Đại Kỷ Nguyên

Nước mắt của bà cố ngoại 90 tuổi nuôi 20 đứa cháu, 2 chắt ngoại vì bố mất, mẹ lấy chồng khác

Ở cái tuổi gần đất xa trời, người phụ nữ từng một tay nuôi nấng trưởng thành hơn 20 đứa cháu lớn bé cho các con của mình mới đây lại đón về nhà, nuôi thêm hai đứa chắt nhỏ. Số bà khổ, nhưng bà không buồn, bà có những đứa cháu nhỏ và bà hạnh phúc vì những gì mình đang làm.

Bà Hai sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên trong một gia đình nghèo khó, đông con. Những năm tháng cuộc đời bà là những tháng ngày chật vật mưu sinh. Nuôi con khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho chúng rồi mà cái nghèo vẫn cứ quẩn quanh ngôi nhà bé nhỏ.

Cuộc sống khó khăn, con cái bận rộn làm ăn, lo cho cháu con, bà đón mấy đứa cháu về bên mình trông nom. Hơn 20 đứa cháu lớn nhỏ đều một mình bà chăm sóc, lo lắng, và rồi chúng cũng lớn lên và lập gia đình. Năm này qua tháng khác, thời gian cứ vậy thấm thoắt trôi đi, bà nay đã gần 90 tuổi nhưng chẳng còn đứa con hay đứa cháu nào cạnh bên.

Rồi bà lại đón về 2 đứa chắt nhỏ và tiếp tục “cái sự lo toan” của cuộc đời mình. Bà kể: “Con cháu bà đông nhưng không nhờ được ai cả, đứa thì nghèo, đứa thì làm ăn xa, lâu lâu nhớ tới bà thì gửi về một hai trăm cho. Bà đâu dám đòi hỏi gì”.

Năm nay, Thiện 12 tuổi, khuôn mặt em tròn xoe và nụ cười lúc nào cũng rạng rỡ. Bố em mất từ khi em còn nằm trong bụng mẹ, lúc em chưa đầy tháng tuổi mẹ em đi thêm bước nữa, nhà bà ngoại em nghèo mà cậu em lại bị khùng, thấy cảnh thằng chắt còn nhỏ mà khổ quá, bà cố ngoại lại đón em về nuôi đến tận bây giờ.

Nhắc đến Thiện, bà Hai chia sẻ: “Thằng nhỏ ngoan lắm, tội cho nó. Bố mất từ lúc chưa lọt lòng, khi mẹ nó sinh ra được 1 tháng thì bỏ lại cho bà, rồi đi lấy chồng khác, có bao giờ chịu về để thăm con đâu. Mẹ nó cả mấy năm mới về một lần, có khi chỉ gửi một, hai trăm về cho con. Từ nhỏ nó đã ở với bà, lớn lên cũng chẳng biết mặt mũi bố mẹ”.

Thương bà cố ngoại già yếu, Thiện xin bà cho đi bán vé số, nhưng bà Hai không đồng ý. Có một lần bà cho Thiện đi nhưng không may bị người ta cướp hết vé. Bà Hai kể lại: “Lúc trước còn bé nó đi bán vé số, bị người ta giật lấy hết, tốn cả mấy triệu để đền cho người ta. Giờ bà không dám cho đi nữa, lỡ có chuyện gì thì lấy tiền đâu mà trả”.

Một năm trước, bà đón thêm bé Thảo về nuôi. Trông Thảo lúc ấy cũng không khác gì Thiện. Bà thương em, rồi nghĩ khổ thì mấy bà cháu cùng khổ, ít ra bà vẫn còn trông nom cho cô bé được, chứ để Thảo bơ vơ tội nghiệp vậy, bà không đành.

Bà Hai nghẹn ngào: “Cho nó học đến lớp 4 thì không có điều kiện nữa nên phải nghỉ học, giờ nó ở nhà. Bé Thảo thì học tới lớp 2, mẹ nó cũng bỏ đi lấy chồng khác, hơn một năm nay nó qua đây sống cùng bà với bé Thiện”.

Cuộc sống khốn khó, bà Hai ngày một già yếu cũng chẳng làm được gì nhiều, chi tiêu của ba bà cháu giờ đây đều phụ thuộc vào số tiền trợ cấp ít ỏi 380.000 đồng/tháng. Mỗi lần nhận tiền, bà lại dành ra một chút mua ít thịt để hai đứa cháu nhỏ được ăn một bữa cơm ngon, đến cuối tháng có khi mắm ớt cũng hết, thôi thì ba bà cháu lại đành trộn cơm với muối tiêu mà ăn.

Cũng may mấy đứa nhỏ biết thương bà, nên rất ngoan ngoãn, bà chia sẻ: “Khi nào có tiền thì mua 10 nghìn thịt mấy bà cháu cùng ăn, hết thì thôi chứ các cháu cũng không đòi”. Cũng có những khi bà “chỉ dám mua gạo với muối ớt, muối tiêu, bữa cơm hàng ngày của 3 bà cháu chỉ có vậy chứ không dám ăn uống gì hết. Có cơm ăn đã là tốt rồi, lâu lâu được bà con hàng xóm cho chút cá, chút thịt, bà để dành cho hai cháu. Bà chỉ ăn cơm trắng thôi”.

Bà có hơn 20 người cháu nhưng cũng không ở được cùng với ai, và cũng chẳng ai ở cùng với bà, con cháu bà đều trong hoàn cảnh khó khăn hoặc đi làm ăn xa. Bởi vậy khi có Thiện và Thảo đến ở cùng dù vất vả nhưng bà lại rất vui khi có người trò chuyện. Cũng may bà lại chẳng bệnh tật ốm đau gì.

Cả một đời vất vả lo toan, ở cái tuổi mà người ta nên được mãn nguyện với tất cả những gì có được trong cuộc đời này, thì bà vẫn ấp ủ một giấc mơ cho con cháu. Nghẹn ngào trong nước mắt bà nói: “Bà biết ước gì bây giờ, bà sống vì con, vì cháu, chỉ mong hai đứa nó sớm nên người. Lỡ bà có chết đi, tụi nó cũng biết đường mà sống… Nhà này của Nhà nước, họ cho bà ở được hơn 3 năm rồi chớ bà làm gì có nhà, thuê trọ thì không có tiền. Họ nói khi nào bà mất sẽ lấy lại, giờ chỉ mong sống thêm vài năm nữa, chờ con Thảo, thằng Thiện lớn lên, có một cái nghề rồi bà chết. Chứ giờ mà mất đi, không biết tụi nhỏ sẽ ra sao”.

Về phần Thiện, gấp lại trang vở, khép lại những tháng ngày cắp sách đến trường cùng thầy cô và bạn bè, Thiện nuôi dưỡng trong mình ước mơ nhỏ bé: “Em ước sau này lớn lên trở thành thợ sửa xe vì muốn mọi người được về nhanh, xe hư được sửa liền ạ. Em mong cố sống đến 100 tuổi, có tiền rồi em sẽ lo lại cho cố”.

Còn bé Thảo hồn nhiên nói: “Em đi học được lớp 2 rồi nghỉ, giờ em quên hết chữ rồi, em không biết ước mơ là gì, em chỉ mong làm gì cũng được, có tiền để lo lại cho cố là em vui rồi”.

Trẻ em như những trang giấy trắng, cuộc đời viết lên điều gì thì trái tim chúng phản ánh ra điều ấy. Vốn từ nhỏ lớn lên bên bà cố ngoại, chúng học được từ cố ngoại cách quan tâm và suy nghĩ cho người khác. Có lẽ cũng vì vậy mà ước mơ của chúng sao quá giản dị. Chúng chẳng ước điều gì đó xa vời cho riêng mình, chúng chỉ ước có một công việc có tiền có thể nuôi cố ngoại của chúng và giúp đỡ những người khó khăn.

Con người sinh ra vốn có nam, có nữ, có người giàu kẻ nghèo, không ai giống ai, nhưng bất kỳ ai cũng có quyền mơ ước, có quyền yêu thương và làm người tốt, đó vốn là điều công bình trong cuộc sống này. Thiện và Thảo là những đứa trẻ ngoan như chính cái tên của chúng. Sinh ra trong cảnh nghèo khó, nhưng không vì thế mà chúng chỉ biết ước mơ kiếm thật nhiều tiền để cuộc sống của mình sau này bớt khổ. Chúng dành ước mơ của mình cho bà cố của chúng và cho nhiều người gặp khó khăn khác. Tấm lòng ấy mới thật đáng quý biết nhường nào.

Có thể mỗi khi bạn cảm thấy cuộc đời mình sao quá khổ đau, hãy nhớ rằng đó chưa là gì cả, vì ít nhất bạn vẫn có nhà để ở, có cơm để ăn, có áo để mặc… những điều mà bạn thường cho chẳng có gì để kể thì ít ra đối với nhiều người đó vẫn còn cả là một giấc mơ xa vời. Hãy trân quý hơn những phút giây được sống, được yêu thương và được làm người có ý nghĩa trong thế giới này, đó mới là điều tất cả chúng ta nên làm.

Gia Viên

Video xem thêm: Mẹ già rồi, xin đừng bao giờ nói những lời này với mẹ

Exit mobile version