Đại Kỷ Nguyên

Những đồ vật dễ cháy nổ như ‘bom’ trong nhà bạn nhất định phải cảnh giác

Việc bất cẩn hoặc sử dụng sai cách những vật dụng quen thuộc trong nhà như: sạc dự phòng, tủ lạnh, bếp gas… có thể gây cháy nổ bất cứ lúc nào.

Thời gian qua xảy ra rất nhiều vụ cháy nổ ở nhà dân, chung cư… Ngày 1/4, vụ cháy chung cư Parc Spring (quận 2, Tp.HCM) được xác định do chủ căn hộ tầng 8 cắm cục sạc dự phòng ở đầu giường nhiều ngày nhưng không rút nguồn điện, cục sạc sinh nhiệt, phát hỏa. Lửa sau đó bén vào chồng sách, máy tính và lan sang tấm nệm gây ra vụ cháy.

Trước đây, nhiều căn hộ, nhà dân từng phát hỏa vì những thiết bị điện tử như tivi, tủ lạnh… bị chập điện. Cuối năm 2017, tại Nghệ An từng xảy ra trường hợp nổ sạc dự phòng gây cháy toàn bộ căn nhà. Tháng 7/2017, tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) xảy ra vụ hỏa hoạn thương tâm làm chết 4 người trong một gia đình gồm 2 vợ chồng và 2 con. Nguyên nhân của vụ hỏa hoạn đau lòng này do chập cháy tủ lạnh, tia lửa điện bắn sang 2 chiếc xe máy được dựng gần đó.

Những vụ tai nạn, chết người do cháy nổ đồ dùng trong nhà luôn là nỗi ám ảnh của tất cả mọi người. Các gia đình cần chú ý đến cách sử dụng những thiết bị gia dụng dưới đây để bảo vệ tính mạng cho gia đình.

Bình, bếp gas

(Ảnh: medium.com)

Bình gas luôn được xem là nguyên nhân đầu tiên gây ra hoả hoạn tại nhà dân hay chung cư cao tầng. Các vụ nổ bình gas chủ yếu do khí gas bị rò rỉ, quên tắt bếp gas.

Vì vậy, đừng quên tắt bếp khi đi ra ngoài và khoá kỹ bình gas ngay sau khi sử dụng. Không để trẻ em đến gần bếp gas, tránh việc các bé bật bếp không đúng quy tắc. Thợ lắp bình gas cũng khuyên dùng van đóng/mở bình gas tự động để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Tủ lạnh

(Ảnh: FUNDER)

Tủ lạnh là vật dụng có thể gây hoả hoạn bất ngờ mà không lường được. Cấu tạo của một chiếc tủ lạnh gồm rất nhiều bộ phận có thể gây lửa khi bị tác động mạnh, trực tiếp, gián tiếp hoặc dãn nở bất thường: dàn lạnh, dàn nóng, bình gas, máy nén, các ống dẫn…

Những chiếc tủ lạnh quá cũ hoặc qua sửa chữa hàn xì, thay gas nhiều lần… thường có cặn bẩn gây tắc ống mao nối từ dàn ngưng đến dàn bay hơi, giảm khả năng làm mát, dẫn đến áp suất hệ thống quá cao dễ cháy nổ.

Các chuyên gia khuyến cáo tủ lạnh nếu không dùng đúng cách rất dễ biến thành “bom”. Do đó, không nên sử dụng loại tủ lạnh quá cũ. Còn nếu đang sử dụng tủ lạnh cũ thì không đụng chạm vào các thiết bị bên trong hay tự ý mang đi nạp gas mới, mà chỉ lau rửa tủ và mời thợ về vệ sinh giàn ngưng nếu có bụi bám nhiều.

Lò vi sóng

(Ảnh: soha.vn)

Bản thân lò vi sóng không thể gây cháy nổ, chỉ có cách người dùng sử dụng sai cách mới dẫn đến lò vi sóng phát nổ. Một trong những cách dùng lò vi sóng sai lầm là cho đồ đựng thực phẩm bằng (hoặc có chứa hoa văn) bằng kim loại vào lò vi sóng để hâm nóng thức ăn. Việc làm này sẽ sinh ra các tia lửa điện bên trong lò, gây cháy nổ.

Sạc dự phòng

(Ảnh: thegioididong.com)

Sạc dự phòng sau một thời gian sử dụng sẽ bị phồng, nóng lên và gây cháy nổ. Chất lithium trong pin tiếp xúc trực tiếp với không khí sẽ gây cháy. Đó là lý do tại sao sạc dự phòng không được cho phép mang theo hành lý xách tay lên máy bay.

Khi mua pin sạc dự phòng, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm thương hiệu có uy tín, có dán tem bảo hành, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Tuyệt đối không vừa sạc vừa dùng điện thoại đế tránh nguy cơ pin nóng, gây cháy nổ. Trước khi sạc cần lau chùi khô ráo tay và thiết bị; đúng tính năng mà pin hỗ trợ cũng như đúng loại đầu cắm sạc.

Ngoài ra, không nên để sạc pin qua đêm hoặc trong thời gian dài không có sự kiểm soát để tránh trường hợp nguồn điện không ổn định hoặc sạc quá lâu có thể dẫn đến cháy nổ.

Bật lửa

(Ảnh: Soha.vn)

Chúng ta thường chủ quan vứt bật lửa lung tung trong nhà mà không lường trước được nguy hiểm của nó. Trong bật lửa luôn chứa một lượng gas nhất định, khi bị rò rỉ và gặp môi trường có nhiệt độ đủ cao hay tia lửa điện có thể phát nổ.

Các loại bình xịt nén khí

(Ảnh: binhchuachay123.com)

Bình cứu hoả cũng là vật dụng gây lửa tiềm ẩn trong nhà mà nhiều người không ngờ tới. Loại bình này bên trong có chứa khí N2 làm lực đẩy để phun bột dập tắt đá và cần được bảo quản ở nhiệt độ mát mẻ từ -10 độ C-55 độ C. Nếu bình cứu hoả mini gặp nhiệt độ quá nóng hoặc bị ánh nắng mặt trời chiếu rọi trực tiếp, gặp áp suất đủ lớn sẽ phát nổ vô cùng nguy hiểm.

Không riêng bình cứu hỏa, các loại bình xịt nén khí như bình xịt muỗi, nước hoa… đều chứa hỗn hợp dế bay hơi và dễ cháy. Do đó, chúng ta không nên sử dụng các bình xịt gần bếp hoặc nơi có chập cháy vì chỉ một tia lửa nhỏ cũng có thể khiến nó bắt lửa, gây cháy nổ.

Bóng đèn dây tóc

(Ảnh: Soha.vn)

Bóng đèn dây tóc khi được đốt cháy giống như ống chân không và sẽ nổ tung khi bị quá tải. Ngoài chập điện, quá tải, khi bóng đèn quá nóng, một giọt nước rơi vào mặt thủy tinh cũng khiến bóng đèn vỡ tung. Sức nổ không lớn song mảnh thủy tinh văng xa và mạnh có thể gây tổn thương cho người đứng gần đó. Đối với những bóng đèn không đạt chuẩn, với việc bật/tắt liên tục bóng đèn cũng khiến bóng cháy nổ.

Ảnh: Eva.vn

Mỹ Duyên

Exit mobile version