Tôi vẫn hình dung cái nhìn của người ngoại quốc về mình giống như cái nhìn của người Kinh đối với người dân tộc. Tôi luôn cố gắng giữ khoảng cách với những người ngoại quốc tôi dạy.
Tôi cố gắng làm hết trách nhiệm của một người giáo viên chỉ trong lớp học. Ngoài lớp học, tôi coi họ như những người không quen biết. Họ chỉ học tiếng Việt một vài tháng, chỉ ở Việt Nam một vài năm. Cuộc sống của họ là ở một chân trời xa xôi nào đó và tôi sẽ không bao giờ gặp lại họ. Nhưng vào một ngày, tôi chợt nhận ra những tấm lòng, những tình cảm chân thành đằng sau bức tường ngoại quốc.
Hôm đó là ngày nhà giáo Hàn Quốc. Tôi dạy một phụ nữ Hàn Quốc rất xinh và duyên dáng. Chị được bình chọn là học viên xinh nhất ở trung tâm của chúng tôi.
Tôi vẫn nhớ đôi mắt đẹp, nụ cười tươi với lúm đồng tiền và dáng người dong dỏng cao của chị. “Hôm nay là teacher’s day ở Hàn Quốc… Tôi có món quà tặng cô!”.
Chị mỉm cười và ngập ngừng nói. Tôi dạy chị chưa lâu, khi dạy chị tôi vẫn còn thiếu kinh nghiệm, tôi không nghĩ đã giúp được chị nhiều. Vì thế tôi đã rất ngỡ ngàng khi nhận được quà của chị.
Hạnh phúc!
Và tôi đã buồn khi chị nói phải dừng học để về Hàn Quốc không lâu sau đó… Nhiều tháng trôi qua, tôi bất ngờ nhìn thấy chị vào một chiều đông ở bến xe buýt. Tôi đã lặng lẽ bước qua chị theo thói quen của sự tự ti.
Nhưng lúc ấy, một ý nghĩ thoáng qua trong tôi: “Mình không dễ gì gặp lại chị nữa”. Bỏ qua sự tự ti, tôi quyết định quay lại chào chị. “Xơn xeng nim!”, chị ngạc nhiên thốt lên. Mặc dù đã quên hết tiếng Việt nhưng chị vẫn nhớ tôi.
Chúng tôi chỉ kịp chào hỏi nhau vài câu trước khi xe buýt của chị đến. Chị vẫy vẫy tay chào tạm biệt tôi khi đã trong xe buýt. Chợt thấy ấm lòng trong một buổi chiều đông muộn.
Hôm đó là một ngày bình thường, sau một hôm tôi bị ngã ở sân giếng và bị trầy xước ở lòng bàn tay. Tôi dạy hai phụ nữ nội trợ. Các chị nhìn thấy ngay vết thương ở tay tôi. Mặc cho tôi nói không sao, một chị lấy u gô đưa cho tôi, ra hiệu tôi hãy băng vào vết thương.
Chị vẫn chưa nói tốt tiếng Việt nhưng ánh mắt chị đầy sự lo lắng, quan tâm. Chợt thấy mình nhỏ bé và cảm động vì được các chị chăm sóc như một người em gái. Miếng u gô đó tôi đã không dùng mà giữ làm kỉ niệm cho đến tận bây giờ. Mỗi lần nhìn thấy nó tôi lại mỉm cười hạnh phúc.
Hôm đó là một ngày Hà Nội ngập nước. Tôi đã phải xắn quần qua đầu gối lội bì bõm từ phòng trọ đi chợ. Mục đích để mua đồ chuẩn bị cho buổi học ngoại khóa của trung tâm. Chúng tôi đã lên kế hoạch làm bún nem và học viên là hai người đàn ông.
Tôi đã rất căng thẳng khi nghĩ rằng họ sẽ không hứng thú gì với chuyện nấu ăn, chuyện của phụ nữ. Thêm cảnh phòng trọ bị ngập nước, đồ đạc trôi lềnh bềnh khiến tôi càng ngán ngẩm.
Nhưng có lẽ đó lại là ngày tôi cảm thấy vui nhất kể từ khi đi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Họ có thể nói tiếng Việt chưa tốt, sử dụng từ ngữ chưa đúng, không thể diễn đạt hết được những điều họ muốn nói. Nhưng ánh mắt chân thật của họ giúp tôi hiểu được nhiều hơn những gì họ muốn nói.
Chúng tôi đã vui vẻ làm nem cùng nhau. Các anh đã không ngại vào phòng bếp nhỏ bé, chật chội để rán nem. Mồ hôi chảy ròng ròng nhưng các anh vẫn nhất quyết: “Tôi có thể làm!”, “Để tôi giúp!”.
Một người khi vô tình thấy tôi rửa bát và dọn dẹp bếp một mình đã nhìn tôi với ánh nhìn vừa thương cảm vừa như anh là người có lỗi: “Cô giáo!”, “Một mình?”. Anh đã không thể diễn tả hết ý: “Trời ơi, sao cô giáo lại làm một mình?”. Nhưng tôi hiểu hết tấm lòng của anh khi anh kiên quyết giúp tôi rửa bát. Anh nói anh có thể làm được vì hàng ngày vẫn giúp vợ.
Và cũng chính anh là người đã cố gắng bắt chuyện với tôi khi thấy tôi ngại ngùng, ít nói chuyện giữa chỗ đông người. Nỗi lo về căn phòng bị ngập, sách vở, quần áo ướt đẫm đã nhường chỗ cho những tiếng cười vui vẻ. Đó là những kỉ niệm đẹp đẽ mà tôi sẽ không thể nào quên.
Hôm đó là một ngày mưa ẩm ướt, u ám. Tôi đã đọc được tin nhắn của một học viên ngoại quốc. Anh là một tiến sĩ, một người rất thông minh và học tiếng Việt rất nhanh. Kết thúc trình độ C, anh có thể tự đọc sách tiếng Việt và không cần tiếp tục học tại trung tâm nữa. Nhưng anh vẫn đăng kí học tiếp chuyên đề Văn học Việt Nam và chuyên đề Ngoại giao Việt Nam.
Anh đã nhắn tin cho đồng nghiệp của tôi: “Vốn tôi đã định không học nữa vì tôi có thể tự đọc sách rồi nhưng tôi muốn keep you and cô Băng making money vì tôi rất cám ơn hai cô…”. Một cảm giác tức giận trào dâng. Tôi thấy mình thật nhỏ bé và đang bị thương hại. Tôi không cần sự thương hại. Tôi biết anh giỏi, tôi biết anh có tiền. Nhưng nếu không dạy anh, tôi cũng không chết đói.
Nhưng… khi bình tĩnh hơn, tôi hiểu thực ra anh chỉ muốn giúp đỡ chúng tôi, những người Việt Nam đầu tiên anh gặp, những sinh viên vừa tốt nghiệp nhưng chưa có công việc ổn định. Anh muốn ít nhất trong thời gian anh còn ở Việt Nam, chúng tôi vẫn có một thu nhập ổn định nếu dạy anh. Và tôi hiểu tại sao anh đã hỏi tôi có cảm thấy khó khi dạy chuyên đề văn học cho anh không. Tại sao anh tỏ vẻ hài lòng khi câu trả lời là “không”.
Tôi cũng hiểu tại sao anh nói tôi không cần phải chuẩn bị thêm kiến thức ngoài sách khi dạy anh. Chỉ cần giải thích nội dung có trong sách là được. Anh muốn tạo điều kiện, tạo sự dễ dàng nhất cho chúng tôi, không muốn chúng tôi phải mất nhiều công sức khi dạy anh. Tôi cũng đã hiểu tại sao anh đột ngột tăng số buổi học lên. Trước đó cố gắng tìm mọi cách để học bù những buổi anh nghỉ vì phải đi công tác.
Tôi càng cảm động hơn khi anh đã đi bộ hơn một tiếng đồng hồ hoặc đi xe buýt đến trường để tiết kiệm tiền. Nhưng lại quyết định bỏ ra một số tiền không nhỏ để học tiếp tiếng Việt trong khi anh đã có thể tự học ở nhà. Tôi nợ anh không chỉ một lời cảm ơn. Tôi nợ anh cả một tấm lòng.
Và hôm đó là một ngày… một ngày bình thường như bao ngày bình thường khác… nhưng lại là một ngày đặc biệt với tôi khi tôi nhận ra những tấm lòng từ những người xa lạ…
Tôi nghiệm ra rằng: ngôn ngữ có thể khác nhau, văn hóa có thể khác nhau, cuộc sống có thể khác nhau, lĩnh vực quan tâm có thể khác nhau… nhưng những tấm lòng trên trái đất này ở đâu cũng có. Những tấm lòng ấy kết nối chúng ta lại với nhau. Dệt nên tấm chăn hạnh phúc sưởi ấm trái tim mọi người.
Theo vantho.net – Chia sẻ dưới sự cho phép của tác giả
Sao Băng