Trong thời đại nhá nhem sáng tối này, đôi lúc chúng ta tự hỏi bản thân mình phải tin vào điều gì để sống? Sống như thế nào là sống tốt, sống theo điều gì mới là sống đúng. Những con người luôn giữ cho mình một trái tim nhân hậu, một tâm hồn cao cả sẽ giúp chúng ta nhận ra, trong cuộc sống điều gì mới thực sự là quan trọng.
Thoát nghèo rồi muốn làm cho người khác điều gì đó để cuộc sống bớt khổ hơn
Trên địa bàn phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ, nhà cửa vẫn còn thưa thớt. Dưới những tán dừa xanh mướt trải dài, những ngôi nhà nhỏ lợp mái tôn của người dân nằm lặng lẽ, khiêm nhường. Những căn nhà cũng đủ cho người ta thấy cảnh sống còn nghèo của người dân nơi đây.
Tuy nhiên, con người ở mảnh đất Nam Bộ hiền hòa này chỉ nghèo tiền, chứ không nghèo tình nghĩa. Ở đây có đến ba tổ mộc chuyên làm nhà gỗ tặng cho người nghèo đã hoạt động hơn 10 năm nay. Mỗi người một câu chuyện nhưng họ đều đang dùng công sức, tiền bạc và thời gian của mình để giúp nhiều bà con có được nơi ở yên ấm hơn, an toàn hơn.
Đến phường Tân Lộc hỏi nhà ông Liếp từ thiện, bạn hẳn sẽ nhận được sự chỉ dẫn tận tình của những người dân nơi đây. Ông Liếp đã làm chủ một xưởng mộc có 30 người lao động. Nhưng lạ một nỗi, họ không sản xuất để bán kiếm tiền. Ông Liếp và các đồng sự của mình đang làm những căn nhà gỗ để tặng cho những người nghèo của vùng.
Ông chia sẻ, ngày trước nhà ông cũng nghèo lắm, nhưng nhờ có được gần 20 công ruộng, cả gia đình chăm chỉ làm ăn nên dần thoát ra khỏi cái nghèo. Đến lúc có được mái nhà tươm tất, ông cảm thấy hạnh phúc lắm, từ đó, mong muốn được làm điều gì đó giúp mọi người bớt khổ nhen nhóm trong ông.
Năm 2011, ông Liếp có vườn bạch đàn đến tuổi lấy gỗ. Vườn ấy đem bán cũng được lời lãi vài chục triệu đồng. Cũng năm đó, ông thấy có người trong xóm phải sống trong căn nhà lá xiêu vẹo, có thể sập bất cứ lúc nào, liền bảo, họ cần bao nhiêu gỗ làm nhà, cứ tự vào vườn ông xẻ xuống. Sau đó, tiếng lành đồn xa, nhiều người nghèo cũng vào vườn ông Liếp xin gỗ về dựng lại căn nhà. Không lần nào ông Liếp từ chối.
Đến lúc vườn bạch đàn hết, ông Liếp còn bỏ tiền túi ra để mua gỗ về, tự tay đẽo gọt để tặng cho bà con nghèo. Cái duyên làm nhà từ thiện của ông cũng bắt đầu từ ấy. Những năm đầu, ông làm được cả 40 – 50 căn nhà tặng cho người nghèo, nhưng những năm sau số lượng ít đi hơn, bởi nguồn kinh phí cũng eo hẹp dần.
Ông Liếp không làm một mình. Có nhiều người thấy ông mở xưởng làm nhà để tặng cho người nghèo nên cũng xin vào làm. Mọi người hàng ngày vẫn làm công việc của riêng mình, nhưng khi có thời gian rảnh là lại đến xưởng góp công sức giúp bà con. Ở tổ mộc của ông Liếp, người thợ già nhất là ông Nguyễn Văn Hiệp, 70 tuổi. Ở cái tuổi tưởng chừng đã có thể nghỉ ngơi, ông Hiệp vẫn còn rất yêu lao động và rất muốn góp công giúp người.
Cách tổ mộc của ông Liếp chừng vài cây số, còn có xưởng mộc của ông Kiềm ở Đồng Bình. Ông Kiềm gắn bó với nghiệp dựng nhà cho người nghèo cũng đến 15 năm.
Ông Kiềm kể, một lần đi bốc thuốc Nam, ông chứng kiến cảnh người con trai say xỉn mà ra tay đánh mẹ. Sự bê tha và hành động bất hiếu ấy khiến ông đau lòng, bởi tất cả đều xuất phát từ cái nghèo. Lòng thương xót thôi thúc ông giúp đỡ gia đình đó dựng lại căn nhà gỗ, thay cho căn nhà lá liêu xiêu của họ. Lần giúp đỡ đó là cơ duyên để ông bắt đầu nghiệp đi giúp người “an cư” của mình.
Trong 15 năm ấy, ông đã trao tặng được hơn 300 căn nhà gỗ cho những người khó khăn của vùng và 6 tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ông Kiềm cho biết, con số đáng mừng ấy là công sức không chỉ của riêng ông. Các nhà hảo tâm gần xa góp tiền, còn hơn 20 người trong tổ mộc của ông tự nguyện góp ngày công của mình.
Đáng quý nhất là các con cái trong nhà đều ủng hộ cha làm việc thiện. Ban đầu khi ông mới làm công việc này, ai nấy trong gia đình cũng phản đối. Nhưng dần dần mọi người đều hiểu ra ý nghĩa công việc mà ông Kiềm làm. Đến giờ thì tiền mua gỗ là ông quay vòng xin của các con. Con cái ông Kiềm đều có mỗi người hơn 20 công ruộng. Họ đều sẵn sàng cùng cha giúp cho những người khác bớt khổ.
Tai nạn cũng không nản lòng
Bên cạnh ông Liếp và ông Kiềm, phường Tân Lộc còn có một người làm mộc có tấm lòng thiện lương khác là ông Chiểu. Ông Chiểu cũng bắt đầu nghiệp dựng nhà đem tặng cho người khác cũng đã được hơn 10 năm. Công việc này tưởng chừng chỉ nhọc gân cốt, nhưng với ông Chiểu, nó đã có lần khiến tính mạng nguy nan.
Đó là vào một ngày tháng 10 âm lịch năm 2017, khi bốc gỗ mua của người ta để đưa về xưởng, đồng nghiệp của ông không trụ được nên cả khúc gỗ nặng đè trúng người ông Chiểu. Thấy ông bất tỉnh, mọi người sợ lắm vì tưởng ông không qua khỏi. May thay, một lúc sau, ông tỉnh và được nhanh chóng đưa đi cấp cứu.
Nhưng bị gỗ đè nên ông Chiểu bị trấn thương cột sống. Nằm ở viện một thời gian, ông xin về nhà để chữa bằng thuốc Nam. Bản thân giúp người, nhưng ông Chiểu lại có những khó khăn riêng. Nhưng suốt quá trình chữa trị, ông uống thuốc nam mà không có tác dụng. Người ngày càng phì ra mà cái đau cũng không thuyên giảm. Chỉ mãi đến gần đây, ông mới quay lại bệnh viện khám, bác sĩ nói rõ phải phẫu thuật. Khi được hỏi, tại sao lại để bệnh lâu thế, ông mới thú thật là vì không có điều kiện. Tiền của trong nhà ông đem ra làm nhà cho bà con rồi, còn tiền các nhà hảo tâm thì ông không bao giờ đem ra xài cho chuyện của bản thân mình.
Tổn thương thân thể này không khiến ông Chiểu nản lòng. Trong thời gian nằm dưỡng bệnh, ông Chiểu vẫn thường gọi điện, đốc thúc anh em trong tổ làm việc để dựng nhà cho bà con. Từ khi ông bị nạn, tổ mộc của ông vẫn sản xuất đều, đã dựng được mười mấy căn nhà cho những người đang khó.
Không chỉ mình ông Chiểu, ông Kiềm cũng đã nhiều lần gặp tai nạn khi xẻ gỗ, có lần ông bị gãy 3 cái xương sườn. Ông bỏ cơm ba ngày, nhưng khi chữa trị xong, vết thương lành, ông lại về ngay xưởng để làm việc cùng mọi người. Dường như không điều gì có thể ngăn những người thợ mộc này giúp đỡ những người khác.
Những căn nhà góp thêm yên ấm cho những mảnh đời
Ông bà ta xưa vẫn thường có câu “An cư lạc nghiệp”. Có được một nơi chốn an toàn, vững chãi để sinh sống sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp một gia đình bớt đi những nỗi lo, để chí thú làm ăn.
Chị Nguyễn Thị Kim Phượng (44 tuổi, nhà ở khu vực Đông Bình) là một trong những người may mắn như vậy. Cuộc sống nghèo của chị càng thêm vất vả khi chồng chị mắc phải căn bệnh thoái hóa cột sống, không còn có thể lao động. Cả gia đình phải sống trong căn nhà lá liêu xiêu. Nhưng tiền bạc đều phải dồn vào để con cái được học hành, nên nhà chị vẫn sống hàng ngày trong nỗi lo nhà sập. Ngôi nhà mà ông Kiềm tặng vì thế đã trở thành món quà quý giá đối với gia đình chị. Căn nhà đã mang đến sự yên ổn cho gia đình, dù những khó khăn vẫn còn hiện hữu.
Ông Kiềm có lần còn tặng nguyên căn nhà cho người con trai lớn của một gia đình nghèo, để anh có thể ra ở riêng khi thành gia thất. Căn nhà là món quà lớn đối với đôi vợ chồng mới cưới. Cảm động trước món quà của ông Kiềm, cha của chàng trai đã xin gia nhập vào xưởng mộc của ông Kiềm, góp công sức để tiếp tục mang đến niềm hạnh phúc cho những người nghèo khổ khác.
Cuộc sống này phải chăng đơn giản lắm, khi mình thoát được cái nghèo rồi, việc cần làm không phải là làm giàu tiếp cho bản thân, tăng sự hưởng thụ của mình. Mà khi ấy, mình có thể mở tấm lòng, hướng tầm nhìn ra rộng hơn để biết rằng còn nhiều lắm những người cần đến bàn tay, khối óc và trái tim ấm nóng của mình. “Vì người khác” phải chăng chính là một động lực lớn lao để con người tiếp tục cố gắng, học hỏi và cống hiến mỗi ngày. Đó phải chăng mới là một phần ý nghĩa đích thực của cuộc sống này?
Hy Văn