tay phải nhưng vẫn vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống và tự kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Chị hiện là công nhân công ty TNHH Chang Shin Việt Nam, tỉnh Đồng Nai. Cho dù cơ thể có khiếm khuyết, nhưng chị vẫn luôn có trách nhiệm với công việc, chăm chỉ, miệt mài để không làm ảnh hưởng đến năng suất lao động của nhà máy.

7.

Lớn lên tại Làng Hòa Bình (nơi chăm sóc những đứa trẻ bị chất độc da cam tại TP. HCM) nhưng không hề mặc cảm bởi bản thân, Lê Minh Châu, chàng trai 25 tuổi nuôi giấc mơ cháy bỏng trở thành họa sĩ và nhà thiết kế thời trang để đưa sản phẩm của mình ra với thế giới. Chàng trai nghị lực này vô cùng tài năng, cùng với việc thông thạo hai thứ tiếng: tiếng Anh và tiếng Nhật. Bộ phim kể về hành trình vươn lên của anh mang tên “Chau, Beyond the Lines” đã lọt vào danh sách 5 đề cử chính thức giải Oscar 2016 ở hạng mục phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất.

8.

Cụt hai chân, đi lại khó khăn, thế nhưng chàng trai dũng cảm Hoàng Lê Anh Tú vẫn kiên cường vươn lên. Hiện anh đang đảm nhiệm vai trò công nhân bắn nhám tại công ty TNHH San LimFurniture Việt Nam. “Cuộc đời thật ý nghĩa khi tôi còn được làm việc để tự nuôi sống bản thân. Thậm chí bây giờ tôi đã trở thành lao động chính của gia đình” – anh Tú vui mừng nói.

9.

Sinh ra tại huyện Ứng Hòa trong gia đình có 3 anh chị em, nhưng Ngọc Bảo không may bị mắc căn bệnh phù chân voi từ bé. Thế nhưng, chàng trai này chưa bao giờ từ bỏ niềm đam mê thể thao của mình. Bảo luôn sống và cố gắng phấn đấu với phương châm: “Khuyết tật về cơ thể chứ không khuyết tật về ý chí”. Câu chuyện của Bảo đã tiếp lửa và truyền cảm hứng cho rất nhiều người xung quanh.

10.

Năm 15 tuổi, tai nạn lao động khi làm việc tại nhà máy xay xát lúa gạo đã cướp đi cánh tay phải của ông Huỳnh Văn Đôn, sống tại Thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Thêm vào đó là hoàn cảnh gia đình khó khăn: vợ đau ốm liên miên, người con trai bị bệnh tâm thần nhẹ và đứa cháu ngoại mồ côi cha nhưng ông Đôn chưa bao giờ oán trách cuộc đời hay buông xuôi. Dù chỉ với một tay còn lành lặn, nhưng 30 năm qua, ngày ngày ông đều đóng gói rồi kéo từng xe trấu vài trăm kg đi bán để mưu sinh và nuôi sống gia đình.

11.

Năm 2000, khi lên 4 tuổi, bé Tiền Hồng Diễm (Trung Quốc) đã gặp phải một tai nạn giao thông kinh hoàng. Tai nạn đó khiến em phải cắt bỏ toàn bộ phần thân dưới từ xương chậu trở xuống và trở thành người tàn tật. Để cô bé có thể di chuyển thuận lợi hơn, ông nội của Hồng Diễm đã cắt một quả bóng rổ lắp vào người cháu gái, vì vậy Tiền Hồng Diễm còn có biệt danh là “cô gái bóng rổ”. Với năm khiếu bẩm sinh cùng với nghị lực, sức mạnh phi thường, em đã đã chăm chỉ luyện tập bơi lội và trở thành một vận động viên Paralympic Games nổi tiếng ở Trung Quốc.

12.

Hai mẹ con cô Linda (37 tuổi) và con trai là Timmy (11 tuổi) sống tại Chicago đều không may mắc một căn bệnh di truyền hiếm gặp có tên Hội chứng Holt-Oram. Hội chứng này khiến hai mẹ con cô sinh ra không có đôi tay. Không để bệnh tật làm mình lùi bước, cô Linda và con trai mình đã kiên cường vượt qua khó khăn và học cách dùng chân để làm mọi việc. Linda có thể dùng chân để nấu ăn, rửa bát, dọn nhà còn bé Timmy có thể bơi lội, tập võ… như tất cả bạn bè cùng trang lứa.

13.

Đối với hầu hết mọi người, tuổi thơ là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời. Thế nhưng đối với cậu bé này, dường như đó chỉ là một ước mơ xa vời. Tuy phải trải nghiệm những điều cực khổ, đắng cay từ khi con bé nhưng em vẫn chẳng hề mất đi sự hồn nhiên vốn có, cho dù không được ăn no mặc ấm, không được cắp sách đến trường mà phải làm biết bao công việc nặng nhọc, nụ cười tươi tắn vẫn luôn nở trên môi em.

14.

Yu Tae-ho (Hàn Quốc) bị dị tật bẩm sinh, em không có cánh tay và mỗi bàn chân chỉ có 4 ngón. Có lẽ vì hình hài khiếm khuyết của mình, thế nên em đã bị cha mẹ bỏ rơi và được một trại trẻ mồ côi nhận nuôi dưỡng. Thế nhưng Tea-ho không hề mặc cảm bởi ngoại hình của mình, em luôn tràn đầy niềm tin yêu cuộc sống. Tae-ho còn có thể tự làm rất nhiều việc, em không muốn mình trở thành gánh nặng cho mọi người, cũng như không muốn mọi người phải thương xót mình. Yu Tae-ho thực sự đã làm được những điều đáng kinh ngạc và mang đến nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao cho những bạn nhỏ khuyết tật và mồ côi cùng chung cảnh ngộ như cậu.

15.

Ra đời mà không có bàn tay, thế nhưng, cô bé người gốc Trung Quốc Annie Clark, đến từ Pittsburgh, bang Pennsylvania vẫn có một niềm đam mê lớn đối với học hành. Năm 2012, Annie đã giành được giải nhất trong cuộc thi viết chữ đẹp Nicolas Maxim và nhận được phần thưởng trị giá 1.000 USD (tương đương 22,3 triệu đồng).

16.

Cho dù không có tay, thế nhưng những thành tích mà cô Jessica Cox (sinh năm 1983) làm tất cả mọi người đều thán phục. Không chỉ tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tâm lý học của trường Đại học Arizona, cô gái này còn là một cựu vũ công và trở thành người không tay đầu tiên giành được đai đen Taekwondo của Liên hiệp Taekwondo quốc tế. Không những thế, Jessica còn có thể dùng chân làm được bao việc khác: viết chữ, lái xe, chơi piano, trang điểm v.v.

Jessica có thể gõ 25 từ một phút trên bàn phím máy tính bằng chân. Không dừng lại ở đó, với đam mê chinh phục bầu trời, năm 2011, Jessica đã được tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness công nhận là người đầu tiên lái máy bay bằng chân và chính thức trở thành phi công sau 3 năm học lái.

17.

Liêu Trí, sinh năm 1985, từng là một vũ công giỏi và là một cô giáo dạy khiêu vũ. Năm 2008, trận đại động đất Tứ Xuyên đã chôn vùi cô gái trẻ suốt 26 tiếng đồng hồ, đồng thời khiến cho cuộc đời của cô thay đổi hoàn toàn: mất con gái, mất vị hôn phu và mất đi đôi chân của mình. Thế nhưng, cô gái này vẫn không đánh mất niềm tin và hy vọng vào cuộc sống, Liêu Trí tiếp tục sự nghiệp khiêu vũ mà mình đã theo đuổi suốt bao năm qua trên đôi chân giả. Cô đã trở thành một biểu tượng cho tấm gương vượt lên số phận nổi tiếng tại Trung Quốc. Không những vậy, cô gái giàu lòng nhân ái còn rất nhiệt tình tham gia tình nguyện, cứu trợ cho người dân ở những vùng đất không may gặp thiên tai và chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ.

18.

Sarita Dwivedi, 24 tuổi, ở huyện Fatehpur, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Không may bị mất đi đôi tay và chân phải trong một vụ tai nạn vào năm 4 tuổi, thế nhưng, điều đó không hề ảnh hưởng đến niềm đam mê hội họa của cô gái trẻ. Sarita đã cho mọi người thấy bản thân là một người “tàn nhưng không phế”, cô đã nỗ lực dùng bàn chân và hàm răng của mình để vẽ nên những tác phẩm tuyệt đẹp.

19.

Nicholas James “Nick” Vujicic hẳn là một nhân vật không còn xa lạ với chúng ta. Sinh năm 1982, Nick bị hội chứng tetra-amelia bẩm sinh, một loại rối loạn hiếm gặp, gây ra sự thiếu vắng cả 4 chi. Từ thuở ấu thơ, anh đã phải đấu tranh cả về tinh thần, tình cảm cũng như thể xác, nhưng rồi cuối cùng anh đã quyết định đối mặt với khuyết tật của mình. Sau khi tốt nghiệp đại học, Nick đã đi khắp nơi trên thế giới để diễn thuyết, truyền động lực về cuộc sống của một người khuyết tật mang hy vọng và mong muốn tìm được ý nghĩa cuộc sống. Những bài diễn thuyết của anh đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người và anh trở thành một diễn thuyết gia nổi tiếng toàn thế giới. Hiện, anh có một cuộc sống rất hạnh phúc cùng với người vợ xinh đẹp và hai thiên thần nhỏ của mình.

20.

Mất đi hai chân trong một tai nạn khủng khiếp từ cách đây 47 năm, nhưng ông Lê Kiệt Văn, sống tại thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên lại có một sức sống mạnh mẽ và trở thành nguồn cảm hứng sống cho những người khuyết tật như ông. Mọi người xung quanh yêu mến và gọi ông bằng biệt danh “Người đàn ông khổng lồ” bởi cảm phục trước nghị lực và nỗ lực phi thường của ông. Tất cả những công việc nặng nhọc như cấy lúa, leo cầu thang, tải gạo, đi cày… đều chẳng thể làm khó được người đàn ông khuyết tật mất hai chân này.

Nếu cứ đối diện với khó khăn là bỏ cuộc thì những mảnh đời bất hạnh trên sẽ chẳng bao giờ làm nên điều kỳ diệu. Một con người khi sinh ra không thể chọn hoàn cảnh sống cho mình, nhưng có thể tạo nên những hương thơm trái ngọt từ chính nỗ lực, tình yêu và lòng nhẫn nại. Nhân duyên trong cuộc đời tuy được sắp đặt sẵn, nhưng bằng ý chí và tấm lòng hướng thiện, chúng ta sẽ biến những điều xấu trở thành tốt. “Trong Phúc có Họa, trong Họa có Phúc”, chỉ cần thay đổi tư duy của bản thân, ai cũng có thể sống trọn vẹn một kiếp người trong bình yên và thanh tịnh.

Tham khảo Kenh14.vn

Bảo Ngọc

Xem thêm: 

Exit mobile version