Ngày 11/3 hàng năm, người dân Thế giới lại nhớ về trận động đất sóng thần Tohoku kinh hoàng đã khiến Nhật Bản rơi vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh Thế giới thứ II. Cả thế giới đã được tận mắt chứng kiến một trong những “cơn thịnh nộ” đáng sợ nhất của tự nhiên cùng những nỗ lực phi thường của chính phủ cũng như người dân đất nước mặt trời mọc.
Trận động đất có sức tàn phá ghê gớm nhất hành tinh kể từ năm 1900 đến nay
Vào lúc 14h46 ngày 11/3/2011, trận động đất mạnh 9 độ richter xảy ra ngoài khơi phía Đông Bắc Nhật Bản đã kéo theo cơn sóng thần lan dọc bờ biển Thái Bình Dương và ảnh hưởng đến ít nhất 20 quốc gia, bao gồm cả bờ biển phía Tây của Bắc và Nam Mỹ. Đây là mức kỷ lục trong lịch sử nước này và là 1 trong 5 trận động đất mạnh nhất trong lịch sử thế giới.
Chỉ trong vài phút ngắn ngủi, hàng trăm nghìn người mắc kẹt trong biển nước. Nhưng tai họa chưa dừng lại ở đó. Những cơn sóng cao đến 15 mét cùng với dư chấn của trận động đất đã gây tổn hại và làm ngừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, Fukushima 2, Onagawa và Tokai. Các thành phố phải luân phiên cắt điện do bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy nổ ở nhà máy điện hạt nhân. Nghiêm trọng hơn, cơ quan truyền thông ghi nhận 2 vụ nổ lớn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 gây ra hiện tượng rò rỉ phóng xạ. Mức độ phóng xạ bên ngoài nhà máy gấp 8 lần bình thường dẫn đến việc hàng trăm nghìn người đã phải sơ tán.
Thảm họa đã phá hủy gần 90% công trình dân sự ở các địa điểm này và khiến cho hơn 73.000 người phải sống tạm bợ trong các khu nhà cứu trợ hay phải di chuyển sang các vùng khác. Chính phủ Nhật Bản cho biết, tổn thất ước tính do sóng thần và động đất tàn phá miền Đông Bắc có thể lên đến 309 tỉ USD. Ngân hàng Thế giới đưa ra mức thiệt hại là 235 tỉ USD. Đây là kỉ lục thế giới về thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thống kê cho thấy, 15.893 người thiệt mạng, 6.152 người bị thương, 2.572 người mất tích và hơn 125.000 công trình nhà cửa bị phá hủy hoàn toàn. Hệ thống đường giao thông, cầu cảng cùng hệ thống điện, nước tại 18 tỉnh Đông Bắc bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều gia đình phải sống trong tình trạng không có điện nước trong nhiều tuần liền. Nhu cầu cuộc sống thiết yếu của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào công tác cứu trợ và các hoạt động nhân đạo.
7 năm trôi qua nhưng nỗi đau về thảm họa động đất, sóng thần lịch sử vẫn ám ảnh người dân Nhật Bản, tính đến ngày 13/2, toàn nước Nhật vẫn còn 2.500 người mất tích, 73.349 người sống trong các nhà tạm trú, nhiều gia đình ly tán vẫn chưa thể gặp lại nhau cũng như không có cách nào trở lại quê hương.
Chỉ có thể là “tinh thần Nhật Bản”
Năm 2013, Philippines hứng chịu cơn bão Haiyan với gần 1.800 người thiệt mạng. Công tác cứu trợ cho Philippines gặp rất nhiều khó khăn do đường xá, sân bay bị hư hỏng nặng. Số lượng nước uống, thực phẩm không đủ cung cấp cho người dân dẫn tới tình trạng hỗn loạn, cướp bóc, hôi của tại các siêu thị hay cửa hàng tạp hóa liên tiếp xảy ra. Chính phủ Philippines phải huy động khoảng 300 cảnh sát và binh sĩ cùng một xe bọc thép để chấm dứt nạn cướp bóc này. Sự đói kém đã đẩy người dân đến đường cùng, họ tìm mọi cách để duy trì cuộc sống. Không ai trách họ quá nhiều, bởi vì trong hoàn cảnh đó, bản năng sinh tồn sẽ trỗi dậy mạnh mẽ nhất.
Vậy nên, khi nhìn sang Nhật Bản, người ta mới càng cảm phục sự bình tĩnh đến ngạc nhiên của người dân xứ sở hoa anh đào – những người từng trải qua thảm họa kép động đất, sóng thần khủng khiếp hơn nhiều lần. Có lẽ, bài học về cách xử lý, ứng phó của người dân Nhật Bản sau thảm họa vẫn chưa bao giờ là cũ.
Những hình ảnh sau động đất được truyền đi khắp thế giới: đất nước Nhật Bản hoang tàn, kiệt quệ đến nhói lòng nhưng người ta không nhìn thấy quá nhiều sự đau thương, tang tóc, vật vã đau khổ của người dân mà trên hết là tinh thần đoàn kết, sự lạc quan đáng nể không phải quốc gia nào cũng có được.
Không một cảnh “đục nước béo cò”, trộm cướp, hôi của; dù rất đói, rất khát, người dân Nhật vẫn xếp hàng để chờ được nhận lương thực cứu trợ theo thứ tự. Mọi người chia nhau từng miếng ăn, ngụm nước, động viên nhau, chẳng thấy một tiếng phàn nàn hay oán trách. Các siêu thị của Nhật cũng giảm giá mạnh, thay vì tăng giá trong lúc khó khăn để trục lợi.
Trên sân ga giá lạnh, những người mệt mỏi chờ tàu khi hệ thống giao thông tê liệt chợt ấm lòng khi được những người vô gia cư mang thùng các tông đến trải ra cho họ ngồi đỡ lạnh. Người Nhật ngồi dọc theo các hành lang lên xuống, nhưng vẫn đảm bảo khoảng giữa trống cho người khác đi lại. Thậm chí khi đến cột đèn xanh đỏ, mọi người vẫn đứng chờ đèn hiệu một cách trật tự mà không hề hoảng loạn. Tất cả mọi thứ đều rất tồi tệ nhưng thế giới vẫn nhận thấy ở người Nhật ánh lên niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống.
Những hy sinh lặng lẽ, âm thầm
Sau thảm họa kép, người dân Nhật Bản tiếp tục đón nhận thêm hậu quả kinh hoàng khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima phát nổ làm sập tòa nhà chứa lò phản ứng, gia tăng lo ngại lõi lò phản ứng bị tan chảy, gây thảm họa phát tán phóng xạ.
Trong hoàn cảnh đó, 50 công nhân đã tình nguyện ở lại cứu nhà máy Fukushima để ngăn chặn tình trạng phóng xạ đang lan tràn, bất chấp việc làm này vô cùng nguy hiểm đến tính mạng. Họ được tôn vinh là những samurai cảm tử thời hiện đại.
“Chồng tôi ở lại dù biết anh ấy có thể nhiễm bụi phóng xạ. Anh ấy gửi thư điện tử cho tôi để nói rằng hãy cố gắng sống tốt”, một phụ nữ Nhật chia sẻ trên ABC News.
Đài truyền hình Nhật Bản cũng từng công bố nội dung thư điện tử của một cô con gái nói về bố mình: “Cha tôi vẫn đang làm việc trong đó. Ông và các đồng đội không còn thức ăn. Tình hình rất khó khăn. Cha tôi nói ông chấp nhận số phận”.
Mẹ của một trong số những công nhân cũng chia sẻ: “Con trai tôi và đồng nghiệp của nó đã nói nhiều tới cái chết và bản thân họ đã chấp nhận điều này nếu cần để bảo vệ đất nước”.
Ngày 24/3/2011, Nghị viện châu Âu gửi thông điệp bày tỏ “ngưỡng mộ trước lòng dũng cảm và quyết tâm của nhân dân và chính quyền Nhật Bản trong xử lý tình hình”. Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Yoshihiko Noda tuyên bố: “Mục đích của chúng tôi không đơn thuần chỉ tái thiết Nhật Bản như trước ngày 11/3/2011, mà sẽ xây dựng một nước Nhật Bản mới”. Ông còn khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm vượt qua thách thức lịch sử này”.
7 năm sau thảm họa kép kinh hoàng, Nhật Bản đã và đang hồi sinh mạnh mẽ. Những ngôi nhà, những con đường mới mọc lên thay thế quang cảnh đổ nát. Đời sống người dân dần ổn định và cải thiện hơn nhiều. Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng quyết tâm và ý chí của chính phủ và người dân trong việc tái thiết đất nước sau động đất, sóng thần đã thể hiện tinh thần Nhật Bản, khiến cộng đồng quốc tế cảm phục.
Giữa ranh giới sự sống và cái chết, tinh thần cao thượng và lòng dũng cảm của người dân và chính phủ Nhật Bản đã trở thành liều thuốc kỳ diệu hồi sinh đất nước và tạo nên phép màu khiến cả thế giới phải nghiêng mình thán phục. Thảm họa thiên nhiên có thể vô cùng kinh khủng, nhưng điều đó vẫn chẳng thể nào cướp đi “tinh thần Nhật Bản” trong sâu thẳm sinh mệnh mỗi người dân xứ sở Phù Tang.
Hiểu Minh