Đại Kỷ Nguyên

Nỗi đau tột cùng của người mẹ có con trai đuối nước vì cứu bạn

Ảnh chụp màn hình báo Dân Trí

Dù đã học lớp 5 nhưng cậu bé Lê Trọng Chiều (huyện Yên Mô, Ninh Bình) có thân hình gầy gò, sức khỏe yếu ớt chỉ như học sinh lớp 3, lớp 4. Gia đình thiếu thốn, Chiều không được cha mẹ chăm sóc như bao bạn bè cùng lứa, nhưng đổi lại em rất chăm ngoan, lễ phép.

Từ ngày bố mất, Chiều trở thành người đàn ông duy nhất trong nhà, là chỗ dựa tinh thần cho người mẹ bất hạnh. Nào ngờ đâu, số phận em quá ngắn ngủi, cậu học trò nghèo mới 11 tuổi đã ra đi trong một buồi chiều hè, không kịp nhắn gửi lại cho mẹ và chị gái được nửa lời.

Chiều 30/5, mẹ vắng nhà, Chiều cùng vài bạn đến nhà một người bạn gần đó chơi. Trời nắng nóng, có 3 em đã rủ nhau xuống ao tắm. Chiều vốn ốm yếu lại sợ nước nên ở trên vườn chơi, không dám xuống tắm.

Trong lúc 3 bạn đang tắm, một cậu bé lớp 4 trượt chân ngã xuống ao, đúng chỗ nước sâu. Thấy cậu bé vùng vẫy, kêu cứu, Chiều liền lao xuống cứu giúp. Khi Chiều đẩy được em vào bờ cũng là lúc em đã bị kiệt sức, sa chân vào chỗ nước sâu lút người dẫn đến bị đuối. Em được mọi người vớt lên đưa đi cấp cứu nhưng không thể qua khỏi và tử vong.

Ảnh chụp màn hình báo Dân Trí.

Đang đi lấy thuốc từ Thanh Hóa về nhận được tin con trai bị đuối nước, chị Hiên như rụng rời chân tay, ngất lên ngất xuống. Người phụ nữ năm nay mới ngoài 40 nhưng những nỗi nhọc nhằn hằn rõ trên khuôn mặt khiến chị như già hơn cả chục tuổi. Kể từ khi con mất, chị sống trong tuyệt vọng, chẳng còn thiết điều gì trên đời.

Mỗi lúc nhớ con trai, chị khóc rên lên những tiếng đau xót khiến ai nấy không sao cầm được lòng. Có lúc, chị quỵ ngã trước di ảnh đứa con tội nghiệp còn quá ngây thơ.

Chỉ cách đây ít tháng, chị đã phải chia lìa người chồng mà chị đã gắn bó hơn 20 năm qua. Chưa kịp nén nỗi đau mất chồng, giờ nỗi đau mất con lại ập đến khiến chị chẳng còn thiết sống trên cõi đời vô nghĩa này.

Ảnh chụp màn hình báo Dân Trí.

Vợ chồng chị Hiên lấy nhau hơn hai chục năm nhưng gia đình lúc nào cũng trong diện hộ nghèo. Năm 2010, khi Chiều vừa chào đời được 4 tháng thì cha không may bị tai nạn. Chị Hiên lại phải bồng con thơ vào viện chăm chồng. Chạy vạy vay mượn chữa trị khắp nơi nhưng anh vẫn không thể khỏi bị liệt tủy sống, phải sống đời thực vật.

Có lẽ chính vì hoàn cảnh gia đình éo le mà Chiều trưởng thành và hiểu chuyện từ rất sớm. Lúc bố còn sống, một mình em ở nhà nấu cơm, dọn dẹp, chăm sóc chu đáo cho bố bệnh nặng liệt giường. Chiều không bao giờ đi chơi xa, em luôn túc trực cạnh bố để lấy nước, giúp bố đi vệ sinh… Sau khi bố mất, thấy mẹ và chị buồn nên Chiều luôn ở bên cạnh an ủi. Em còn hứa với mẹ sau này lớn lên sẽ đi làm kiếm tiền nuôi mẹ già.

Ảnh chụp màn hình báo Dân Trí.

Căn nhà nhỏ chị Hiên cùng các con chỉ rộng chưa đầy chục mét vuông, chỉ để được chiếc giường cùng chiếc bàn nhỏ. Chiếc bàn cùng mấy ghế nhựa kê tạm ngoài sân cũng đi mượn để mọi người đến thăm hỏi động viên có chỗ ngồi.

Không còn chỗ trong nhà, chị Hiêm đành để bàn thờ, di ảnh của chồng, con trai ở bên góc nhà. Ai vào cũng buồn tủi, thương xót cho gia đình chị. Số phận không cho chị Hiên một ngày thảnh thơi. Ngoài làm hơn một mẫu ruộng, ai thuê gì chị làm nấy, từ phụ hồ, đội bê tông, rửa bát, lấy bùn thuê… miễn sao có tiền lo cho gia đình. Nhưng giờ đây chồng và đứa con trai mới hơn 10 tuổi của chị đã chia lìa thế gian. Chị biết sống sao với những ngày sắp tới…?

Niềm an ủi lớn nhất với chị bây giờ đó là, dù Chiều đã đi xa mãi nhưng tấm lòng thơm thảo, sự dũng cảm của con khiến cho chị tự hào nén lại nỗi đau mà sống tiếp. Chiều mất đi nhưng đã làm được một việc vô cùng ý nghĩa, cao cả để không chỉ chị, mà tất cả mọi người luôn đầy tự hào về cậu bé Lê Trọng Chiều dũng cảm quên mình cứu bạn.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Chị Phạm Thị Hiên. Tổ dân phố Cổ Đà, thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. ĐT: 0795118070

Video xem thêm: Nỗi sợ hôn nhân, ai mà không có?

Exit mobile version