Những ngày này cả nước đều hân hoan trong niềm vui bóng đá khi lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển Olympic Việt Nam lọt vào bán kết ASIAD. Chúng ta tự hào vì câu chuyện cổ tích mà thế hệ cầu thủ “vàng” đã tạo ra, và cũng có những phút giây chạnh lòng bởi thất bại của các đội bạn.
Có lẽ bóng đá cũng như tất cả những cuộc đấu khác, niềm vui chiến thắng của người này sẽ là nỗi buồn thua cuộc của người kia. Bất kể có cao thượng đến đâu, đã thi đấu quả cảm như thế nào thì nỗi đau của thất bại vẫn day dứt và tổn thương như thế. Và trận tứ kết nghẹt thở giữa U23 Việt Nam và U23 Syria là một minh chứng cho điều đó.
Trong khi đội bóng của HLV Park Hang Seo ăn mừng chiến tích lịch sử trong nụ cười và ánh mắt hạnh phúc, thì rất nhiều cầu thủ Syria đã đổ xuống sân khóc nức nở. Mặc dù các cầu thủ Syria đã thi đấu rất hay, thậm chí nhiều chuyên gia còn nhận định họ có một thể lực tốt hơn chúng ta và kiểm soát bóng rất tốt, nhưng họ đã không may mắn có được điều như chúng ta – một đất nước hòa bình.
Hầu như các cầu thủ Syria đều phải lang thang phiêu bạt khắp nước ngoài. Một năm qua họ không được đá bóng cùng nhau. Bởi đất nước họ bây giờ, đến một căn nhà nguyên vẹn còn khó tìm, thì làm sao có được những sân tập, những học viện để đào tạo cầu thủ. Dù đất nước chúng ta còn nghèo nhưng ít nhất các cầu thủ vẫn còn được chơi bóng cùng nhau, còn có những cổ động viên hết lòng vì trái bóng và được thỏa sức ăn mừng chiến thắng ở khắp nơi. Đó là những điều mà các cầu thủ Syria và những người hâm mộ ao ước mà không có được và cũng không biết khi nào mới có được…
Tất cả các cầu thủ đều chỉ in một tên duy nhất trên áo đấu: SYRIA. Họ đã bỏ đi tên mình, thay bằng tên đất nước và thi đấu bằng tất cả lòng yêu nước và khát khao chứng minh cho cả thế giới rằng “Syria vẫn tồn tại”.
Nhìn ánh mắt đượm buồn của Huấn luyện viên Al Fakeer Muhannad và những giọt nước mắt thất vọng của các cầu thủ Syria, chợt cảm thấy buồn cho một thế hệ cầu thủ, buồn cho một đất nước đã từng bình yên và xinh đẹp, cho đến khi cuộc “nội chiến” ập tới và phá đi tất cả…
Chiến tranh dù là với mục đích gì thì còn lại vẫn là nỗi đau, mất mát…
Chúng ta chiến tranh vì lợi ích kinh tế nhưng cuối cùng lại hao tổn kinh tế rất nhiều vì chiến tranh, chúng ta dùng chiến tranh để tranh giành quyền lực nhưng cuối cùng lại đánh mất quyền lực bởi chiến tranh, chúng ta gây ra chiến tranh để bảo vệ tôn giáo của mình nhưng “Chúa” không dạy chúng ta làm điều xấu và Ngài càng không cho phép chúng ta dùng bạo lực để đạt được mục đích.
Tôn giáo được sinh ra để cứu rỗi linh hồn con người. Nguyên thủy của các tôn giáo đều mang vẻ đẹp của trí huệ và những phẩm chất cao thượng, lớn lao. Dù đó là Phật giáo, Đạo giáo, Ki tô giáo hay Thiên Chúa giáo… Ngay cả với Hồi giáo mà ngày nay thường bị người ta cho là cực đoan thì thế giới Ba Tư và Bác Đa của Hồi Giáo trong “Nghìn lẻ một đêm” vẫn hiện lên vô cùng diễm lệ và tươi đẹp, chứ tuyệt đối không phải là cảnh bạo lực, khủng bố mà chúng ta gặp hôm nay.
(Nguồn ảnh: The New Republic)
Thương lắm những con người thiện lương vô tội chưa một ngày được sống trong bình yên…
Thiện Nam