Tỏi là loại gia vị rất tốt cho sức khỏe, tuy vậy có những thực phẩm rất kỵ với tỏi, nếu kết hợp sẽ gây ảnh hưởng xấu.
Tỏi là một trong những gia vị không thể thiếu ở góc bếp mỗi gia đình. Tỏi không chỉ giúp món ăn thêm phần hấp dẫn, mà còn có tác dụng trị bệnh, mang lại vận khí tốt và xua đuổi khí độc cho gia chủ.
Theo Đông y, tỏi có vị cay, tính ôn, hơi độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn; chữa khí hư, tiểu tiện khó, bụng trướng đầy, tiêu nhọt, đờm và hạch ở phổi, tẩy uế.
Tỏi giúp phục hồi alycin, một hợp chất tự nhiên trong cơ thể có tác dụng chống ung thư, giảm cholesterol, giảm huyết áp, có khả năng giết 60 loại nấm độc, đồng thời làm phát triển 20 loại vi khuẩn có ích đối với phụ nữ mãn kinh.
Mặc dù rất tốt cho sức khỏe, nhưng tỏi không thể ăn tùy tiện theo sở thích. Có những thực phẩm rất kỵ với tỏi, nếu kết hợp với nhau chúng có thể nguy hại đến sức khỏe.
Những thực phẩm kỵ với tỏi
Thịt chó: Bạn có thể ăn thịt chó với riềng, sả, gừng, nhưng tuyệt đối không thể ăn với tỏi. Bởi tỏi có tính cay và nóng rất kỵ với thịt chó nhiều đạm, dễ gây chướng bụng, tả lị.
Trứng: Ăn trứng cùng với tỏi có thể biến thành chất độc gây hại cho cơ thể. Theo BS. An Thị Kim Cúc, nguyên Phó chủ nhiệm Khoa sức khoẻ cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, khi tỏi được chiên cháy sém sẽ tạo ra một chất rất độc.
Cá trắm: Cá trắm là thực phẩm bổ dưỡng, rất ngon, thịt chắc, song trong quá trình chế biến, bạn chỉ nên ướp cá trắm với thì là và gừng, không nên sử dụng tỏi. Nguyên nhân là, cá trắm có tính bình, vị ngọt không phù hợp với tỏi, nếu cho tỏi vào dễ dẫn đến chướng bụng, dễ sinh ra giun sán…
Cá diếc: Đây là món ăn rất hấp dẫn khi kho mặn, rán giòn, nấu canh chua… Thực phẩm này có tác dụng thông huyết mạch, bổ thể nhược, bổ âm huyết, ích khí tiện tì, thanh nhiệt giải độc, thông mạch hạ sữa, lợi tiểu tiêu sưng, khử phong thấp, tốt cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, bạn không nên nấu cá diếc với tỏi, vì chúng kiêng kỵ lẫn nhau. Nếu ăn chung cá diếc và tỏi có thể làm tăng co giật đường tiêu hóa.
Xoài: Tỏi ăn với xoài (gỏi xoài) có thể làm vàng da.
Khi nào thì không nên ăn tỏi?
Trang QQ đã tổng hợp lại những trường hợp không nên ăn tỏi vì ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Khi sử dụng thuốc: Giống như ớt và nhiều loại gia vị cay khác, tỏi có một vài tác dụng phụ đối với những người bị bệnh nặng và đang sử dụng thuốc. Trong trường hợp đang uống một số loại thuốc như thuốc chống đông máu, thuốc điều trị HIV/AIDS…, người bệnh không nên ăn tỏi, vì nó có thể tạo ra một số tác hại cho sức khỏe.
Khi đói bụng: Ăn tỏi lúc đang đói hoặc chỉ ăn tỏi mà không ăn kèm các loại thực phẩm khác thì rất dễ dẫn đến loét dạ dày. Bởi chất allicin (một thành phần của tỏi) dễ khiến cho tính kháng sinh trong tỏi phát tác, dẫn đến nóng trong dạ dày.
Bệnh tả: Mặc dù có lợi cho dạ dày nhưng đối với những người mắc bệnh tả, tỏi lại lại là thực phẩm nên tránh xa. Đó là bởi allicin trong tỏi làm tăng sự kích thích thành ruột, dẫn tới tình trạng nghẽn mạch máu, phù nề, có thể khiến bệnh tình trở nặng hoặc xảy ra biến chứng không mong muốn.
Huyết áp thấp: Những người bị huyết áp nên hạn chế tỏi, tiêu thụ tỏi nhiều thường làm giảm huyết áp, thậm chí đến mức nguy hiểm.
Những lưu ý khi chế biến tỏi
Lương y Đinh Công Bảy hướng dẫn: “Tỏi có thể ăn tươi hoặc nấu chín. Ăn đúng cách là băm tỏi thật nhuyễn, đặt trong không khí 10-15 phút mới ăn hoặc chế biến. Vì trong tỏi không có allycin tự do, chỉ sau khi băm nhuyễn, dưới tác dụng của enzyme thì tỏi mới phóng thích ra chất allycin. Tỏi băm nhuyễn, dù nấu chín vẫn bảo tồn được 60% tác dụng dược lý.
Nhiều người do không biết đã chế biến tỏi ngay sau khi đập dập hoặc xắt nhỏ. Nhưng để tận dụng tối đa lợi ích của tỏi, chúng ta nên đập tỏi ở nhiệt độ phòng trước khi chế biến 15 phút. Khi đó, các enzyme có thời gian để tăng cường hiệu quả của các hợp chất có lợi cho sức khỏe trong tỏi”.
Không nên lạm dụng tỏi
Tỏi được xếp vào nhóm gia vị cay, ăn nhiều có thể làm mất tính cân bằng trong môi trường dạ dày, dẫn tới chứng chán ăn, mệt mỏi, giảm cân, thậm chí còn ảnh hưởng tới thận, tổn thương khí huyết và tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới. Tỏi tuy tốt, nhưng không nên ăn quá nhiều hoặc quá thường xuyên.
Theo các nhà dinh dưỡng, mỗi ngày ăn khoảng 10g tỏi là tốt nhất và tỏi sẽ phát huy công dụng trị bệnh hữu hiệu.
Video xem thêm: Người thông minh phải biết ở đời đâu là điểm dừng