Đại Kỷ Nguyên

Kho báu sống: những người tiếp nối mạch nguồn truyền thống của người dân Nhật Bản

Nhật Bản là một đất nước kỳ lạ: Ở nơi đó truyền thống và hiện đại cùng đồng thời tồn tại. Những giá trị cũ và mới giống như hai dòng chảy song song, nuôi dưỡng tâm hồn người dân Nhật. Trong khi dòng chảy hiện đại cuồn cuộn, mạnh mẽ in đậm dấu ấn của văn minh phương Tây, dòng chảy truyền thống lại âm thầm, bền bỉ giữ cho Nhật Bản mạch nguồn những giá trị truyền thống đậm chất Á Đông. 

Danh hiệu “Kho báu sống của quốc gia” ra đời ở Nhật Bản trong chính bối cảnh văn hóa Đông – Tây, mới – cũ giao hòa, với sứ mệnh bảo tồn những tài sản văn hóa phi vật thể của xứ Phù Tang. 

Nhật Bản là một đất nước kỳ lạ, nơi hai dòng chảy truyền thống và hiện đại cùng lưu thông, tạo nên mạch nguồn sức mạnh cho đất nước (ảnh minh họa: lexpress.fr).

Nhật Bản được biết đến là đất nước dành sự tôn trọng đến tôn nghiêm cho những điều thuộc về truyền thống. Năm 1950, khi việc bảo tồn những di sản quốc gia vẫn còn là điều xa lạ với đa số các quốc gia, tại Nhật, Chính phủ đã đặt câu hỏi về định nghĩa và tương lai của các di sản văn hóa truyền thống từ thời Minh Trị (thế kỷ XIX). Năm 1871, Nhật Bản đã có những nghị định đầu tiên liên quan đến việc bảo tồn các di sản cổ truyền. Không chỉ Chính phủ, ngay trong nhân dân cũng xuất hiện những phong trào giữ gìn và bảo vệ các kỹ thuật chế tác thủ công truyền thống (phong trào được biết đến với tên gọi “mingei”).  

Đến năm 1950, Chính phủ Nhật đã thông qua điều luật chính thức đầu tiên về vấn đề “bảo vệ các di sản”, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể. Điều luật này cho thấy sự cam kết của Chính phủ với việc bảo tồn và giữ gìn những di sản thuộc về văn hóa truyền thống. Năm 1955, danh hiệu “Kho báu sống của quốc gia” đã chính thức được sử dụng tại Nhật Bản, như một danh hiệu cao quý dành cho các bậc nghệ nhân trong hai lĩnh vực: nghệ thuật biểu diễn và thủ công. 

Danh hiệu “Kho báu sống của quốc gia” là minh chứng sinh động nhất cho cách bảo tồn di sản độc đáo và hiệu quả của người Nhật. 

“Kho báu sống của quốc gia” tại Nhật Bản, họ là ai?

Những người được vinh dự nhận danh hiệu “Kho báu sống của quốc gia” tại Nhật đều là những cá nhân hoặc nhóm người sở hữu sự hiểu biết, kỹ thuật, bí quyết của một nghề nghiệp ở mức độ thuần thục cao độ. Tổng hòa những hiểu biết, kỹ thuật cũng như những bí quyết này sẽ tạo ra những sản phẩm quý giá, mang đậm tinh thần của văn hóa truyền thống xứ Mặt Trời mọc. Cá nhân hoặc nhóm người này sẽ được Chính phủ công nhận là những nhân chứng tiêu biểu cho các truyền thống văn hóa quý báu vẫn còn tồn tại, nói cách khác, họ chính là những bậc kỳ tài trong lĩnh vực của mình. 

“Kho báu sống của quốc gia”, họ là những bậc thầy trong lĩnh vực của mình, là người nắm giữ những hiểu biết, kỹ thuật, bí quyết của một nghề truyền thống ở mức độ “bậc thầy” (ảnh minh họa: Pinterest).

Người Nhật hiểu hơn ai hết, để lưu giữ một cách hiệu quả nhất những giá trị phi vật thể, họ phải bảo vệ được những người có khả năng sáng tạo ra những giá trị này. Với danh hiệu “Kho báu sống của quốc gia”, Chính phủ Nhật không chỉ trao cho các nghệ nhân sự tôn kính mà còn đặt vào đôi tay, khối óc tài hoa của họ một trách nhiệm cao cả:

Giữ cho mạch nguồn truyền thống ấy luôn được tiếp nối, để những giá trị của quá khứ luôn hiện hữu và phát triển trong xã hội hiện đại. 

Các nghệ nhân trong hai lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và thủ công là những người được trao tặng danh hiệu “Kho báu sống của quốc gia”. Khi tìm hiểu danh sách các nghệ nhân được nhận danh hiệu cao quý này, bạn sẽ dễ dàng nhận ra những điểm chung: Họ đều là những người dành trọn cuộc đời mình cho nghề nghiệp truyền thống. Nhiều nghệ nhân phải trải qua một quá trình học nghề thực sự lâu dài và cực kỳ nghiêm túc.

Sau khi đã học thành nghề, họ tiếp tục dành tất cả những tâm huyết của mình để mày mò, tiếp tục sáng tạo trong lĩnh vực ấy trong những năm tháng tiếp theo của cuộc đời. Chính quá trình nghiên cứu và sáng tạo không ngừng ấy đã dung dưỡng họ thành những “bậc thầy” trong lĩnh vực của mình. Nói một cách gần gũi hơn, các “Kho báu sống quốc gia của Nhật” là những minh chứng tiêu biểu cho câu tục ngữ “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. 

Đó cũng là những người dành trọn cuộc đời để học hỏi, sáng tạo và giữ sự sống cho nghề thủ công hoặc các nghệ thuật biểu diễn truyền thống (ảnh minh họa: ffjs.org).

Những thủ tục hành chính để trở thành một “Kho báu sống của quốc gia” thực sự cũng là một hành trình gian nan. Những hồ sơ yêu cầu công nhận sẽ phải được xét duyệt qua từng cấp độ (địa phương, vùng, rồi mới đến quốc gia). Sau đó, hồ sơ sẽ trải qua sự xét duyệt của một hội đồng chuyên môn hoàn toàn độc lập, trước khi được công nhận bởi sự đồng ý của các Bộ trưởng bộ Giáo dục, bộ Văn hóa, bộ Thể thao, bộ Khoa học và bộ Công nghệ. Quá trình này chính là sự đảm bảo cho tính chân thực của danh hiệu. “Kho báu sống của quốc gia” thực sự là một trong những danh hiệu cao quý nhất không chỉ trong thế giới của các nghệ nhân. Với người Nhật, đây thực sự là một niềm tự hào chung của tất cả mọi người. 

Sự khắt khe và chính trực của danh hiệu này luôn khiến người Nhật yên tâm để trao trọn niềm tin, niềm tự hào và sự tôn kính của họ cho các bậc nghệ nhân – những người đang giữ chìa khóa sự sống của những di sản truyền thống mà người Nhật vẫn luôn mong muốn gìn giữ. 

Giữ nguồn sáng tạo mới có thể giữ mạch truyền thống

Người Nhật có một cách hoàn toàn khác biệt để bảo lưu những di sản văn hóa phi vật thể (ảnh minh họa: Nippon).

Các kho báu sống của quốc gia tại Nhật Bản một phần lớn chính là các nghệ nhân thủ công trong các ngành như gốm sứ, sơn mài, dệt, vẽ ki-mô-nô,… Tất cả các nghệ nhân đều là những người tiếp nối các nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên, với người Nhật, truyền thống không đồng nghĩa với “dập khuôn” từ đời này sang đời khác. 

Hãy cùng xem một ví dụ. Nghệ nhân Moriguchi Kumihiko, một nghệ nhân vẽ Ki-mô-nô, một trong những “Kho báu sống của quốc gia” đã chia sẻ trong cuộc phỏng vấn ở Pháp về những điều cha ông đã từng dạy:

“Ta so sánh tác phẩm của mình với tác phẩm của Thầy ta, để có thể tách mình khỏi đó. Không có sự truyền thừa trong sáng tạo”. 

Ghi nhớ lời dạy này, Moriguchi Kumihiko đã thực hiện công việc của mình trong một tinh thần tôn trọng tuyệt đối cả truyền thống lẫn sự sáng tạo cá nhân của mình:

“Đó không phải là sự truyền nghề mà chúng ta vẫn tưởng tượng. Tất nhiên có những nguyên tắc, những khuôn mẫu cần tuân thủ. Tôi ghi nhớ tất cả những điều này, nhưng vẫn cố gắng hết sức để mang sự sáng tạo vào công việc, thông qua đôi bàn tay của mình”. 

Điều này phải chăng chính là nói đến vai trò của những “Kho báu sống của quốc gia”. Họ không đơn thuần chỉ là những người dành cả đời để thuần thục những kỹ năng truyền thống. Mà họ còn nhận lãnh vai trò mang những truyền thống ấy vào cuộc sống thực tại thông qua những nghiên cứu, học tập và sáng tạo của riêng mình. Như Moriguchi Kumihiko, sau khi học nghề từ một người bạn, cũng là một nghệ nhân trong lĩnh vực tạo họa tiết, ông lại tiếp tục con đường của mình bằng việc theo học tại Trường Quốc gia về nghệ thuật trang trí Paris vào năm 1963.

Sự sáng tạo trên nền tảng những kỹ thuật truyền thống, sự tiếp nối tinh thần của các bậc thầy chính là nguồn động lực mạnh mẽ giúp người Nhật luôn giữ được sự sống bền bỉ cho những di sản thuộc về truyền thống (ảnh minh họa: Nippon).

Người Nhật luôn khiến thế giới bất ngờ về cách nghĩ và cách hành động của mình. Với họ, “sự truyền thừa” chính là việc khuyến khích những thế hệ sau đi thành con đường của riêng họ trong dòng chảy truyền thống mà những thế hệ trước đã khơi nguồn. Dòng chảy ấy chính là những kỹ thuật, những chất liệu, nhưng quan trọng không kém đó chính là tinh thần làm việc, triết lý sống mà các thế hệ trước đã gửi gắm vào chính quá trình làm việc của mình. Sáng tạo để kế thừa, sáng tạo để giữ gìn chính là phương cách mà người Nhật đã lựa chọn để giữ được mạch nguồn truyền thống. 

Dưới đây, xin mời các bạn cùng tham quan, chiêm ngưỡng một số tác phẩm của các nghệ nhân Nhật Bản đã được tôn vinh là “Kho báu sống của quốc gia”. 

Fukumi Shimura – nghệ nhân nhuộm lụa từ màu tự nhiên

Nghệ nhân Fukumi Shimura và tác phẩm của bà (ảnh: Shelter from the Storm).

Trong suốt cuộc đời mình, nghệ nhân Fukumi Shimura đã đi tìm sự hài hòa với thiên nhiên. Bà dệt những tấm ki-mô-nô từ tơ tằm và nhuộm vải hoàn toàn bằng những màu sắc đến từ tự nhiên. Sự nghiệp của bà chính là minh chứng rõ nét nhất cho tấm lòng tôn kính với thiên nhiên. 

Những sợi tơ óng anh được nhuộm màu từ những nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên (ảnh: louisegoingout).
Nghệ nhân Fukumi Shimura không ngừng sáng tạo trên tinh thần tôn trọng tuyệt đối tự nhiên (ảnh: louisegoingout).
Các tác phẩm của bà được trưng bày trong nhiều viện bảo tàng (ảnh: louisegoingout).

Moriguchi Kumihiko – nghệ nhân Yuzen

Ông Moriguchi Kumihiko là nghệ nhân của loại hình trang trí trên vải được biết đến với tên gọi Yuzen. Đây là sự sáng tạo những mô-típ trên vải ki-mô-nô. Để trở thành một “Kho báu sống của quốc gia”, Moriguchi Kumihiko đã theo học tại Paris và sau đó trở về làm việc trong xưởng của cha ông, cũng là một nghệ nhân Yuzen.

Nghệ nhân Moriguchi Kumihiko và nghệ thuật tạo họa tiết trên vải kimono (ảnh: San Diego Omnium).
Họa tiết hình học chiếm vị trí chủ đạo trong những sáng tạo của nghệ nhân Moriguchi Kumihiko (ảnh: angdoo).
Một tác phẩm của Moriguchi Kumihiko (ảnh: angdoo).

Hiện nay, Moriguchi Kumihiko đang thực hiện những chiếc ki-mô-nô với các mô-típ hình học. Mặc dù việc làm đẹp cho những người phụ nữ là động lực lớn của ông, hầu hết các tác phẩm của Moriguchi Kumihiko hiện nay đều đang được trưng bày trong các viện bảo tàng. 

Đa số các tác phẩm của ông đều được trưng bày trong viện bảo tàng (ảnh: angdoo).

Fumio Mae – trang trí bằng sơn mài

Sau khi học xong hội họa Nhật Bane, Fumio Mae làm việc dưới sự chỉ dẫn của cha ông, một bậc thầy của kỹ thuật truyền thống trang trí mạ vàng. Ông đã bắt đầu chế tác những con dao với kỹ thuật này, để rồi thực hiện những tác phẩm bằng chất liệu sơn mài Urushi đặc biệt, chỉ có ở Nhật Bản. Với những tác phẩm có một không hai, Fumio Mae được coi là một những người giỏi nhất trong lĩnh vực của ông. 

Nghệ thuật trang trí bằng sơn mài đỉnh cao của Fumio Mae (ảnh:galleryjapan).

 

Hy Văn

Bài viết tham khảo tư liệu từ nghiên cứu “Les Trésors Nationaux Vivants au Japon” của tác giả Christian Henriot.

Video xem thêm: Không phải bởi tài năng và mưu lược, vì sao Gia Cát Lượng được cả nước Nhật tôn sùng?

Exit mobile version