Buôn bán sừng tê giác vốn là điều trái pháp luật, thế nhưng, không ít người vẫn cố săn lùng cho được một miếng sừng với hy vọng có thể chữa được bệnh nan y, giải độc và bồi bổ cơ thể. Hậu quả là bệnh thì không khỏi còn loài tê giác phải mang trên mình những vết thương đầy đau đớn và đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng.
Nỗi đau của loài tê giác
Mới đây, trên Instagram của tạp chí National Geographic đã đăng tải bức ảnh về một con tê giác với vết thương lở loét trên đầu – nơi vốn dĩ là chiếc sừng uy mãnh của nó cùng đoạn viết:
“Họ để mặc cho con vật chết dần với nhiều vết thương do đạn AK47. Con tê giác hồi phục trong chốc lát rồi phải bước đi trong gần một tuần với một sự hỗn loạn và đau đớn không thể tưởng tượng được. Đến khi nó chết, có những con giòi đang sinh sản trên mặt nó.
Thêm một lần nữa, chúng ta lại mất một con tê giác đen, một loài đang cực kỳ bị đe dọa tuyệt chủng. Việc này tiếp tục làm cạn kiệt hồ gien của một loài động vật tuyệt vời mà chúng ta đang mất dần.
Ngày nay, việc loài tê giác đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng không có gì là bí mật, thế nhưng Trung Quốc lại tuyên bố họ sẽ lại cho phép buôn bán trong nước các bộ phận cơ thể tê giác và hổ sau 25 năm bị cấm. Họ nói rằng điều này để phù hợp với tình trạng nuôi “trang trại động vật” ở Trung Quốc. Đã có rất nhiều báo cáo về các trang trại này, không có cái nào là tốt cả. Vấn đề về phối cận huyết nghiêm trọng, bỏ đói và các hành vi ngược đãi khác là rất phổ biến.
Cũng có nhiều tin tức rằng động vật hoang dã bán được giá cao hơn trong thị trường Trung Quốc. Bất cứ việc hợp pháp hóa các sản phẩm động vật nào của các loài này cũng mở ra nhiều lỗ hổng to lớn cho buôn bán trái phép, khuyến khích săn bắn trộm các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng ở các nước khác và đổ vào Trung Quốc buôn bán. Đây là một quyết định rất đáng thất vọng của Trung Quốc, đặc biệt là ngay sau khi họ đồng ý cấm buôn bán ngà voi trong nước”.
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 ngày đăng tải, bức ảnh đã nhận được sự tương tác của hơn 1,3 triệu người với gần 90 triệu lời bình luận. Tất cả đều bày tỏ lòng thương xót với con vật tội nghiệp và sự bất bình trước hành động vô nhân tính của những kẻ đi săn trộm.
Sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh
Từ lâu, có rất nhiều người cho rằng sừng tê giác có tác dụng chữa bệnh, thậm chí cả ung thư. Thế nhưng, nó lại không có công dụng như nhiều người vẫn nhầm tưởng.
Theo CWI (tổ chức bảo vệ các loài hoang dã quốc dã quốc tế), sừng tê giác chủ yếu được cấu tạo bởi chất sừng, cũng như thành phần của tóc và móng tay con người. Tuy nhiên, lâu nay nhiều người châu Á vẫn tin sừng tê giác dạng bột có thể chữa bất cứ bệnh gì từ đau đầu tới bệnh gút. Thậm chí, ở Việt Nam còn có tin đồn rằng sừng tê giác chữa khỏi bệnh ung thư. Vì thế, nhu cầu sử dụng sừng tê giác như một loại thuốc chữa bệnh ngày càng tăng.
Từ góc độ sinh học, sừng tê giác không mọc ra từ hộp sọ như sừng của các loài động vật có móng khác, mà hình thành từ các tế bào da chuyên biệt, sừng phát triển theo từng lớp là những tế bào đã bị keratin hóa khiến chúng trở nên cứng hơn. Như vậy nó không có lõi xương như các loại sừng động vật thông thường.
Xét về thành phần hóa học, các chuyên gia vẫn chưa phát hiện ra được các hoạt chất có thể mang lại những “tác dụng thần kỳ” như người ta vẫn đồn thổi. Phân tích sừng tê giác thấy có chứa keratin, canxi cacbonat, canxi photphat, khi thủy phân sừng có thể thu được các axit amin thông thường.
Keratin được tạo nên từ các phân tử protein, giống như những protein tạo ra móng tay, móng chân, tóc người… Các enzyme phân giải protein trong dạ dày (như pepsin) và ruột non (trypsin) của con người gần như không thể hòa tan keratin cứng hoặc chỉ tiêu hoá một lượng không đáng kể, dù người sử dụng đã mài mịn sừng trước khi dùng.
Mặc dù, không có tác dụng trong chữa bệnh, vậy nhưng, theo ông Mark Jones, giám đốc tổ CWI cho biết, giá 1kg sừng tê giác dạng bột ở Việt Nam là 60.000 USD, mức giá này không phải cố định mà liên tục thay đổi. So về trọng lượng thì nó còn đắt hơn cả vàng và các giao dịch vẫn âm thầm diễn ra mặc dù sừng tê giác đã được liệt vào hàng quốc cấm.
Đa số sừng tê giác đều có nguồn gốc từ Nam Phi. Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan là thị trường chủ yếu buôn bán sừng tê giác dạng bột. Nhưng thông thường, những kẻ buôn lậu thường vận chuyển gián tiếp sừng tê giác qua các nước ở châu Á, hoặc châu Âu để lách luật trước khi đến nơi tiêu thụ chính.
Tại Việt Nam, trên thị trường có khoảng 80% là sừng tê giác giả. Việc rao bán sừng tê giác vẫn nhộn nhịp, thậm chí có cả phố “sừng tê giác” ở Hà Nội và Sài Gòn, nhưng theo một số chuyên gia, đó gần như đều là đồ giả. Qua công nghệ làm giả, có cái là làm từ sắn dây và nhựa, có cái là nhựa hoàn toàn, có cái là từ tóc… đủ thứ đủ loại, còn giá thì vẫn trên trời.
Phải chăng, chúng ta đang tự lừa mình dối người khi nghĩ rằng chỉ với một chiếc sừng của con vật lại có thể chữa bách bệnh. Với những quan niệm sai lầm, chúng ta đang vô tình tiếp tay cho những kẻ săn trộm giết hại những con tê giác đáng thương không thể phản kháng.
Hạnh phúc liệu rồi có đến, bệnh liệu sẽ khỏi khi bạn mang đến nỗi đau cho những sinh mệnh xung quanh mình? Thiên nhiên và con người vốn luôn tồn tại hài hoà, đừng vì tham vọng của bản thân mà phá huỷ đi tất cả. Đã đến lúc con người trả lại cho loài tê giác cuộc sống bình yên như chúng vốn có.
Huệ Nhi