Đại Kỷ Nguyên

Những câu chuyện cảm động đượm tình người ở những ga tàu Nhật Bản

Cách đây không lâu, một người dùng Twitter với tài khoản @mtbsck đã chia sẻ câu chuyện cô cùng cảm động ở một ga tàu tại thành phố Tokyo. Họ đã thay đổi một quy định ngặt nghèo vốn được cho là chưa từng có tiền lệ vì lời khẩn cầu tha thiết của hai đứa trẻ.

Câu chuyện bắt đầu với những mảnh giấy dán trên tường của nhà ga Oji – một điểm dừng trên tuyến tàu điện ngầm Namboku, phía bắc thủ đô Tokyo. Trên tờ giấy là dòng chữ viết tay với nội dung vô cùng cảm động:

“Mẹ ơi, mẹ có ổn không?”.

“Mẹ ơi về nhà đi”.

Ayaka,

Gửi đến mẹ Ayumi.

Nhìn những dòng chữ nguệch ngoạc, sai lỗi chính tả, người ta đoán được tác giả của tờ giấy này, Ayaka, là một bé gái. Dù không ai biết được cô bé đang trải qua những gì nhưng có lẽ, mẹ của Ayaka, chị Ayumi đã bỏ nhà đi.

Trên tờ giấy viết tay thứ hai, một bé gái tên Hazuki viết:

“Mẹ ơi, mẹ có ổn không?”.

“Cả nhà đang chờ mẹ đấy”.

“Gọi cho con đi”.

Hazuki,

Gửi đến mẹ Ayumi.

Một tờ giấy tìm mẹ được dán trên tường nhà ga Oji. (Ảnh: JapanToday)

Mọi người dường như đã hiểu phần nào câu chuyện của hai bé gái, chắc hẳn các em đang nhớ mẹ lắm nên mới phải dùng đến cách này để tìm kiếm. Vậy nên, mặc dù quy định của nhà ga là nếu muốn dán thông báo gì đều cần phải được sự cho phép của cơ quan quản lý, nếu không sẽ bị gỡ xuống và xử phạt, nhưng vì cảm động trước câu chuyện của hai đứa trẻ, nhà ga đã quyết định nới bỏ quy định nghiêm ngặt có từ bao lâu nay. Họ quyết định không xé tờ thông báo và sẽ để nguyên đó một thời gian nữa. Hy vọng rằng, mẹ của các em sẽ đọc được và trở về nhà.

Ngay sau khi được chia sẻ, câu chuyện đã nhanh chóng lan tỏa trên các trang mạng xã hội Nhật Bản để truyền tải thông điệp đến mẹ của hai em. 

“Tôi cảm thấy buồn khi nghĩ đến chuyện những đứa trẻ đang tuyệt vọng tìm mẹ. Có lẽ các em đang rất đau buồn. Hy vọng rằng, 2 đứa trẻ tại ga tàu Nhật Bản sẽ tìm được mẹ trong thời gian sớm”, một người dùng Twitter chia sẻ.

Ga tàu hoạt động chỉ để chở một học sinh đi học

Kami-Shirataki là tên của nhà ga tàu hỏa nằm ở một vùng quê hẻo lánh thuộc phía Bắc Hokkaido, Nhật Bản. Năm 2013, Tổng Công ty Đường sắt Nhật Bản (Japan Railway) đã quyết định đóng cửa nhà ga này vì vị trí địa lý không thuận tiện cho hoạt động của các đoàn tàu chở hàng. Tuy nhiên việc thi hành đã được tạm hoãn sau khi người ta phát hiện ra có một nữ sinh vẫn đến nhà ga để đón tàu đi học mỗi ngày.

Nữ sinh trung học được cho là hành khách duy nhất của nhà ga Kami-Shirataki. (Ảnh: CCTV News).

Trong suốt 3 năm qua, nhà ga Kami-Shirataki đã được duy trì hoạt động chỉ để phục vụ duy nhất nữ sinh đặc biệt ấy. Mỗi ngày chỉ có 2 đoàn tàu dừng lại ở ga theo đúng giờ đi học và về nhà của cô bé. Vào ngày 23/6/2016 vừa qua, vị hành khách này đã chính thức tốt nghiệp trường THPT và đó cũng là ngày ga Kami-Shirataki ngừng hoạt động vĩnh viễn.

Câu chuyện cảm động ga tàu duy trì hoạt động chỉ để chở duy nhất một nữ sinh đi học đã nhanh chóng lan tỏa một lần nữa khiến cả thế giới ngưỡng mộ, thán phục đất nước và con người Nhật Bản.

Nguyên tắc được sinh ra để phục vụ chứ không phải trói buộc con người. (Ảnh:CCTV News).

Nhật Bản vốn nổi tiếng là quốc gia luôn tuân theo những nguyên tắc, quy định vô cùng chặt chẽ và rất hiếm khi có ngoại lệ. Đối với họ, đó là chìa khóa để đảm bảo cho xã hội đi vào quy củ và hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, họ cũng hiểu rằng, nguyên tắc được sinh ra để phục vụ chứ không phải trói buộc con người. Vậy nên, người dân Nhật Bản luôn nguyện ý thực hiện và sống theo những quy định, chuẩn mực của xã hội, mà có thể với nhiều quốc gia khác chúng là những nguyên tắc “nghẹt thở”. Và chính phủ cũng sẵn sàng loại bỏ những nguyên tắc để phục vụ tốt nhất cho mỗi từng công dân của đất nước mình. Những điều đó đều xuất phát từ văn hóa “nghĩ cho người khác” đã ăn sâu trong tiềm thức mỗi con người xứ sở hoa anh đào, để ngày nay chúng ta được nghe những câu chuyện nhân văn và giàu tình người như vậy.

Thiện Nam

Exit mobile version