Đại Kỷ Nguyên

Những điều là ‘đương nhiên’ ở đất nước của bạn lại không được làm khi đến Nhật Bản

Đến thăm một đất nước có nền văn hóa độc đáo như Nhật Bản, bạn có thể sẽ bị “sốc” với những quy tắc ứng xử đặc biệt. Những điều bạn thường cho là “đương nhiên” rất có thể lại là những điều không nên ở xứ sở mặt trời mọc.

Không bắt tay khi bạn gặp một ai đó

Đa số người Nhật đều biết về thói quen bắt tay gặp gỡ của người phương Tây. Tuy nhiên biết là một chuyện, chấp nhận lại là chuyện khác. Người Nhật cho rằng việc bắt tay khá “ngớ ngẩn” và không lịch sự. 

Ở Nhật, thay vì bắt tay hãy cúi chào (Ảnh: internet)

Người Nhật cho rằng, nếu bạn muốn tỏ rõ sự lịch thiệp và tôn trọng người đối diện, thay vì bắt tay thì hãy cúi chào. Nếu bạn gặp một người lớn tuổi hoặc có địa vị cao thì một sự cúi người sâu sẽ là sự phù hợp nhất.

Không đi giày vào trong nhà, các văn phòng

Nếu đến thăm một ngôi nhà ở xứ sở hoa ạnh đào, giày của bạn nên được cởi ra trước khi bước vào nhà. Giày đi bên ngoài được cho là không sạch sẽ, nên được thay thế bằng dép đi trong nhà đặt ở lối vào. Nguyên tắc này cũng được áp dụng ở những không gian công cộng như đền chùa, nhà thờ, trường học hay bệnh viện,… Nếu bạn thấy giày được xếp thành hàng ở trước cửa ra vào, hãy tháo giày ra và thay dép đã được chuẩn bị sẵn.

Giày dép cũng không được xuất hiện trong những nhà hàng mà khách ngồi ăn dưới sàn nhà trải thảm tatami truyền thống. Những nơi này thậm chí còn không có cả dép đi bên trong. Vậy nên, khi đến Nhật, bạn hãy mang một đôi vớ chỉnh tề.

Người Nhật phân biệt rõ ràng giày đi ngoài đường và dép đi trong nhà.

Một nguyên tắc quan trọng khác là thay dép đi trong nhà bằng dép dùng trong nhà vệ sinh khi có nhu cầu vào đây. Những đôi dép này thường được đặt trước cửa WC, vì vậy đừng quên thay đổi cho phù hợp với mục đích sử dụng.

Đối với một người mới quen, không nên gọi thẳng tên

Những người quen biết, thân thiết người Nhật thường gọi tên kèm theo hậu tố ví dụ như một người bạn, đồng nghiệp, hay một người mới quen là thay vì gọi tên thì hãy gọi riêng họ kèm hậu tố “san”. Đối với người nhỏ tuổi hơn mình thì tùy theo giới tính mà từ đi kèm sẽ thay đổi, với cậu bé là “kun” và cô gái là “chan”. Giáo viên hoặc người bề trên nên được gọi là “Sensei”. Nếu bạn đang nói chuyện với người có địa vị lớn hoặc quan trọng bạn có thể sử dụng hậu tố “sama” để biểu thị sự tôn trọng.

Đừng ngại húp mì trong khi ăn uống

Nhật Bản nổi tiếng với phong thái vô cùng lịch sự. Tuy nhiên có một truyền thống khá khó hiểu đi ngược lại hoàn toàn với phong thái này. Khi ăn mì, việc húp tạo thành tiếng thể hiện sự thích thú và ngon miệng. Tiếng húp càng lớn thì người nấu càng hài lòng.

Trong khi các nước phương Tây ăn uống ồn ào được coi là hành động bất lịch sự thì ở Nhật việc ăn uống phát ra tiếng lại rất được khuyến khích. Nếu ăn ở nhà hàng, quán ăn, điều này sẽ được các đầu bếp ghi nhận như một lời khen dành cho món họ nấu, cũng như khiến những người xung quanh cảm giác vui vẻ, thoải mái. Do đó, đừng ngại việc húp một bát mì ramen hay udon, thậm chí húp thành tiếng lại càng tốt.

Hãy chú ý khi tắm

Hầu hết các gia đình Nhật đều có bồn tắm chứa đầy nước nóng, được gọi là “furo”. Tuy nhiên, đây là không gian để ngâm mình thư giãn chứ không phải để rửa sạch cơ thể. Loại bồn tắm truyền thống này thường có dạng hình vuông, nhỏ hơn nhưng sâu hơn bồn tắm phương Tây. Trước khi bước vào bồn tắm, phải chắc rằng bạn đã tắm sạch bằng vòi trước đó.

Ở các phòng tắm công cộng, quy tắc ‘tắm trước bằng vòi’ này cũng tương tự. Ngoài ra còn một số nguyên tắc khác như không được mặc quần áo khi tắm, tóc phải được buộc gọn để không bị ướt, không để ướt khăn, và không bơi lội vẫy vùng trong bồn tắm.

Đặc biệt, người Nhật khá e dè với hình xăm. Nếu bạn có hình xăm, bạn không được sử dụng bồn tắm công cộng. Hình xăm có thể được xem như một sự bất kính, hoặc thậm chí người Nhật sẽ xem như bạn có sự liên hệ với các băng đảng xã hội đen…Tuy điều này đang dần thay đổi trong các thành phố lớn, nhưng hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi bước vào những phòng tắm công cộng nếu bạn đang mang trên mình một vài hình xăm.

Không đưa tiền boa

Người Nhật không có thói quen boa tiền như người Mỹ. (Ảnh minh hoạ)

Nếu bạn boa tiền cho một ai đó ở Nhật, họ sẽ cảm thấy bối rối và không biết làm gì với chúng. Đôi khi việc vô tình đưa tiền boa sẽ dẫn đến một vài phiền phức không đáng có.

Ví dụ, nhân viên nhận tiền boa sẽ cảm thấy có lỗi và cảm thấy dường như họ đã không làm tốt nhiệm vụ. Một vài người còn cho đó là việc làm mất phẩm giá của chính họ.

Khi không ai bận tâm về tiền boa, không khí sẽ trở nên thoải mái hơn nhiều. Bạn trả tiền cho đồ ăn của bạn, và người phục vụ nhận được khoản lương đúng với những gì họ phải và đã làm. Vì vậy đừng sử dụng tiền boa tại Nhật Bản.

Đừng ngạc nhiên trước những quy tắc đặc biệt cẩn thận của người Nhật

Ở Nhật Bản, chỉ tay vào người hoặc vật bị xem là thô lỗ. Thay vì sử dụng một ngón tay để trỏ vào cái gì đó, người Nhật sử dụng cả bàn tay để nhẹ nhàng vạch ra những gì họ đang muốn nói tới. Khi đề cập đến chính mình, họ sẽ dùng ngón trỏ chạm vào mũi của mình. Dùng đũa để chỉ trỏ cũng bị đánh giá là thô lỗ.

Ngoài ra, hắt hơi ở nơi công cộng cũng bị xem là mất lịch sự. Nếu mũi bạn thấy khó chịu, hãy tìm một nơi kín đáo và riêng tư hơn. Nếu quan sát một chút, bạn sẽ thấy người Nhật thường đeo khẩu trang nơi công cộng, đặc biệt là vào mùa đông. Điều này có nghĩa là họ bị cảm lạnh và không muốn lây nhiễm sang cho người khác.

Ở Nhật, đừng quá vô tư mà dùng tay chỉ trỏ (Ảnh: internet)

Mặc dù lịch sự và biết nghĩ cho người khác như vậy nhưng người Nhật không có thói quen giữ cửa mở cho ai khác. Thậm chí ngay cả khi đi xe taxi bạn cũng phải tự mở cửa. Vì vậy, một người Nhật có thể vô cùng ngạc nhiên khi bạn giữ cửa mở cho họ.

Hiểu Minh (TH)

Exit mobile version