Mỗi thành phố, mỗi quốc gia đều mang trong mình một tiến trình lịch sử, có trải nghiệm, có thăng trầm. Mỗi địa danh cũng tạc vào lịch sử ấy tên tuổi và dấu tích của mình, trở thành “chứng nhân” cho xã hội tương lai, con người tương lai.
Thấu hiểu điều đó, với xuất phát điểm là trân quý tất cả những điều tốt đẹp của văn minh nhân loại, chuyên mục “Nhìn ra thế giới” hy vọng sẽ mang đến cho bạn đọc sự lạc quan và tin tưởng vào những giá trị nhân văn đang hiện hữu tại những miền đất khác nhau trên thế giới. Và nếu sự phát triển của xã hội giống như một vở kịch chưa có hồi kết, thì chúng ta hãy cùng nhau diễn tấu trọn vẹn vai diễn lịch sử của mình!
Đón xem: Nhìn ra thế giới
***
Mỹ chưa bao giờ tự phong đất nước này là thiên đường, chỉ là do đại đa số nào đó ưu ái mến tặng cho nó mà thôi, bởi thiên đường hay địa ngục là do từng trường hợp cá nhân. Thế nhưng, không thể phủ nhận, cuộc sống ở Mỹ dễ thở hơn khá nhiều quốc gia khác, đặc biệt là đối với người nghèo.
Ở Mỹ, người nghèo thì có nhưng đói thì không
Ở Mỹ, đa số tiền ăn là được chính phủ trợ cấp. Chính phủ Mỹ có “Chương trình bổ sung dinh dưỡng”, những người có thu nhập thấp hơn mức nghèo 130% thì có thể xin nhận tiền trợ cấp. Gia đình 4 người mỗi tháng có thể nhận được nhiều nhất là 649 đô la. Trước đây chính phủ sẽ phát phiếu ăn dùng để mua thức ăn ở siêu thị, nhưng không mua được thuốc lá, rượu bia. Sau này, vì để bù đắp lỗ hổng và tôn trọng sự riêng tư cá nhân, chính phủ đã đổi thành cấp thẻ, theo đó, người nghèo sẽ dùng thẻ giống như mọi người khi mua thức ăn. Những đứa trẻ tiểu học hoặc trung học thuộc diện hộ nghèo cũng sẽ được miễn phí bữa sáng và bữa trưa ở trường.
Ngoài ra còn có một cầu nối khác đó là “kho thực phẩm” (Food bank). Kho này cung cấp bánh mì, sữa, các loại thịt, trứng gà, trái cây, rau củ, bánh ngọt… hoàn toàn miễn phí cho người nghèo.
Như vậy, để ăn no không phải vấn đề lớn ở xứ sở cờ hoa. Nếu tự nấu thì mỗi tháng một gia đình 4 người sẽ tiêu khoảng 800 đô la, nhiều nhất là 1.000 đô la tiền ăn. Những gia đình lớn tuổi mỗi tháng mất khoảng 500 – 600 đô la là sẽ đầy đủ cá, có thịt, có tôm.
Ngoài ra, Mỹ còn có chương trình WIC (tên viết tắt của “Phụ nữ và trẻ em”) của Bộ Nông nghiệp. Đây là chương trình bổ sung dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em, cung cấp thực phẩm bổ sung, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giới thiệu và khuyến khích giáo dục dinh dưỡng và nuôi con bằng sữa mẹ cho phụ nữ mang thai, phụ nữ trong thời gian nuôi con và hậu sản có thu nhập thấp cũng như trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Nhờ vậy mà nhiều con em của các gia đình có thu nhập thấp được trợ cấp sữa, trứng gà, bơ đậu phộng nhiều đến mức ăn không hết phải để phụ huynh ăn hộ.
Điều đặc biệt là WIC không xem xét thân phận, cũng có nghĩa những người không phải là công dân Mỹ, người có thẻ xanh hoặc có thân phận hợp pháp đều được hưởng trợ cấp này. Pháp luật Mỹ quy định, chỉ cần sống ở Mỹ, dù là nhập cảnh phi pháp cũng đều được hưởng.
Ở Mỹ, cha mẹ không cần phải lo học phí cho con
Giáo dục bắt buộc của Mỹ kéo dài 13 năm bao gồm 1 năm mẫu giáo và 12 năm từ tiểu học đến khi tốt nghiệp phổ thông. Các trường công lập đều miễn phí. Dù bạn là người mua nhà hay thuê nhà, các con đều có thể nhập học ở các trường công lập ở địa phương. Ngoài tiền mua một số dụng cụ học tập đặc biệt và những chuyến dã ngoại ra thì phụ huynh không phải trả bất cứ phí nào khác.
Tuy nhiên, chỉ trẻ em 5 tuổi mới được đi học mẫu giáo. Nếu không đủ thời gian chăm sóc con nhỏ, bạn có thể gửi chúng vào nhà trẻ với mức phí khác nhau. Tất nhiên chính phủ các tiểu bang sẽ cung cấp các khoản trợ cấp để hỗ trợ phụ huynh thuộc hộ nghèo để chi trả phí nhà trẻ.
Các trường đại học ở Mỹ phải đóng học phí với mức khá cao (Đại học công lập học phí mỗi năm khoảng hơn 10.000 đô la). Tất nhiên, đối với người nghèo, đây là một khoản tiền rất lớn. Nhưng nếu muốn học đại học thì họ sẽ học được. Chính phủ sẽ trợ cấp tiền học!
Chính phủ Mỹ có một chương trình “Miễn phí Đăng ký Trợ cấp Học phí của chính phủ Liên bang” (FAFSA). Bất cứ ai muốn học đại học đều có thể đăng ký. Các sinh viên mà gia đình có thu nhập dưới mức nghèo có thể nhận được mức trợ cấp học phí cao nhất. Các gia đình có thu nhập thấp cũng có thể nhận được một phần trợ cấp. Ngoài ra còn có thể đăng ký học bổng, vừa học vừa làm, vay tiền học… Nếu thành tích xuất sắc vào được các trường tư cao cấp như Harvard hay Yale mà thu nhập của gia đình dưới 65.000 đô la/năm, nhà trường không chỉ miễn học phí, mà còn cung cấp ký túc xá và ăn uống miễn phí cho sinh viên.
Tất nhiên, việc học đại học ở Mỹ hoàn toàn khác với ở Việt Nam. Người Mỹ không quá coi trọng việc “cần phải vào đại học” giống như chúng ta. Sinh viên tốt nghiệp phổ thông hoàn toàn có thể lựa chọn cơ hội nghề nghiệp khác phù hợp với khả năng, sở thích và thu nhập gia đình nhưng vẫn đảm bảo cho cuộc sống tương lai sau này chứ không nhất định cần phải học đại học.
Ở Mỹ, người nghèo thậm chí còn sống thoải mái hơn giai cấp trung lưu
Thứ nhất, vấn đề nhà cửa:
Các gia đình có thu nhập thấp hơn chỉ số trung bình ở khu vực địa phương sẽ được chính phủ Liên bang Mỹ trợ cấp nhà ở. Luật này được gọi là Section8.
Theo đó, người có thu nhập thấp sẽ dùng 30% thu nhập để thuê nhà. Thu nhập càng ít, tiền phải trả càng ít. Ví dụ như thu nhập 2.000 đô/ tháng thì sẽ trả khoảng 600 đô. Trong trường hợp gia đình có đông con thì buộc phải có 3 phòng ngủ trở lên. Nếu giá thuê nhà thị trường là 2.600 đô, người đó trả 600 đô, 2.000 đô la còn lại sẽ do chính phủ chi trả. Nếu tự mua nhà, người đó cũng sẽ phải trả bằng 30% thu nhập của mình.
Như vậy, dù nhìn vào thực trạng ở Mỹ có không ít người rơi vào tình trạng “vô gia cư”, nhưng dường như họ không hề lo lắng hay buồn phiền vì điều đó. Ngược lại, nhiều người còn cho rằng đây là cách sống riêng của mình.
Thứ 2, vấn đề y tế:
Ở Mỹ, tiền bảo hiểm khá đắt đỏ. Phí bảo hiểm của một gia đình nhỏ mỗi năm lên đến hàng ngàn đô la tùy theo chương trình. Thông thường, người ta phải tự trả 10% – 20% phí y tế. (Ví dụ: nếu chi phí của ca phẫu thuật là 200.000 đô la, bản thân người đó sẽ phải trả 20.000 hoặc 40.000 đô la).
Thế nhưng, việc khám chữa bệnh lại khá dễ dàng đối với người có thu nhập thấp. Bởi vì thực tế, chi phí khám chữa bệnh của người nghèo do chính phủ chi trả. Chính phủ Liên bang Mỹ và chính quyền tiểu bang có chương trình liên kết đảm bảo y tế được gọi là “Trợ cấp Y tế” (Medicaid).
Điều kiện tiêu chuẩn đăng ký của các tiểu bang không giống nhau, nhưng nhìn chung về cơ bản là dưới 133% so với mức nghèo của liên bang thì sẽ được cấp Medicaid. Nếu thu nhập không đạt tiêu chuẩn, nhưng mức nghèo dưới 400% thì vẫn có thể đăng ký các khoản trợ cấp khác của chính phủ để chi trả một phần nào chi phí y tế.
Nhìn chung, ở Mỹ người càng nghèo sẽ sống càng thoải mái. Ngược lại, giai cấp trung lưu không cao cấp lại cảm thấy lo lắng hơn trước các khoản chi phí khổng lồ. Đương nhiên, người nghèo nhận tiền từ chính phủ sẽ bị kiểm tra tài sản để chứng thực hoàn cảnh.
Như vậy, nếu so sánh với nhiều nước khác trên thế giới, ở Mỹ, bạn sẽ có nhiều cơ hội chọn cách sống mình mong muốn hơn. Chấp nhận sống nghèo dưới sự hỗ trợ của chính phủ hoặc nỗ lực vươn lên đổi đời – đó là lựa chọn của mỗi người.
Thiện Nam