Tháng 7/1967, nhiếp ảnh gia Rocco Morabito đã chụp được một bức ảnh để đời khi đang tác nghiệp trên đường phố New York, Mỹ. Ông đặt tên cho nó là “Nụ hôn của Sự sống”.
Thời điểm đó, Rocco Morabito tình cờ chứng kiến cảnh tượng hiếm có: công nhân điện J.D. Thompson đang hô hấp nhân tạo cho đồng nghiệp của mình – Randall G. Champion ở trên không sau khi người này chạm vào đường dây điện cao thế.
Được biết, khi hai người đang thực hiện bảo dưỡng định kì trên ngọn của một cột điện cao thế, không may, Champion chạm tay vào đường dây điện hơn 4.000 volts khiến anh bị giật. Tim trở nên ngừng đập và bất tỉnh. Nhờ dây đai an toàn nên anh không bị rơi xuống.
Trong lúc đó, Thompson đang trên đường xuống. Anh phát hiện ra tình hình nguy cấp của bạn đồng nghiệp và đã nhanh chóng thực hiện việc hô hấp bằng miệng.
Bởi vì đang ở trên không nên Thompson không thể cấp cứu bằng CPR (ấn vào lồng ngực để hồi phục tim). Anh liên tục thổi vào phổi của Champion cho đến khi cảm thấy một sự giật nhẹ từ người bạn. Sau đó, Thompson vội tháo dây đai an toàn cho đồng nghiệp, đỡ anh bạn trên vai và đưa cả hai xuống. Ở độ cao như vậy, việc đưa một người đàn ông đang hôn mê xuống mặt đất thật khó khăn biết bao, nhưng may mắn là Thompson đã làm được.
Xuống đến mặt đất, Thompson và một công nhân khác tiếp tục thực hiện hô hấp nhân tạo cho Champion và anh gần như đã sống lại cho đến khi xe cấp cứu tới. Ơn Chúa, cuối cùng Champion đã hoàn toàn bình phục.
Năm 1968, nhờ bức ảnh “Nụ hôn của Sự sống”, Rocco Morabito đã đoạt giải Pulitzer, giải thưởng tôn vinh những tác phẩm ảnh xuất sắc của nhà báo. Bức ảnh sau đó được đăng trên khắp các tờ báo toàn thế giới.
***
Bức ảnh này sở dĩ có sức lan toả lớn đến vậy, theo tôi, chính bởi thông điệp đặc biệt của nó. Nụ hôn giữa Thompson và Champion không phải là của những người yêu nhau, cũng không phải nụ hôn dành cho gia đình hay bạn bè – không có một chút vị tư nào trong đó cả. Đó là một nụ hôn cao thượng, thuần khiết. Đó là nụ hôn của sự sống, và nó dành cho cuộc sống!
Ở trong hoàn cảnh nguy cấp và nguy hiểm đến vậy, Thompson không có thời gian để cân nhắc bất cứ điều gì, anh càng không có cơ hội cho bất cứ một suy nghĩ chần chừ nào, anh làm tất cả bằng bản năng của một con người, để cứu sống người đồng nghiệp của mình. Bởi mỗi con người đều có khao khát được sống, và trong sâu thẳm mỗi sinh mệnh đều có phần thiện lương thuần khiết không gì có thể phá trừ, nên trong khoảnh khắc đối diện với sinh tử, họ sẽ làm tất cả những gì có thể, bằng tất cả sức mạnh họ có, để giữ lại sự sống. Tôi gọi đó là lòng trắc ẩn…
Video: Lịch sử che giấu tội ác của chính quyền Trung Quốc