Vừa hôm qua nắng còn vàng hanh, sáng nay đã thấy mưa phùn và gió bấc thổi dọc con phố nhỏ. Tết lại sắp đến rồi…
Năm nào cũng thế, cứ vào tầm sau Noel và Tết dương lịch là không khí Tết lại râm ran trong câu chuyện của mọi người, nhất là các bà nội trợ. Bây giờ, câu chuyện có sức hút nhất chắc là về tiền thưởng Tết năm nay nhiều hay ít, được nghỉ dài ngày thì tranh thủ đi đâu…, nhưng vài chục năm trước thì điều các bà quan tâm chỉ xoay quanh chuyện mua gì, ở đâu.
Vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, khi còn là một đứa trẻ, tôi nhận biết Tết sắp đến từ lúc thấy trong góc sân nhà được xếp ngay ngắn một đống củi khá to. Cỡ khoảng hơn một tháng trước Tết, trên những con phố buổi trưa yên tĩnh của Hà Nội, đã thấy cái xe ba gác chất đầy củi bắp, những thanh củi to như bắp tay, được cắt đều tắp, xếp thành từng lớp ngay ngắn, do hai người đàn ông, một kéo đằng trước, một đẩy đằng sau, vừa đi vừa rao bán. Nghe tiếng rao, mẹ bảo tôi ra gọi để họ dừng lại, rồi mẹ ra xem, nếu thấy củi đẹp, chắc và khô thì mặc cả và mua để chuẩn bị cho nồi bánh chưng Tết.
Cũng vào tầm ấy, các hiệu may đã bắt đầu đông khách. Hồi trước 1960, Hà Nội có mấy cửa hiệu may nổi tiếng. Chuyên may complet có Tiến Thành ở phố Lê Thái Tổ, Phúc Mỹ, Tân Đức Việt ở phố Hàng Trống, nhà may Phú Hưng, Tân Tân ở Tràng Tiền, Tràng Thi… Quần và sơ mi thì có Anh Quân, Bùi Huy Nhượng… Các bà, các chị thì may áo dài, áo bông ở phố Lương Văn Can, Cầu Gỗ. Quần áo trẻ em có cửa hàng Đức Hạnh ở Hàng Trống. Sau này các bậc nghệ nhân ấy hầu hết đều vào công tư hợp doanh, những năm sáu mươi lại có nhiều thợ may giỏi thường nhận làm thêm tại nhà. Thời ấy may một bộ complet là chuyện lớn lắm, nhiều khi chú rể cũng chỉ dám đi mượn để mặc trong đám cưới chứ không đủ điều kiện may mới. Thế mà tầm sát Tết, nhà may nào cũng tất bật để kịp trả hàng trước Tết và kịp cho thợ nghỉ về quê ăn Tết với gia đình.
Các cửa hàng bán đồ Tết cũng chuẩn bị hàng hóa và nhà nào có điều kiện thì cũng đã lo mua sẵn đủ những thứ đồ khô như những bóng bì, miến, măng khô, gạo nếp, hạt tiêu, nấm hương, đến cận Tết thì mua bánh kẹo và mấy hộp mứt… Các thứ thực phẩm, chợ nào cũng sẵn hàng, kể cả trong những năm chiến tranh, nhưng phong phú nhất phải kể đến chợ Đồng Xuân và chợ Bắc Qua ở ngay sau chợ Đồng Xuân.
Quầy hàng thịt mậu dịch có đến hàng mấy chục cửa bán hàng. Ngày gần Tết, hàng trăm người đứng xếp hàng, ai cũng mong chọn được miếng thịt ngon… Các hàng đồ khô bày la liệt, ngoài bóng bì lợn, còn có cả bóng cá dưa, bóng cá thủ, trông như những bông hoa vàng xốp, rất thích mắt. Khu hàng gà bên chợ Bắc Qua cũng đông các bà, các chị chọn mua. Từng bu gà chồng chất, tiếng gà kêu quang quác bốn phía.
Được đi chợ Đồng Xuân với mẹ, tôi rất thích, vì được mẹ hướng dẫn chọn đồ ngon, có khi lại được sà vào khu hàng ăn để mẹ thưởng cho bát bún gì đó. Còn ở đầu Hàng Bông, nhà số 9 thì phải, có hàng giò chả ngon lắm, mẹ tôi vẫn gọi đó là cửa hàng “bà cụ Hàng Hài” (hình như Hàng Hài là tên cũ của phố Hàng Bông). Bà cụ hồi ấy đã già, gương mặt đầy nếp nhăn, lưng đã còng, hay mặc áo cánh phin nõn trắng và chiếc áo bông kép bên ngoài. Bây giờ, ngôi nhà đó vẫn là cửa hàng giò chả Quốc Hương nổi tiếng.
Thời bao cấp, để có một cái Tết tạm tươm tất, nhà nào cũng phải “ăn dè” để dành tiền lo Tết. Mỗi người có mấy mét phiếu vải, dành cả năm để may bộ quần áo mới, nhất là cho trẻ con; phiếu thịt cũng phải dành dụm để mua mấy cân thịt làm bánh chưng và làm cỗ Tết. Thế mà vẫn vui.
Rồi ngày Tết cứ đến gần. Ai cũng trông chừng thời tiết. Tết mà gặp tiết trời nồm hay nắng nóng thì không thích, vì đồ ăn chóng hỏng, không giữ được lâu, nhất là bánh chưng chua mốc thì phí quá. Tết mà rét quá thì lo bộ quần áo mới may chưa đủ ấm. Nhưng nóng hay rét thì những ngày giáp Tết vẫn là những ngày bận rộn nhất và vui nhất. Mà sao lắm việc thế không biết. Việc lớn nhất chắc là nồi bánh chưng. Nhà tôi thường gói bánh vào ngày 28 Tết. Chiều tối 27 là mẹ sai mấy anh em tôi rửa lá, đãi đỗ, ngâm đỗ, ngâm gạo. Mới đầu còn chuyện trò trêu chọc nhau, ríu rít, được một lúc thì rét. Hai bàn tay ngâm trong nước lạnh trắng lợt ra, lưng cúi mãi cũng mỏi nhừ. Lúc ấy ai cũng ao ước giá mà được bát phở nóng nhỉ. Phở thì chẳng có, nhưng tối mịt làm xong, được ngồi quây quần trong gian bếp ấm, bàn tay ôm quanh chén nước vối nóng, vừa xuýt xoa vừa tán chuyện, sao vui thế!
Sáng hôm sáu, tờ mờ sáng mẹ đã dậy nấu đỗ xanh làm nhân bánh. Thường cỡ sáu giờ thì bác tôi sang cùng gói bánh. Bác Cả là anh ruột của mẹ, tuy đã già nhưng còn khỏe và tinh lắm. Bác gói bánh cực khéo. Bác và mẹ tôi ngồi gói bánh, ba tôi chỉ ngồi bên cùng chuyện trò được một lúc rồi đi làm. Sau này tôi thấy nhiều nhà gói bánh bằng khuôn, nhưng khi ấy, bác Cả và mẹ tôi chẳng dùng khuôn gì hết, chỉ lấy kéo cắt hai đầu tấm lá dong, đặt mấy chiếc lá dọc, ngang rồi đổ vào giữa một bát gạo, lấy một nắm đậu xanh đã giã mịn, tãi đều lên, rải miếng thịt đã ướp từ đêm trước, thêm một lượt đậu xanh, một lượt gao nếp rồi gập ba cạnh lá như cái hộp vuông, sau đó dựng chiếc bánh lên, giỗ xuống mặt mâm cho chặt và gấp nốt cạnh thứ tư, thế là xong chiếc bánh vuông vức, đều tắp mười chiếc như một.
Mấy đứa chúng tôi đón lấy, dùng lạt giang buộc chắc từng chiếc, rồi buộc hai chiếc thành một cặp. Tôi nhớ hồi ấy, năm nào nhà tôi và nhà bác Cả cũng gói và luộc chung, mỗi năm làm chừng bốn chục chiếc. Nhưng trước khi xong, bao giờ bác cũng làm mấy chiếc bánh chưng “con” cho lũ nhóc chúng tôi, bánh nhỏ bằng bàn tay trẻ con, như cái bánh chưng rán của các bà bán hàng bây giờ, nhưng đủ cả nhân đậu, thịt, buộc lạt đàng hoàng. Đến tầm mười giờ thì bắc nồi luộc bánh: kê mấy viên gạch làm kiềng, nồi là một chiếc thùng phuy cỡ 100 lít, củi đã sẵn khô và chắc, cháy đượm, mấy chốc nồi bánh bắt đầu sôi, hơi ấm từ bếp bánh chưng tỏa thơm một khoảnh sân, mấy đứa chúng tôi lại ngồi quây quần sưởi lửa. Năm nào “xông xênh”, còn dư lại gạo nếp và thịt thì làm nồi cơm nếp với thịt kho tàu, sao ngon thế.
Nhà tôi ở Hàng Trống. Buổi chiều ba tôi đi làm về sớm hơn thường lệ, gọi tôi hoặc anh tôi đi cùng lên Hàng Lược sắm cành đào. Đây là thú vui không thể tả. Hà Nội ngày ấy không đông đúc như bây giờ, nhưng chợ hoa thì lúc nào cũng đông. Ba tôi đi suốt dãy hàng hoa rồi đến dãy bán cành đào. Gặp cành nào đẹp, ba ngắm nghía, quay phía này, phía khác, ngắm kỹ cái gốc, xem xét từng cành, xem bông, xem nụ rồi hỏi giá. Có khi gặp cành đào ưng ý lắm rồi nhưng giá hơi cao, cụ lại giả vờ bỏ đi một đoạn xem người bán có đổi ý không, thế mà lại được việc. Chắc người bán hoa cũng thấy vui vì bán được cho người biết chơi đào nên không nỡ giữ giá. Mua được rồi, hai bố con thay nhau vác về, dọc đường bao nhiêu người nhìn và hỏi giá.
Có năm ba mua cành to hoặc mua cây đào thế, phải thuê xích lô chở về, nhưng tôi biết mặc dù rất thích chơi cây đào thế nhưng cụ thường chỉ mua cành đào có thế đẹp để cắm được trên bàn thờ gia tiên. Rước cành đào về đến nhà là mùa xuân đã đến, ba cùng chúng tôi lau rửa kỹ lưỡng mấy chậu lan, đặt hai bên bậc tam cấp trước cửa rồi lau chùi bàn thờ, đổ nước và cát vào chiếc lọ độc bình trên bàn thờ để cắm cành đào. Thêm bát hoa thủy tiên được mẹ tôi gọt tỉa công phu từ bao giờ nhằm sao cho nở đúng giao thừa, bày trên chiếc bàn kính giữa nhà, thế là cùng với làn khói bếp bánh chưng lan tỏa, ngày Tết như đã đến rồi.
Tầm mười giờ đêm thì vớt bánh. Khói và hơi nước cay xè mắt, mấy anh em tôi dùng thanh sắt uốn cong một đầu, móc từng cặp bánh vớt ra, cho vào chậu nước lạnh rửa sạch cho hết váng mỡ bám trên lá bánh, sau đó xếp bánh thành mấy hàng liền nhau, dùng một tấm gỗ như cái bảng đặt lên trên, lại xếp lên đó cái cối đá và mấy viên gạch để nén bánh cho chặt. Lại phải chặn kín các cạnh để canh chừng lũ chuột. Sáng hôm sau là hoàn thành các công đoạn, mẹ tôi chọn hai cặp bánh đẹp nhất để bày trên bàn thờ, còn lại treo lên một cái sào dọc theo tường bếp. Thế là đã ngày 29 Tết rồi.
Quê tôi ở ngay Ninh Hiệp, cũng gần. Năm nào cũng vậy, trước Tết mấy ngày, ba tôi về quê, ra thắp hương trên mộ tổ tiên mời các cụ về ăn Tết với con cháu. Ở làng, mấy ngày gần Tết, nhà nào có ao cá đều tát ao bắt cá bán. Ba tôi ở nhà một ngày, xem tát ao, cùng họ hàng ăn bữa cá luộc và cháo cá, rồi mua một con chép hay trắm cỡ cân rưỡi, hai cân đem ra Hà Nội để mẹ tôi làm nồi cá kho gừng. Ngoài bánh chưng ra, có thêm nồi cá kho, nồi canh măng khô nấu với chân giò và vại dưa hành nữa, thế là đi chơi Tết yên tâm.
Thế nhưng, từ ngày 29, mẹ tôi lại bắt đầu chuẩn bị cho bữa cỗ ngày ba mươi và ngày mùng một. Bóng bì, bóng cá, giò sống, thịt nạc, nấm hương, hoa lơ, su hào, cà rốt… cho nồi canh bóng; luộc măng cho mềm và hết đắng rồi cho vào nồi ninh với chân giò. Mấy con gà đã mua từ nửa tháng trước nuôi để vỗ béo. Chỉ mấy món cỗ mà bao nhiêu công phu chuẩn bị: từng miếng xu hào, cà rốt được cắt tỉa khéo léo, đẹp mắt, con gà luộc đặt trên ban thờ phải có dáng thật đẹp: chân quỳ, hai cánh dang ra, đầu ngẩng cao, mỏ ngậm bông hoa hồng đỏ thắm… Tất cả những việc ấy, mẹ vừa làm vừa chỉ bảo cho các chị tôi cùng làm “để sau này về nhà chồng còn biết đường mà làm cỗ”.
Chiều ba mươi, bữa cỗ tất niên đã xong, mọi người đều đã “tắm tất niên” bằng nồi nước lá mùi già thơm nức. Ngoài đường chốc chốc lại vang lên tràng pháo tiễn năm cũ. Làn khói mỏng trên ban thờ tỏa mùi hương trầm ấm cúng và thiêng liêng. Ba mẹ gọi mấy anh em chúng tôi vào dặn dò: “Mai là năm mới, các con thêm một tuổi, phải ngoan hơn và phải biết lễ phép, nghe lời người lớn. Ai đến thăm nhà hay đi đến nhà ai đều phải chào hỏi thưa gửi đàng hoàng, người trên mừng tuổi phải biết cảm ơn và chúc Tết; không được cãi vã nhau, không được nói những điều không hay và không bao giờ được làm những điều không tốt…”.
Vâng, thưa ba mẹ, con xin ghi nhớ lời ba mẹ, và đến bây giờ con vẫn dạy các con của con như thế.
Nguyễn Kỳ
Tiêu đề do ĐKN đặt. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.
Video xem thêm: Phong vị phong tục ngày Tết cổ truyền