Căn bếp với những nội thất hiện đại nhưng không được bố trí, sắp xếp khoa học sẽ trở nên rườm rà, kém sang.
Sắp xếp đồ không khoa học
Các thiết bị, dụng cụ nhà bếp không nên đặt ở những nơi quá cao hoặc quá thấp. Cần cân nhắc theo chiều cao của người hay sử dụng bếp nhất để thiết kế sao cho phù hợp. Ví dụ, khi đặt lò vi sóng, bạn nên để vị trí cao trên eo để tránh bị bỏng mỗi lần lấy đồ ăn ra.
Ngăn kéo nặng gắn trên tường mỏng
Bạn chỉ có thể treo giá và ngăn kéo lên tường chịu lực. Tường vách thạch cao không chịu được sức nặng sẽ gây nguy hiểm trong quá trình làm bếp.
Bồn rửa bất tiện
Bồn rửa tiện lợi giúp bạn thoải mái hơn trong quá trình làm bếp. Vì vậy, hãy sắm cho gia đình mình loại bồn mà bạn cảm thấy tiện lợi và dễ sử dụng nhất.
Nên lựa chọn những mẫu bồn rửa rộng rãi, làm bằng các vật liệu chịu nhiệt tốt. Ngoài ra, cũng nên chọn loại bồn có kích thước phù hợp, độ sâu khoảng 16-18 cm.
Tận dụng góc trống không hợp lý
Việc tận dụng những góc khuất, khoảng trống trong nhà bếp giúp bạn tiết kiệm được không gian, khiến căn bếp trở nên thoáng đãng hơn.
Thay vì ngăn kéo, bạn có thể thay thế bằng các khay xoay nó sẽ giúp bạn tận dụng tối đa không gian bên trong. Ngoài ra, kệ góc cũng là giải pháp tuyệt vời.
Không đủ ánh sáng
Phòng bếp luôn cần phải đảm bảo ánh sáng, bởi không gian đủ ánh sáng sẽ trông rộng rãi và thoáng đãng hơn. Bên cạnh đó cũng giúp bạn thuận tiện hơn trong việc làm bếp.
Để tăng ánh sáng, ngoài việc thiết kế nhà bếp có nhiều cửa sổ, hãy tăng hệ thống đèn điện nếu như tủ bếp nhà bạn màu tối.
Không có khoảng cách giữa các thiết bị
Tủ lạnh, bồn rửa, bếp từ, lò vi sóng… nên ở gần nhau để tiện nấu nướng nhưng không nên kê quá sát. Tránh đặt lò vi sóng ngay cạnh tủ lạnh vì có thể khiến tủ nhanh hỏng. Tránh để bếp từ, lò vi sóng cạnh bồn rửa để khỏi bắn nước.
Sàn bếp không phù hợp
Việc lát gạch men sẽ khiến khi đứng trong bếp bị lạnh chân và nồi, chảo dễ bị vỡ nếu bị rơi xuống sàn. Các chuyên gia khuyên nên kết hợp lát gạch men và gỗ gia nhiệt vùng bếp để giải quyết các vấn đề này.
(Tổng hợp)