Đại Kỷ Nguyên

Những người mẹ vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới

Tình mẫu tử luôn là điều thiết tha và sâu lắng của mỗi con người. Thế nhưng, có những người mẹ còn vĩ đại và đặc biệt hơn thế. Họ đã để lại cho nhân loại những bài học sâu sắc từ chính câu chuyện cuộc đời mình.

Đó có thể là một người mẹ với tình yêu thương cao cả, nuôi nấng những đứa con làm thay đổi lịch sử thế giới. Hay một người góa phụ tiết hạnh khiến cho thế nhân phải khâm phục muôn đời. Hoặc là phụ nữ chẳng có một ngày làm mẹ nhưng với những gì bà cống hiến cho nhân loại khiến cho chúng ta phải kính phục gọi bà với cái tên thiêng liêng ấy.

Đức Mẹ đồng trinh – Maria

(Dẫn ảnh: europe-travel-guides.com)

Người ta thường gọi bà là Đức Mẹ hay bà Mary, một người phụ nữ Do thái sống trong khoảng những năm cuối thế kỷ 1 TCN đến đầu thế kỷ 1 CN. Theo kinh Tân Ước và kinh Qur’ra bà là mẹ của Chúa Jesus. Tương truyền rằng, việc bà mang thai và sinh ra Jesus là do quyền năng của Chúa Thánh Thần và không cần tới một người nam giới nào cả.

(Dẫn ảnh: Peters Verden)

Trong thời gian đã hứa hôn với Giuse, thần linh đã báo tin cho bà rằng bà là người được chọn để trở thành Mẹ của Đấng Messiah. Tuy nhiên, chồng bà lại tỏ ra băn khoăn về điều này và muốn rời bỏ Maria. Sau một giấc mơ, Giuse được thiên thần chỉ bảo rằng đừng lo nghĩ gì mà hãy nhận Maria về làm vợ để hợp pháp với lề luật thời bấy giờ. Không lâu sau, đúng như lời của các vị thần, bà Mary đã mang thai và sinh hạ Jesus.

Bà được những người  Kito giáo tôn sùng. Bởi vì, chỉ có phụ nữ với phẩm hạnh cao quý mới xứng đáng để được Thiên Chúa lựa chọn. Trong một thời gian dài, Đức Mẹ Maria là chủ đề được ưa thích trong các tác phẩm hội họa, âm nhạc và văn học Kito giáo.

Mẹ Teresa

(Dẫn ảnh: O Clarim)

Bà sinh năm 1901 tại Macedonia, sau đó quyết định gắn bó cuộc đời mình với hoạt động truyền giáo tại Ấn Độ. Teresa thành lập Dòng Thừa Sai Bác Ái vào năm 1950 chỉ với 13 thành viên. Trải qua quá trình phát triển của mình, đến nay đã có hàng chục ngàn nữ tu gia nhập dòng thừa của bà. Rất nhiều trại trẻ mồ côi, trạm y tế cho người mắc bệnh AIDS và các trung tâm từ thiện nhờ đó cũng được thành lập trên toàn thế giới.

Những đóng góp của bà nhanh chóng được cộng đồng quốc tế chú ý, lần lượt các cá nhân và tổ chức từ thiện trên khắp thế giới đã ngỏ lời mong muốn giúp đỡ những người nghèo khổ và rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng thông qua tổ chức này.

Mẹ Teresa đã dành toàn bộ cuộc đời mình cho những mảnh đời khốn cùng nhất, bà cùng ăn, cùng ngủ và sinh hoạt với họ. Cho dù đó là những người mắc bệnh AIDS hay những tên tù nhân hung hãn, tất cả đều được cảm hóa bởi tình yêu thương và đức tin to lớn của bà.

(Dẫn ảnh: Ask Naij.com)

Để vinh danh những cống hiến cho nhân loại của bà, năm 1979 người ta đã trao cho Teresa giải Nobel hòa bình. Thế nhưng danh hiệu đó chẳng thể mô tả hết những gì mà bà đã xây dựng và gửi gắm tới thế giới. Teresa không có con cái, nhưng bà được cả thế giới trìu mến gọi là Mẹ – “Vị thánh của những người khốn cùng”.

Cornelia – Mẹ của Gracchi

(Dẫn ảnh: Nineteenth Century Art)

Cornelia Scipionis là biểu tượng cho đức hạnh của người phụ nữ La Mã trong thế kỷ 1 TCN. Sau khi kết hôn, bà sinh hạ được 12 đứa trẻ tuy nhiên chỉ có 3 người còn sống cho đến tuổi trưởng thành.

Sau cái chết của chồng – Tiberius Gracchus Majo, bà đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để nuôi dạy các con. Với thân thế cao quý, là công chúa, con gái của người anh hùng Publius Scipio Africanus (người đã đánh bại Hannibal trong cuộc chiến tranh Punic lần thứ 2), bà có rất nhiều cơ hội để tái giá. Nhưng tất cả đều bị bà từ chối, trong đó đáng kể nhất phải kể đến Vua Ptolemy VIII của Ai Cập.

(Dẫn ảnh: Ancient Origins)

Trong thời gian này, Roma chìm đắm trong sự xa hoa tráng lệ, lối sống phô trương dường như là điều hiển nhiên trong tầng lớp quý tộc. Thế nhưng người ta lại biết đến câu chuyện của cô Công Chúa Cornelia với cuộc sống khiêm tốn và tiết kiệm. Bà dành thời gian để học tiếng Latin và Hy Lạp, học thơ văn. Đồng thời quên đi thân phận để dành tình yêu và sự chăm sóc cho các con, điều đó đã ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp chính trị của 2 con trai bà sau này.

Sự thủy chung của Cornelia là minh chứng cho lý tưởng về người phụ nữ trong gia đình thành Roma thời đó: “Một góa phụ sẽ chỉ chung thủy với người chồng đầu tiên mà họ lấy”. Sau khi bà qua đời, một bức tượng bằng đá cẩm thạch của Cornelia được xây dựng như để tôn vinh sự cao cả của những bà mẹ. Bà được ưu ái gọi bằng cái tên “Mẹ của Gracchi”.

Mẹ của Mạnh Tử – Bà mẹ nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc

(Dẫn ảnh: Hocmo.com)

Với những ai đã nghe qua câu chuyện: “Mẹ hiền dạy con” hẳn sẽ không quên cách dạy dỗ rất nghiêm túc và chu đáo của bà. Vì mồ côi cha từ bé, Mạnh Mẫu một tay chăm con, vừa là cha lại phải vừa là mẹ thật không dễ dàng gì.

Chuyện kể rằng, nhà Mạnh Tử ban đầu ở gần bãi tha ma. Hằng ngày ông thường nhìn thấy người ta khóc lóc thảm thiết nên về nhà cũng diễn lại những cảnh đã nhìn thấy. Biết đây không phải chỗ tốt cho con trai mình, Mạnh Mẫu liền chuyển nhà sang chỗ chợ thị náo nhiệt.

Mạnh tử từ đó lại học người ta buôn bán, cân đo đong đếm, khoe khoang đồ của mình. Mạnh Mẫu cho là không phải nên bà quyết định chuyển nhà một lần nữa, lần này bà lựa chọn một ngôi nhà ở gần trường học. Từ đó, con trai bà hàng ngày thấy người ta chào hỏi lễ nghĩa, miệt mài kinh sử thì cũng học hành chăm chỉ, cung kính lễ giáo. Mạnh Mẫu lúc này mới an lòng: “Đây chính là nơi con ta cần”.

(Dẫn ảnh: JapaneseClass.jp)

Hằng ngày bà luôn tự mình làm gương, có lần vì chót nói đùa với con mà sau đó phải làm thật để con không nghĩ mình là người nói dối. Lại có lần thấy con trốn học để về nhà mà bà cắt luôn tấm vải đang dệt để dạy con. Những câu chuyện như thế khiến người đời sau không khỏi cảm thán về thái độ và cách dạy con vô cùng mẫu mực của bà.

Về sau này, Mạnh Tử trở thành một nhà triết học kiệt xuất trong thời Chiến Quốc được người đời xưng tụng là “Mạnh Tử Á Thánh” – Ông tổ thứ 2 của Nho giáo chỉ đứng sau Khổng tử.

Video xem thêm: Bí mật: Vì sao có những người phụ nữ ngày càng xinh đẹp hơn?

 

Exit mobile version