Mỗi thành phố, mỗi quốc gia đều mang trong mình một tiến trình lịch sử, có trải nghiệm, có thăng trầm. Mỗi địa danh cũng tạc vào lịch sử ấy tên tuổi và dấu tích của mình, trở thành “chứng nhân” cho xã hội tương lai, con người tương lai.
Thấu hiểu điều đó, với xuất phát điểm là trân quý tất cả những điều tốt đẹp của văn minh nhân loại, chuyên mục “Nhìn ra thế giới” hy vọng sẽ mang đến cho bạn đọc sự lạc quan và tin tưởng vào những giá trị nhân văn đang hiện hữu tại những miền đất khác nhau trên thế giới. Và nếu sự phát triển của xã hội giống như một vở kịch chưa có hồi kết, thì chúng ta hãy cùng nhau diễn tấu trọn vẹn vai diễn lịch sử của mình!
Đón xem: Nhìn ra thế giới
***
Hàn Quốc không chỉ nổi tiếng bởi phong cảnh bốn mùa thiên nhiên tươi đẹp mà còn bởi nhiều điểm đến văn hoá du lịch truyền thống đặc sắc. Để có được điều này, Chính phủ Hàn Quốc đã có những chiến lược phát triển và bảo tồn các di sản văn hoá một cách có hệ thống đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ và phát huy văn hoá truyền thống.
Cách đây khoảng 40-50 năm, tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng ở Hàn Quốc kéo theo nhiều di sản văn hóa dần dần mất đi. Chính phủ Hàn Quốc và người dân nước này sớm nhận ra ý nghĩa và tầm quan trọng của các di sản văn hóa. Vì vậy, từ năm 1962 Chính phủ đã cho ban hành Luật Di sản văn hóa và có các hoạt động hỗ trợ tài chính để bảo vệ các di sản của mình. Từng địa phương có trách nhiệm quan tâm bảo vệ di sản ở nơi đó. Mỗi địa phương, khu vực đều có cách bảo vệ riêng để thu hút khách du lịch. Người dân Hàn Quốc ý thức được và biết cách bảo vệ di sản. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc còn có chính sách đào tạo nguồn nhân lực để bảo vệ di sản văn hóa. Tính đến nay Hàn Quốc đã có tới 12 di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận.
1. Khu vực lịch sử Bách Tế
2. Khu mộ đá Gochang, Hwasun và Ganghwa
3. Tổ hợp cung điện Changdeokgung
4. Khu di tích lịch sử Gyeongju
5. Đền thờ Haeinsa Janggyeong Panjeon, nơi cất giữ “Tripitaka Koreana”
6. Các làng lịch sử Triều Tiên: Hahoe và Yangdong
7. Thành Hwaseong
8. Đảo núi lửa Jeju và các ống nham thạch
9. Miếu thờ Jongmyo
10. Namhansanseong
11. Quần thể lăng mộ Vương tộc của nhà Triều Tiên
12. Động Seokguram và Đền Bulguksa
Người Hàn Quốc quan niệm rằng cách bảo tồn các di sản văn hóa tốt nhất chính là sử dụng nó thường xuyên. Vì vậy, họ giới thiệu các di sản văn hoá và phong tục tập quán rất đặc trưng đến với du khách thập phương một cách tự nhiên và thực tế. Ví dụ, một ngôi nhà cổ, cách bảo tồn tốt nhất không phải là cứ để nó như vậy, không động đến nó mà chính là để con người sống ở đó như trong một ngôi nhà bình thường.
Đối với những chương trình trải nghiệm văn hóa ở các làng cổ, không phải mọi ngôi nhà trong các làng cổ đó đều cho phép du khách vào thăm, chỉ có một số ngôi nhà mà chủ nhân của nó đồng ý. Khi đó chủ nhân ngôi nhà đã thỏa thuận với phía Chính phủ và họ có thể sẽ được nhận những lợi ích về mặt kinh tế từ phía Chính phủ, còn họ có nhiệm vụ đón khách nước ngoài đến ngôi nhà và làm sao cho du khách cảm thấy như đang ở trong chính ngôi nhà của mình. Qua những hoạt động này, du khách nước ngoài, đặc biệt là các bạn trẻ cảm nhận được rõ nét truyền thống của Hàn Quốc.
Nhưng tất nhiên, vì đây là những di sản văn hóa nên không thể để nó bị phá hủy, hư hại. Cho nên, các chuyên gia sẽ tìm hiểu thật kỹ và cẩn thận trong quá trình để cho du khách sinh sống ở đó. Đây được xem là cách bảo tồn lâu dài nhất và tốt nhất. Ngoài ra ở Hàn Quốc, mỗi vùng, miền đều có nét văn hóa riêng và thể hiện rõ nhất ở trong các lễ hội truyền thống. Vì vậy, họ đưa ra các tour du lịch phù hợp với các lễ hội truyền thống tùy theo từng vùng, từng mùa trong năm.
Chính phủ nước này cũng cố gắng cân bằng giữa phát triển văn hoá hiện đại và bảo tồn văn hoá truyền thống. Ví dụ, thủ đô Seoul nơi có cuộc sống hiện đại bậc nhất Hàn Quốc nhưng các cung điện toạ lạc nơi đây vẫn được bảo tồn một cách nguyên vẹn, không những thế hàng ngày tại cung điện Gyeongbokgung luôn diễn ra màn tái hiện nghi lễ đổi gác của lính canh Hoàng gia trong cung. Bắt đầu từ năm 1996 (10h sáng hàng ngày), nghi lễ này diễn ra trong vòng 15 phút và mỗi tiếng thực hiện một lần, phiên đổi gác cuối cùng thực hiện vào lúc 15h chiều. Lính canh Hoàng gia mặc phục trang giống như thời Joseon và nghi lễ được thực hiện nghiêm trang theo đúng nghi lễ trong cung đình xưa. Vì vậy, cung điện này luôn thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan hàng năm.
Hàn Quốc đã có một chiến lược phát triển và bảo tồn văn hoá truyền thống đúng đắn và phù hợp. Vậy nên không khó hiểu tại sao nước này lại trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng và hấp dẫn với du khách toàn thế giới. Nếu có cơ hội bạn hãy một lần đến Hàn Quốc và tự mình trải nghiệm văn hoá truyền thống đặc sắc nơi đây nhé.
Tâm Liên – Thiên Lộ
Bạn đang đọc bài viết: “Nhìn ra thế giới: Học người Hàn kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hoá và phát triển du lịch truyền thống” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |