Đại Kỷ Nguyên

Những món đồ chơi Trung thu gắn liền với tuổi thơ 8X, 9X

Đèn ông sao, đèn kéo quân, trống bỏi, đầu lân sư tử… là những món đồ chơi Trung thu khiến bao người nhìn lại đều không khỏi rưng rưng nhớ về tuổi thơ bé nhiều kỷ niệm.

Mặt nạ giấy bồi

Trung thu trong ký ức xưa không thể thiếu hình ảnh những chiếc mặt nạ giấy bồi – món đồ chơi thủ công, đầy màu sắc.

Để làm được một chiếc mặt nạ này, người thợ cần dán 5-6 lớp giấy đã phết hồ vào mặt trong của khuôn đất rồi gỡ để lấy phôi mặt nạ, phơi nắng trong một ngày. Phôi sẽ được mang đi vẽ sơn, mỗi màu sơn xong lại phải đem phơi khô mới vẽ tiếp, cứ thế 5-6 lần thì màu mới lên đẹp, rõ ràng.

Dù ngày càng nhiều loại đồ chơi hiện đại, bắt mắt thu hút trẻ em, nhưng những chiếc mặt nạ giấy bồi vẫn âm thầm hiện diện với hình ảnh ông Địa, chú Tễu, Chí Phèo, Thị Nở… (Ảnh: Trochoitapthe365)
Giới trẻ hiện nay vẫn tỏ ra khá thích thú khi được sở hữu một chiếc mặt nạ giấy bồi. (Ảnh: Dân Việt)

Tò he

Tò he không chỉ là món đồ chơi được nhiều người yêu thích, nó còn là một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt.

Dưới bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, trong phút chốc những cục bột màu vô tri trở thành hoa lá, động vật, hay các nhân vật quen thuộc như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới…

Những món đồ chơi nhỏ bé mà khiến bao người thán phục tài năng người nghệ nhân nhào nặn. (Ảnh: afamily)
Trẻ em từ nông thôn đến thành thị đều thích thú với trò nặn tò he (Ảnh: Chơi trò)
Trải qua nhiều năm tồn tại, tò he vẫn là đồ chơi được bao thế hệ người Việt ưa thích. (Ảnh: Danviet)

Kiếm nhựa

Nhiều em nhỏ ngày nay đã mất hẳn khái niệm về kiếm nhựa. Nhưng với những người thuộc thế hệ 8X, 9X, đây luôn là món đồ chơi gợi nhắc về “tuổi thơ dữ dội”.

(Ảnh: Nguoiduatin)

Những cây kiếm nhựa này không phải từ Trung Quốc như mọi người vẫn tưởng, chúng được làm ngay ở một ngôi làng ven thủ đô Hà Nội.

Dù không phải đồ chơi Trung thu truyền thống nhưng kiếm nhựa vẫn được trẻ em ưa thích trong những lần chơi đánh trận giả. (Ảnh: Danviet)

Trống bỏi

Trống bỏi có nguồn gốc từ làng Báo Đáp (Nam Định), là thứ đồ chơi dân dã, rẻ tiền nhưng rất quen thuộc với nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam trong dịp tết Trung thu.

Tiếng “tạch tạch” đanh gọn vui tai phát ra từ chiếc trống bỏi nhỏ xíu nằm gọn trong lòng bàn tay.(Ảnh: Tapchitrungnien)
Chỉ với một chút đất sét, cán gỗ, que sắt, giấy hồng và dây nilon là đã hoàn thiện được một chiếc trống bỏi để chơi trong dịp Trung thu. (Ảnh: Danviet)

Đèn ông sao

Đèn ông sao là chiếc đèn quen thuộc với tất cả các thế hệ người Việt mỗi dịp Trung thu đến.

Đèn được làm từ cật tre, giấy bóng kính phỏng theo hình ngôi sao 5 cánh và trang trí họa tiết sặc sỡ, bắt mắt. (Ảnh: Zing)
Bất chấp nhiều đồ chơi truyền thống đã mai một, sức sống của những chiếc đèn ông sao trong đêm rước đèn chưa bao giờ vợi bớt (Ảnh: Detechland)

Đèn kéo quân

Ngoài đèn ông sao, đèn kéo quân cũng là món đồ chơi quen thuộc ở Việt Nam vào dịp Tết Trung thu về.

Khi nhắc đến đèn kéo quân, người ta thường tưởng tượng đến loại đèn độc đáo làm bằng giấy bao quanh chiếc khung tre biết “kể” những câu chuyện. (Ảnh: Homegift)
Nhiều câu chuyện như Tây Du Ký, tứ linh nhảy múa, nông dân làm ruộng, mục đồng chăn trâu… được tái hiện lại trong những chiếc đèn này. (Ảnh: Homegift)

Ngày nay, những chiếc đèn chạy pin với đủ hình dạng, âm thanh đã khiến nhiều trẻ em không còn “mặn mà” với đèn kéo quân truyền thống.

Dù trẻ con ít chơi đèn kéo quân mỗi dịp Trung thu về, nhưng cứ gần ngày rằm tháng 8, nhiều làng nghề truyền thống vẫn làm loại đèn này như một cách lưu giữ nét văn hóa dân tộc. (Ảnh: Homegift)

Đầu lân sư tử

Những màn múa lân rôm rả trong dịp lễ Trung thu không thể thiếu được chiếc đầu lân sư tử truyền thống.

Những chiếc đầu lân làm bằng song và tre, bên ngoài bồi bằng giấy và vẽ thêm màu sắc. (Ảnh: Tinmung)
Người ta đánh trống, múa lân sư với quan niệm sẽ đem lại nhiều may mắn và hạnh phúc. (Ảnh: Múa lân sư rồng)
Để bắt kịp với xu hướng thời đại, ngày nay nhiều đầu lân sư tử còn được gắn cả đèn nhấp nháy để bắt mắt hơn. (Ảnh: Youtube)

Hoài Phương

Exit mobile version