Dường như đã thành thông lệ, không khí chộn rộn những ngày cuối năm thường kéo tâm trạng mỗi người náo nức theo. Trong ngõ xóm, mỗi sáng quây quanh cô hàng thịt mọi người lại trò chuyện: Nhà ấy mua mấy con gà về nuôi, chừng đến Tết là hết cám tăng trọng đấy/ Nhà bác đã sắm được gì chưa?/ Công ty em có thưởng nhiều không?…
Trong môi trường sở làm đã thấy từng nhóm, từng nhóm thì thầm hỏi khẽ: “Năm nay thưởng Tết thế nào nhỉ?” Và ngóng chờ thông tin từ buổi họp giao ban. Hợp đồng ngắn hạn, dài hạn, trong biên chế… kết hợp với kết quả bình xét lao động tiên tiến, xuất sắc, hoàn thành nhiệm vụ mà phân chia. Thưởng cuối năm, tiền Tết bao giờ cũng có, biết rõ mười mươi mà vẫn ngóng chờ. Tâm lý người lao động bao giờ cũng vậy. Tết mà, cả năm thiếu thốn đã đành. Tết đến vẫn mong được nhiều tiền thưởng để thoải mái sắm sửa cho thật đủ đầy với hy vọng một năm mới hanh thông tốt đẹp.
Nhưng như thế nào là đủ đầy thì thật khó có thể xác định được. “Người giàu một bó, người khó một nén.” Có nhà dành cho việc tiêu Tết vài chục triệu đồng, cả trăm triệu vẫn thấy thiếu. Người thu nhập trung bình thì mươi, mười lăm triệu, nhà nghèo khó có được dăm, ba triệu tiêu Tết đã là to lớn lắm rồi.
Nói chuyện sắm Tết, tôi chợt nhớ về thời gần hai mươi năm trước, khi ấy tôi mới là nhân viên hợp đồng, ngày cuối năm nhận tiền thưởng xong, tôi tung tăng đi bộ dọc theo con phố Tiền An của thành phố Bắc Ninh, hòa vào không khí mua sắm nhộn nhịp của mọi người, lòng tự hỏi “Mình sắm gì cho ngày Tết nhỉ?” Nhớ đến gian nhà đang ở thuê, mái ngói móc cũ mèm thường xuyên tở ra mùn bụi, tấm trần cót ép bị mưa dột cũng sụp xuống, mục nát. Mỗi bận mưa to nhà dột như rá, giường nào cũng phải cuốn chiếu vào một góc, co ro … Cả năm thu nhập eo hẹp, muốn mua một tấm bạt che mưa cũng khó. Ghé vào hàng phông bạt mua hai tấm bạt vừa đủ để che hai chiếc giường, đi một đoạn gặp hàng giầy hạ giá đổ bên vỉa hè, ướm thử một đôi vừa chân, thế là cơ bản hoàn thành việc sắm Tết.
Tôi còn nhớ như in cái cảm giác phơi phới lúc ấy, khi chân xỏ trong đôi giày mới, tay cầm hai tấm bạt cuộn tròn nghĩ đến những ngày mưa không còn bị ướt mà thấy xông xênh lắm rồi.
Bao nhiêu cái Tết sau này dù chưa khá giả gì nhưng không còn phải ở nhà dột nữa, thế mà nhiều khi thấy mệt mỏi với đủ các thứ gà qué, quần áo, đào, quất … Có đào rồi, quất rồi, thấy nhà hàng xóm có mai, lại muốn mai. Con gái lớn, con trai bé, mỗi đứa một, hai bộ quần áo mới vẫn chưa bằng lòng, lại phải mua thêm. Đồ ăn thức uống thì phải thêm món này, thêm món kia…
Thường thì người ta hay nhìn lên những nhà kinh tế khá giả, chơi cây đào những tiền triệu mà không mấy ai nhìn ngang, nhìn xuống xem nhà ấy, nhà nọ năm nay rủi ro thế nào, va quệt giao thông, bệnh trọng… đi bệnh viện những mấy đợt, kinh tế kiệt quệ, Tết này đã có gì chưa?
Chiều Ba Mươi Tết, mệt nhoài nhìn đống đồ lộn xộn phải sắp xếp mà thấy ngao ngán. Chợt nhận thấy mọi thứ vật chất thành vô nghĩa nếu ham muốn của con người không có điểm dừng. Ngày trước mỗi dịp Tết đến, bà tôi thường bảo “Biết đủ là đủ, biết vui là vui” làm sao mọi nhà, mọi người đều có Tết mới là điều quan trọng. Chân lý giản dị mà sâu sắc.
Mong ước một năm mới tốt đẹp với cái Tết đủ đầy là nhu cầu chính đáng của mọi nhà, mọi người. Nhưng thế nào là đủ, thế nào là vui thì chỉ tự mỗi người, mỗi nhà mới biết.
Độc giả Hoài Thu
Xem thêm: