Đại Kỷ Nguyên

‘Nhìn mặt mà bắt hình dong’, đọc bài này nhiều người Việt sẽ phải giật mình soi lại bản thân

Trong thế giới hiện đại, chúng ta luôn nhìn vào những điều mà người khác thể hiện ra bên ngoài để đánh giá về con người họ. Gặp một người tỏ vẻ tự tin và ăn nói có duyên trước đám đông, chúng ta luôn ngưỡng mộ và ao ước rằng giá như mình được như vậy. Nhưng giá trị chân thực của một con người có phải nằm ở đó? Những trải nghiệm của một người tù dưới đây sẽ cho bạn hiểu sâu sắc hơn về cách nhìn nhận một người. 

“Cô có bao giờ nhìn thấy một chàng trai cơ bắp và lực lưỡng ngất xỉu ngay khi nhìn thấy kim tiêm chưa?” tôi hỏi cô y tá người Mỹ gốc Ý khi đến lượt tôi bị lấy mẫu thử máu. Giám định y khoa là bắt buộc đối với tất cả các tù nhân liên bang mới đến Trại tạm giam Metropolitan ở Brooklyn, New York. Đây là lần kiểm tra virus bệnh lao thứ hai của tôi trong vòng hai ngày từ lúc đến đây. Và trong suốt mười năm ngồi tù, đây là năm thứ 11 của tôi, tôi đã không còn nhớ nổi những lần kiểm tra như vậy nữa. Tôi lo lắng khi nghĩ đến lúc trở về nhà, tôi sẽ chẳng khác gì một tên nghiện với cánh tay đầy vết kim tiêm.

Trong những lần kiểm tra đó, tôi luôn hỏi cùng một câu với những y tá chuẩn bị tiêm cho tôi. Câu trả lời của họ luôn giống nhau. Họ đã từng nhìn thấy những kẻ có thân hình to con, vạm vỡ trở nên vô cùng yếu đuối khi nhìn thấy mũi tiêm chuẩn bị đâm vào da thịt họ.

Khi nghĩ về những người đó, trong đầu tôi xuất hiện một cụm từ “Những chàng trai tôm hùm”. Đó là câu mà một anh bạn cùng trại giam dạy tôi vào tuần đầu tiên của tôi ở trong tù hồi đầu năm 2004. “Xương của con tôm hùm là ở bên ngoài, nên nó trông rất cứng rắn. Nhưng khi cậu đập vỡ cái vỏ đó, thì bên trong lại rất mềm. Con người thì ngược lại, mềm ở bên ngoài nhưng bên trong lại có một bộ xương cứng cáp.” Người bạn tù đó luôn biết cách làm đơn giản những triết lý của cuộc sống để mọi người dễ dàng hiểu được.

Mười một năm ngồi tù, tôi đã thấy rất nhiều chàng trai tôm hùm như vậy. Cái cách mà họ đi đứng và nói chuyện có thể khiến bạn nghĩ rằng họ là người mạnh nhất.

Họ khoe khoang về trọng lượng tạ mà họ nâng được trong phòng tập gym, về việc họ am hiểu thế nào về súng ống, về những tội phạm xấu xa và đáng sợ nào mà họ quen biết, và về những cô gái nào bị họ chinh phục.

Họ bước đi với một thanh sắt trong tay, đội chiếc mũ để chứng tỏ họ đầy sự tự tin và sức mạnh. Họ tập các bài thể hình như xà đơn và chống đẩy để chắc chắn cơ bắp sẽ nổi lên cuồn cuộn khi họ chụp những bức ảnh ngực trần. Những bức ảnh đó sẽ được gửi qua bạn bè để đăng lên Facebook. Mục đích chính là họ muốn khoác lác về chuyện có bao nhiêu cô gái đã thích bức ảnh của họ trong bữa nhậu với bạn bè mình vài ngày sau.

Nhưng cũng chính những chàng trai đó xếp hàng để nhận thuốc chống trầm cảm vào sáng hôm sau vì họ không thể chịu được cuộc sống tù ngục…

Họ cư xử như những người mạnh mẽ nhưng thực sự, họ rất yếu đuối.

Plato đã từng nói: “Thùng rỗng kêu to”. Khi bạn trống rỗng và yếu đuối ở bên trong, bạn sẽ cố gắng nói chuyện và hành động theo cách khiến mọi người nghĩ rằng bạn rất mạnh mẽ. Ngược lại, tâm hồn bạn càng đủ đầy, viên mãn, bạn càng ít cần đến sự chú ý từ người khác.

Kẻ mạnh thật sự ở trong tù là những người trầm tĩnh, khiêm tốn và đáng tôn trọng. Họ sẽ không chen vào giữa hàng ăn hay đi ngạo nghễ như thể mình đang đi trên sàn catwalk của Tuần lễ thời trang London. Thay vì khoe khoang bản thân qua những câu chuyện để tỏ ra mình là người quan trọng, họ cố gắng để hạ thấp tầm ảnh hưởng của mình xuống. Bạn chỉ có thể biết họ qua những tù nhân khác.

Trong cuộc sống, kẻ mạnh thật sự sẽ không phải chứng minh với bất kỳ ai. Họ không cần ai công nhận sức mạnh của chính họ, hay việc họ tự tin như thế nào và họ có thể chịu đựng được bao nhiêu áp lực. Họ có lòng tự trọng và ý thức về nhân phẩm, đạo đức của mình. Họ biết bản thân mình là ai, mình có thể làm được những gì và không làm được những gì, nên họ không mấy quan tâm việc người khác nói gì về mình.

Kể từ khi ra tù, tôi thấy “những chàng trai tôm hùm” ở khắp mọi nơi, tại phòng tập thể dục, trên đường phố, hay tại nơi giao thông công cộng. Đôi khi tôi trêu chọc họ bằng cách đến bên và hỏi liệu tôi có thể quen biết họ từ nhà tù nào không. Thái độ của họ thay đổi ngay lập tức. Thật ra, họ cũng không thực sự là người xấu; họ chỉ cố gắng cư xử như thể bản chất con người họ là vậy. Hình ảnh của những kẻ xấu, đầy hình xăm trổ và ra vào tù liên tục trên phim ảnh hoặc internet đã khiến họ tưởng rằng “người xấu” mới phong cách, mới có bản lĩnh. 11 năm ngồi tù với những điều đã nhìn thấy và trải nghiệm, tôi đã nhận ra, sống thật với chính mình, chấp nhận con người mình với những ưu điểm và khuyết điểm riêng mới thể hiện sự mạnh mẽ và sáng suốt.

Trung thực với chính mình là tiền đề cho sự trung thực với người khác. Thành thật với chính mình có nghĩa là thừa nhận cả những mặt tốt đẹp và những mặt xấu của bản thân, từ đó có cách cư xử phù hợp trong cuộc sống hàng ngày. Đó là dấu hiệu của sức mạnh và chỉ có người có ý chí mạnh mẽ mới có thể thừa nhận khuyết điểm của mình. Bởi vì một khi bạn biết điểm yếu của mình, bạn có thể cải thiện để biến chúng thành điểm mạnh. Nhưng nếu bạn không thể chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân, khi xảy ra chuyện không hay bạn sẽ cảm thấy bẽ mặt.

Bạn có thể đánh lừa người khác bằng cách tạo ra một vẻ ngoài hào nhoáng một số lần, nhưng bạn không thể lừa tất cả mọi người trong mọi tình huống. Vì vậy, hãy là chính mình – một con người chân chính, đừng cố gắng làm một con “tôm hùm”. Và đừng đánh giá người khác qua vẻ ngoài “mạnh mẽ” của họ, hãy tĩnh lại và dùng tâm hồn mình để cảm nhận, bạn sẽ nhận ra đâu mới là giá trị đích thực con người họ.

Trà My biên dịch

Xem thêm:

 

Exit mobile version