Cái chết luôn là điều mà bất cứ ai cũng không muốn, nhưng nó lại chẳng chừa một ai. Có lẽ, ngay cả bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, họ cũng không bao giờ sẵn sàng cho cái chết. Nhưng cha tôi đã ra đi khi ông mới 27 tuổi, khi đó, tôi mới 8 tuổi rưỡi, vừa đủ lớn để ghi nhớ hình ảnh của cha trong cả phần đời còn lại!
Trong ký ức của tôi, cha là người mạnh mẽ và hài hước, ông luôn mở đầu bằng câu bông đùa trước khi mắng mỏ hay trách phạt. Cha luôn hôn lên trán tôi trước khi đi ngủ. Cha giải thích tất cả mọi thứ đều dễ hiểu hơn mẹ và luôn bắt tôi phải ủng hộ đội bóng ông yêu thích! Nói thế nào nhỉ, ông đúng là một mẫu người cha khiến trẻ con phải thương nhớ!
Cha tôi chưa bao giờ nói rằng ông sắp chết. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh với hàng tá các loại ống dẫn vòng quanh người, ông vẫn lên các kế hoạch cho tận năm sau, dù ông có thể không sống được đến tháng sau. Cha luôn lạc quan và đầy hi vọng vào cuộc sống. Nhưng rồi, bản kế hoạch của cha đột nhiên kết thúc, trước khi nó kịp bắt đầu.
Ngày hôm đó, mẹ đón tôi ở trường và chúng tôi đến bệnh viện. Bác sĩ thông báo điều gì đó và mẹ tôi bắt đầu khóc, trông bà tuyệt vọng đến cùng cực. Tôi cảm thấy choáng váng! Chẳng phải cha đã nói đây chẳng phải là một căn bệnh thông thường mà bất kỳ bác sĩ nào cũng có thể chữa khỏi bằng chỉ bằng một mũi tiêm sao?
Tôi giận cha và hét lên với tất cả mọi người trong bệnh viện – cho đến khi tôi nhận ra rằng cha đã không còn nữa, và tôi khóc đến lịm đi.
Nhưng, cha tôi đã trở lại, khi cô y tá mang đến chiếc hộp đựng đầy thư và nói: “Đây là những lá thư của bố cậu, ông ấy đã dành cả tuần để viết. Hãy dành thời gian đọc chúng. Cố lên chàng trai”.
Tôi mở bức thư đầu tiên, với tiêu đề “Khi ta chết”.
Con trai, khi con đọc những dòng chữ này, Cha đã không còn trên cõi đời nữa. Xin lỗi, nhưng ta biết là mình sắp chết. Dù vậy, ta quyết định sẽ không nói gì với con. Ta không thể nhìn con khóc. Ta xin lỗi, nhưng một người sắp chết, có quyền được ích kỉ một chút đúng không?
Còn rất nhiều thứ cha cần phải dạy con và cha đã chuẩn bị vài bức thư. Con nhớ cần mở chúng vào đúng thời điểm. Hãy nhớ điều đó nhé – đây là cam kết của chúng ta đó con trai!
Con yêu, con nhớ phải chăm sóc mẹ. Từ bây giờ, con đã là người đàn ông trụ cột của gia đình.
Yêu con.
Tái bút: Cha không gửi bức có bức thư nào cho mẹ con cả, vì bà ấy đã có chiếc xe của cha.”
Lá thư với những dòng chữ nguệch ngoạc, nhưng làm tôi ngừng khóc. Cha vẫn luôn như vậy, có thể làm dịu mọi vấn đề bằng một câu bông đùa.
Cứ như vậy, chiếc hộp đã trở thành thứ quan trọng nhất trong cuộc đời của tôi. Chúng chỉ của riêng tôi, và không ai được phép đọc chúng.
Tôi mở bức thư thứ hai khi lần đầu tiên xung đột với mẹ, Mẹ tôi bắt đầu có bạn trai và tôi không thể chấp nhận được điều đó. Bức thư có tiêu đề: “Khi có trận tranh cãi tồi tệ nhất với mẹ”:
“Hãy xin lỗi mẹ!
Cha không biết tại sao, cũng không biết ai đúng ai sai, nhưng ta biết rõ đó là mẹ con. Và cách tốt nhất phải làm lúc này là một lời xin lỗi chân thành. Dù có thế nào, đó là mẹ con đấy nhóc. Ta cũng rất chắc chắn rằng bà ấy yêu con hơn tất cả mọi thứ trên đời. Khi lựa chọn sinh ra con bằng cách sinh nở tự nhiên – sẽ tốt hơn cho con, mẹ con đã đánh cược mạng sống của mình đấy con biết không?
Hãy xin lỗi, và con sẽ được tha thứ.
Yêu con”
Tôi chạy đến phòng của mẹ, tôi khóc khi thấy bà quay lại. Mẹ tôi cũng đang khóc. Tôi cầm bức thư của cha và đi đến bên mẹ. Chúng tôi ôm nhau trong yên lặng.
Những lá thư của cha tiếp tục đi theo tôi cả cuộc đời. Từng lá thư, vào những thời điểm quan trọng, giúp tôi có thêm sức mạnh để vượt qua vô số những khó khăn gặp phải. Chúng giúp tôi có thể mỉm cười trong nghịch cảnh và giúp tôi bình tĩnh ngay cả trong cơn giận dữ nhất.
Bức thư “Khi con cưới” làm tôi rất vui, nhưng lá thư mang lại nhiều cảm xúc nhất là “Khi con đã làm cha”.
Giờ thì con đã biết tình yêu thật sự là gì. Đó là thứ tình cảm con dành cho sinh mệnh bé bỏng đang nằm ở kia. Ta không biết đó là bé trai hay gái. Dù gì, thực tế ta chỉ là một gã sắp chết – không có khả năng tiên tri.
Chúc mừng con, thời gian sẽ trôi rất nhanh. Hãy ở bên cạnh chúng. Hãy chia sẻ từng phút giây đặc biệt cùng con của mình. Vì chúng sẽ không trở lại. Dành thời gian thay bỉm, pha sữa, chăm sóc chúng. Cố gắng trở thành người cha mẫu mực. Con sẽ trở thành thần tượng của bọn trẻ. Giống như ta vậy.
Lá thư ngắn nhất, lại là bức thư khi tôi thấy đau đớn nhất: “Khi mẹ con yên nghỉ”:
“Bà ấy giờ là của ta”.
Đó là lá thư duy nhất mà tôi không thể cười.
Bức thư cuối cùng cha dành cho tôi có tên “Thời điểm của con”. Khi đọc bức thư này cũng là lúc tôi đang nằm trong bệnh viện, với hàng tá thứ ống và dây dẫn xung quanh. Nghe thật kỳ khôi, bởi đó là bài học cuối cùng, của một người đàn ông 27 tuổi, dạy cho đứa con – nay đã là ông lão là 85 tuổi!
Tôi cảm thấy sợ hãi khi mở bức thư bởi tôi không muốn tin rằng mình đã đến ga cuối của cuộc đời. Tôi vẫn hy vọng, nó sẽ đến vào một ngày nào đó xa xôi hơn. Hít một hơi thật sâu, tôi cố gắng mở bức thư.
Xin chào con trai. Hy vọng lúc này con đã là một ông lão.
Con biết không, đây lại là bức thư dễ nhất. Và ta đã viết nó đầu tiên. Nó cũng là lá thư duy nhất, tách biệt cha với cảm giác đau đớn khi phải xa con. Và khi con cũng có cảm giác gần đến cái chết, vậy chúng ta sẽ dễ đồng cảm hơn.
Ở ngày cuối cùng trên cõi đời, ta đã nhìn lại đời mình. Một cuộc đời khá ngắn ngủi, nhưng thật hạnh phúc. Vì ta có con, có mẹ con. Ta thấy mình không cần mong gì hơn thế. Nghĩ về điều đó, ta thấy bình thản và nhẹ nhàng. Giờ đó là việc con cần làm, và không cần phải quá sợ đâu.
Tái bút: Yêu thương.
Video: Người Mỹ ủng hộ niềm tin vào tín ngưỡng của các học viên Pháp Luân Công đang bị bức hại ở Trung Quốc