Đại Kỷ Nguyên

Nhọc nhằn mưu sinh tuổi 73: Đôi chân dẫu mỏi mệt nhưng trách nhiệm còn nặng trĩu trên vai…

Ở cái tuổi gần đất xa trời, lẽ ra cụ Năm đã có một cuộc sống vui vẻ, an nhàn bên con cháu. Thế nhưng, cuộc đời đã thử thách cụ đến những năm tháng cuối cùng…

Ngày nào cũng vậy, khi trời vừa rạng sáng, cụ Năm lại bắt chuyến xe bus số 19 lên Cần Thơ đi bán vé số. Ở tuổi 73, sức khỏe của cụ càng thêm yếu bởi những khiếm khuyết trên thân thể già nua, bệnh tật. Bước đi nhọc nhằn với những bước chân tập tễnh, đôi tay buông thõng không một chút sức lực, không ít người nghĩ cụ từng trải qua một cơn tai biến, thế nhưng, sự thực là cụ đã phải gắn liền với cơ thể ấy từ khi mới 25 tuổi.

Cụ Năm đã phải gắn liền với cơ thể bệnh tật ấy từ khi mới 25 tuổi.

Đó có lẽ cũng là lý do mà người vợ đầu tiên bỏ rơi cụ để đi tìm hạnh phúc mới. Nhưng dường như may mắn vẫn luôn mỉm cười với những người lương thiện, người vợ thứ hai rất hiền lành, tận tụy và yêu thương cụ. Hơn 40 năm chung sống bên nhau, chính tình cảm ấy chân thành, mộc mạc ấy đã là động lực để cụ tiếp tục sống ý nghĩa và lạc quan. Bỏ lại sau lưng những tủi hờn, bất hạnh của một thân thể tàn tật, một mình cụ Năm đã gánh trách nhiệm nuôi sống cả gia đình, dù rằng trách nhiệm ấy khiến đôi vai cụ trĩu nặng.

Mỗi ngày hơn 200 tờ vé số, đôi chân cụ Năm đã đi hết mọi con phố, từng ngõ hẻm của thành phố Cần Thơ rộng lớn, đã quá quen thuộc với những tòa nhà cao tầng và những đoàn xe nườm nượp trên đường. Thế nhưng, dường như nhịp sống nơi phố thị vẫn quá xa lạ với cụ, bởi lẽ cũ mãi mãi chỉ là một ông lão lọm khọm đứng bên lề mưu sinh, chẳng thể nào hòa cùng dòng người ngoài kia để trở thành một phần của thành phố sầm uất. Nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng với cụ, bởi cụ biết rằng, bán hết chỗ này, cụ sẽ được trở về đúng nơi mà cụ thuộc về.

Dường như nhịp sống nơi phố thị vẫn quá xa lạ với cụ, bởi lẽ cụ mãi mãi chỉ là một ông lão lọm khọm đứng bên lề mưu sinh.

Con đường trở về căn nhà nhỏ nơi xóm nghèo ở thị trấn Ngã Bảy (Hậu Giang) dù chẳng mấy bằng phẳng nhưng với cụ Năm nhưng đó lại là con đường đặc biệt và bình yên nhất. Chỉ cần băng qua lối nhỏ này, cụ sẽ được gặp người vợ tận tụy và những đứa cháu đáng yêu đang tựa cửa ngóng mình về. Với cụ Năm, họ không chỉ là gia đình, người thân mà còn là lẽ sống để cụ gắng mưu sinh nơi thành phố xô bồ. Có thể ở ngoài kia cụ chỉ là một ông lão tàn tật chẳng có chút bản lĩnh nào, nhưng trong mái nhà nhỏ này, cụ là nguồn sống, là chỗ dựa cho bốn con người yếu đuối đó.

Tuổi ngày càng cao, gánh càng thêm nặng, hai cụ chỉ có thể gắng gượng lo cho những đứa trẻ cái ăn cái mặc, còn con chữ thì vẫn xa vời lắm.

Cõ lẽ sẽ chẳng có gì đáng nói nếu ba đứa trẻ được nuôi đều là cháu ruột của cụ Năm, nhưng không, những đứa trẻ ấy chẳng có chút quan hệ huyết thống nào với cụ. Cụ Năm chắp nối với cụ bà Nguyễn Hồng Hoa khi cơ thể đã thương tật, hai cụ không có con với nhau nên đã nhận nuôi một đứa trẻ bị bỏ rơi, và giờ là cưu mang đàn cháu. Tuổi ngày càng cao, gánh càng thêm nặng, hai cụ chỉ có thể gắng gượng lo cho những đứa trẻ cái ăn cái mặc, còn con chữ thì vẫn xa vời lắm.

Nghèo khó, bệnh tật nhưng điều đó chẳng thể nào ngăn trở hai cụ sống nghĩa tình và thiện lương, bởi lẽ, đó là những phẩm chất đã ngấm vào trong tận sinh mệnh của hai cụ, dẫu cuộc đời có khúc khuỷu, gập ghềnh chăng nữa.

(Ảnh chụp màn hình)

Hải Dương

Exit mobile version