Đại Kỷ Nguyên

Chuyện gia đình Nhật: Không có phòng riêng, không mua nhà sau khi kết hôn

Ở một nước tiên tiến và giàu có như Nhật Bản, bố mẹ chẳng bao giờ cho con có phòng học riêng, cũng chẳng mua nhà cho con sau khi chúng kết hôn.

Bố mẹ Nhật không cho con có phòng học riêng

Thời nay, trong các gia đình hiện đại, không chỉ người lớn mà trẻ con cũng cần có không gian sinh hoạt riêng tư. Thế nhưng, trái ngược với những suy nghĩ để con yên tĩnh học bài trong phòng riêng của hầu hết các bậc phụ huynh, bố mẹ Nhật cho rằng khả năng tập trung cần phải được rèn luyện từ khi còn nhỏ. Việc chúng có thể học bài trong lúc mọi người làm ồn sẽ mài dũa được tinh thần tập trung cao độ, bất chấp mọi hoàn cảnh cho trẻ. Sau này khi đi làm, dù không được làm việc trong phòng riêng thì chúng vẫn có thể dễ dàng hòa nhập và hoàn thành công việc được giao mà tư tưởng không bị những yếu tố bên ngoài tác động. Nghe có vẻ đi ngược xu hướng chung nhưng họ cũng có những lý do khá hợp lý.

Thay vì dành phòng học riêng cho con, tất cả các thành viên trong gia đình Nhật đều sinh hoạt chung trong phòng khách hoặc các phòng chung của gia đình, ai làm việc nấy, trẻ con cũng học bài làm bài tại đó. Nếu nhà có thư phòng thì cũng chỉ dành cho người lớn đọc sách hoặc làm việc. Bố mẹ Nhật cho rằng, dành cho lũ trẻ hẳn phòng học riêng, chúng cứ đi học về lại lao vào phòng với lí do học bài nhưng thực tế chỉ là cái cớ để chơi điện tử. 

Cánh cửa phòng im lìm cũng sẽ trở thành rào chắn của mối quan hệ gia đình. Người lớn cứ mải miết đọc sách, xem ti-vi hay bận rộn với công việc của mình ngoài kia trong khi con cái thì cứ giấu mình trong phòng học. Từ đó, chẳng ai có thể giao tiếp được với nhau, khoảng cách giữa các thế hệ cũng vì thế mà tăng lên. Đây có lẽ là lý do lớn nhất dẫn đến quyết định không cho con phòng học riêng của bố mẹ Nhật.

Cha mẹ Nhật sẽ không để con cái ở trong phòng riêng một mình (ảnh minh họa: Conlatatca.vn).

Đó là chưa kể đến trường hợp nếu lũ trẻ có phòng riêng, chúng sẽ chỉ thích ở “thế giới” của chúng, không cần quan tâm đến ai khác. Thậm chí chúng còn có thể xem mình là “trung tâm của vũ trụ”: Đến giờ ăn thì được gọi ra ăn cơm, lúc nào cũng được bố mẹ lui tới hỏi han mà không hề nghĩ theo hướng ngược lại hay trân trọng những gì mình đang có.

Nếu bố mẹ và con cái cùng sinh hoạt trong một không gian, khi nhìn thấy bố phải đem việc về nhà làm đến tận khuya hay mẹ lụi cụi trong bếp chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, lũ trẻ sẽ cảm nhận được nỗi vất vả của người lớn để từ đó học tập chăm chỉ hơn, sau này đền đáp công lao của đấng sinh thành. Ngoài ra, trong suốt quá trình đó, bố mẹ và con cái còn có cơ hội trò chuyện để hiểu nhau hơn và hình thành sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình.

Ở Nhật, con cái không cần cha mẹ chuẩn bị nhà khi kết hôn

Hội Đời sống sinh viên Tokyo đã làm một cuộc điều tra, kết quả cho thấy tỉ lệ những thanh niên ở độ tuổi 20-30 chọn thuê nhà lên đến 85%, 10% ở ký túc xá của công ty hoặc ở nhà cha mẹ, chỉ 5% là mua nhà sau khi kết hôn.

Từ đó có thể thấy, ở Nhật không “thịnh hành” việc cha mẹ mua nhà cho con cái sau khi kết hôn. Điều này có nghĩa là con cái có thu nhập bao nhiêu thì sẽ thuê nhà ở mức bấy nhiêu, tùy khả năng mà làm, không phụ thuộc nhiều vào tài sản của bố mẹ.

Một trong những lý do cha mẹ Nhật không mua nhà cho con là bởi chính sách thuế. Bởi vì theo chế độ thuế ở đây, cha mẹ ruột mua một căn nhà tặng cho con là thuộc về khoản “cho tặng”, cần phải trả mức thuế rất cao gọi là “thuế cho tặng”. Ví dụ như thuế cho tặng của một căn nhà có giá hơn 10 triệu Yên (khoảng 2,1 tỷ đồng) là 50%. Theo đó, nếu bạn mua một căn nhà 4 tỷ đồng cho con thì bạn phải trả 2 tỷ đồng thuế “cho tặng” cho cục thuế!

Quan hệ gia đình ở Nhật Bản rất rõ ràng về tiền bạc (ảnh minh họa: cpc.vn).

Ngoài ra, nếu mua nhà trên danh nghĩa cha mẹ rồi cho con cái ở thì con cũng phải trả tiền thuê nhà cho cha mẹ, nếu không cha mẹ sẽ phạm tội “trốn thuế”. Nhân viên thuế ở Nhật còn “nghiêm” hơn cả cảnh sát, nếu mức trốn thuế của công ty và cá nhân ở mức 2 tỷ đồng trở lên thì sẽ bị bắt.

Quan hệ gia đình ở Nhật có hai điểm “rõ ràng”: một là rõ ràng về tiền bạc, hai là rõ ràng về thời gian. Tiền của cha mẹ là tiền của cha mẹ, tiền của con là tiền của con. Nếu con cái muốn dùng tiền của cha mẹ thì phải viết đơn vay mượn.

Pháp luật Nhật Bản quy định, nếu tiền sử dùng cho việc học tập của con cái thì bao nhiêu cũng không phải đóng thuế. Thế nhưng nếu con cái đã trưởng thành mà phát sinh quan hệ tiền bạc với cha mẹ (ở mức cao) thì phải giải thích rõ ràng với cục thuế, nếu không sẽ rất phiền phức!

Hiểu Minh

Video xem thêm: Vì sao tình yêu kiểu ‘bao bọc’ thường tạo ra những con người vô ơn?

Exit mobile version