Đại Kỷ Nguyên

Những sai lầm khi nấu cháo ăn dặm nhiều mẹ vẫn làm khiến con suy dinh dưỡng, chậm lớn

Bé đang trong quá trình ăn dặm thì cháo là món không thể thiếu, chỉ cần mẹ nấu một tô cháo ngon, bắt mắt sẽ khiến bé háo hức thèm ăn. Nhưng có rất nhiều mẹ mắc sai lầm khi nấu cháo cho bé mà không biết, nếu kéo dài thời gian sẽ làm chậm sự phát triển cũng như gây hại cho sức khỏe của bé.

Cụ thể trường hợp của chị Nguyễn Thu Hòa chia sẻ với phóng viên báo Zing về những sai lầm trong cách nuôi con mà chị tin nhiều bà mẹ mắc phải. 

“Tôi cho con gái ăn dặm từ khi 6 tháng. Tôi tìm hiểu để thay đổi thực đơn liên tục mong con ăn ngon miệng hơn. Chẳng hạn:

Thứ hai: Thịt gà + rau xanh; thịt nạc xay + cà rốt

Thứ ba: Cá chép sốt cà chua, thịt bò + rau xanh

Thứ 4: Chim cút hầm khoai tây, cà rốt, bỏ thêm chút rau cần tây

Thứ 5: Thịt nạc, đậu phụ, rau xanh

Thứ 6: Lươn phi thơm cùng cà chua, hành hoa, rau xanh

Thứ 7: Thịt gà, bí đỏ, khoai lang

Ảnh: Eva.

Với thực đơn này, con gái tôi vẫn ăn hết cháo nhưng ăn một cách cưỡng ép, không ngon miệng. Tôi quan sát và tự phát hiện nguyên nhân bắt nguồn từ cách nấu cháo của mình.

– Trước đây, tôi thường cho tất cả rau, củ, quả và thịt, cá vào nồi cùng lúc. Một lần, vô tình được xem chương trình truyền hình hướng dẫn cách cho con ăn dặm, tôi nhận ra đây là sai lầm. Nước cốt rau củ tan vào cháo ngay từ đầu sẽ khiến cháo bị nồng, trẻ khó ăn, đồng thời lượng vitamin có trong rau củ cũng bị hao hụt.

Cách làm đúng là khi cháo và thịt, cá chín mới cho nước cốt rau hoặc rau đã băm nhỏ vào, nấu sôi, sau đó, nhấc xuống để nguội cho bé ăn.

– Khi nấu cháo cho con, tôi không cho dầu ăn vì sợ con ngán. Song, theo các chuyên gia, trước khi nhấc nồi cháo khỏi bếp, các mẹ nên nêm thêm 1-2 thìa dầu ăn hoặc mỡ động vật, hòa vào cháo.

Đó như một thứ “dẫn xuất” để hòa tan các vitamin có trong rau củ, khiến bé hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn. Bác sĩ còn tư vấn khi dùng dầu ăn cho trẻ nên dùng đa dạng, không chỉ dùng một loại duy nhất. Phụ huynh cần lựa chọn loại dầu phù hợp, chú ý dùng các loại dầu một cách cân đối nhất.

Sau khi nhận ra hai sai lầm của mình, tôi thay đổi cách nấu cháo cho con theo hướng dẫn của bác sĩ trong chương hình truyền hình trên. Tôi cũng lên mạng tham khảo các món lạ miệng, ngon để thay đổi khẩu vị cho con. Tôi cho thêm phô mai giúp cháo thêm thơm ngon và nhiều canxi hơn”.

Ngoài hai lý do của chị Thu Hòa thì các mẹ nên lưu ý những sai lầm tương tự dưới đây

Chỉ nấu cháo bằng nước xương hầm

Nhiều mẹ có quan điểm, trong nước hầm xương đã chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho con, đặc biệt là canxi giúp con cứng cáp hơn. Nhưng thực tế thì việc hầm xương chỉ có tác dụng cho vị ngọt và mùi thơm. Những chất đạm vẫn còn trong xác thịt, xương. Do vậy, nên cho trẻ ăn cả xác lẫn nước để đề phòng suy dinh dưỡng vì thiếu chất.

Khi nấu cháo bằng nước xương mẹ vẫn phải nấu cho bé ăn cả phần cái (xác) của thực phẩm bằng cách băm nhuyễn, cắt nhỏ, nấu mềm… và một tuần mẹ chỉ nên ninh xương nấu cháo cho con từ 1-2 lần để bé không chán ăn. Và mẹ nhớ nên bé ăn uống đa dạng, đổi món thường xuyên là cách tốt nhất để bé nhận được nhiều loại chất dinh dưỡng mà không bị ngán.

Thêm ngũ cốc vào cháo

Một số mẹ luôn đặt nặng áp lực về việc con tăng cân, do đó tìm mọi cách để bổ sung dinh dưỡng cho bé nhưng lại phạm phải nhiều sai lầm.Trong những sai lầm nhiều mẹ hay mắc khi nấu cháo ăn dặm cho con là cho thêm ngũ cốc vào cháo.

Ngũ cốc tuy giàu dinh dưỡng nhưng lại không phù hợp với hệ tiêu hóa non yếu của trẻ. Khi thêm ngũ cốc vào cháo ăn dặm của trẻ, mẹ vô tình khiến con gặp các vấn đề về tiêu hóa, dẫn đến kém hấp thu dinh dưỡng làm con chậm lớn, trí não kém phát triển.

Nấu cháo nhiều một lần để ăn cả ngày

Vì việc nấu cháo mất khá nhiều thời gian, nên nhiều mẹ thường tiện nấu cho con nồi cháo lớn để ăn cả ngày cho đỡ mất công. Tuy nhiên, mẹ nên biết rằng ở điều kiện nhiệt độ bình thường, cháo chỉ có thể để trong vòng 2 giờ đồng hồ là đã bắt đầu có dấu hiệu ôi thiu. Còn bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, các vi sinh vật gây ôi thiu trong thịt sẽ tồn tại ở dạng bào tử để chờ đợi cơ hội phát triển lại, nên trước khi cho con ăn, mẹ nên đun sôi lại cháo để tiêu diệt những bào tử này.

Cho bé ăn quá mặn

Một sai lầm khi nấu cháo cho bé là thêm quá nhiều gia vị. Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo rằng việc ăn quá nhiều muối có thể dẫn đến bệnh huyết áp cao, đau tim, đột quỵ và cũng là nguyên nhân dẫn đến sức khỏe không tốt khi còn nhỏ.

Nhiều mẹ khi nấu cháo cho bé có tư tưởng nêm nếm vừa miệng của mẹ. Nhưng thực tế, đây là sai lầm cực kỳ nghiêm trọng vì điều này sẽ khiến còn dễ bị đau bụng và khó chịu ở dạ dày bé. Tình trạng kéo dài, rất dễ khiến con bị biếng ăn, thậm chí suy dinh dưỡng, do bé không hấp thụ được.

Ngoài ra mẹ không nên cho trẻ ăn quá nhiều thức ăn sẵn như khoai tây chiên giòn, bim bim, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp… để tránh việc bé bị nạp quá nhiều muối vào cơ thể.

Video xem thêm: Có một tình yêu dịu dàng bền bỉ không nguôi, mà đôi khi ta quá vô tình rồi…

Exit mobile version