Đại Kỷ Nguyên

Nuốt nước mắt giấu 4 đứa con công việc mình làm, ông bố nghèo khiến ai cũng nghẹn ngào

“Cha tôi lắm nỗi gian nan
Vì con cơ cực chẳng màng tấm thân”.

Mỗi bước chúng ta trưởng thành không hề đơn giản, nó lấy đi biết bao mồ hôi, công sức của cha mẹ. Chính những công lao, sự hy sinh đó của cha mẹ đã khơi nguồn cho các thi ca những vần thơ, câu hát. Hình ảnh một ông bố nghèo giấu các con nghề nghiệp của mình tại Bangladesh đã khiến hàng nghìn con tim nghẹn ngào xúc động. 

Không phải là những cử chỉ, hành động âu yếm vuốt ve như tình mẹ, tình yêu thương của người cha luôn thầm lặng và sâu sắc, điều đó được thể hiện trên khắp mọi nẻo đường của cuộc sống. Đã có biết bao những câu chuyện có thật về tình cha con làm rung động lòng người. Hình ảnh về một ông bố gầy còm, đen mẻm, được đăng tải bởi một nhiếp ảnh gia – chủ tài khoản Instagram GMB Akash – đã một lần nữa minh chứng cho tình yêu thương vô cùng lớn lao đó. 

Một tấm hình chứa đựng cuộc đời đầy nước mắt của một ông bố. Ông làm một công việc trong điều kiện rất dơ bẩn và hôi hám, là dọn cống bên dưới lòng đường. Ở Bangladesh thì nghề này là công việc vất vả và bẩn thỉu nhất, người ta cho là một nghề nằm dưới đáy của xã hội. 

Thế nhưng ông Idris ngày ngày cần cù chăm chỉ với công việc, ông không sợ khó khăn khổ cực, nhẫn nhục chịu đựng để có tiền nuôi 4 đứa con ăn học. 

Không chỉ có vậy, ông chưa bao giờ nói cho các con biết về công việc mình đang làm. Ông mong muốn các con không phải xấu hổ về một người cha đang làm những công việc cực nhọc, để các con ông vô tư ăn học mà không phải xấu hổ với bạn bè. 

“Tôi chưa bao giờ dám để cho con biết mình đang làm nghề gì bởi tôi không muốn chúng phải xấu hổ về bố. Khi cô con gái út hỏi bố làm gì, tôi ngập ngừng trả lời rằng tôi là một công nhân.

Tôi muốn các con có thể ngẩng cao đầu trước mọi người, để con không bị người khác coi thường như họ vẫn làm với tôi”.

Được làm cha của các con ông là điều vô cùng hạnh phúc trong cuộc đời. Ông nghĩ vai trò của một người cha quan trọng hơn bất cứ một công việc gì khác, hàng ngày ông luôn dành cho các con những nụ cười tràn ngập sự yêu thương.

Khi kết thúc công việc vào các buổi chiều tối, ông đều lặng lẽ vào khu nhà vệ sinh công cộng tắm rửa sạch sẽ, đảm bảo chắc chắn mình đã xua đi tất cả những mùi hôi thối của cống rãnh. Mỗi lần lặn ngụp dưới đáy cống bẩn thỉu là một lần ông cảm thấy ngạt thở. Nhưng vì tương lai của các con ông, chúng cần có tiền để đến trường, vì thế ông làm việc quên cả bản thân mình. Xuất hiện trước các con, ông luôn là một người bố tươm tất, không có dấu hiệu gì của người vừa đi lên từ các ống cống.

Cho đến khi sự cố gắng của ông không đủ khả năng, lúc mà con gái út bước vào đại học. Một khoản chi phí quá lớn đè nặng lên vai ông. Idris chia sẻ:

“Cả đời mình, tôi chưa từng nghĩ đến việc mua một chiếc áo mới. Tất cả số tiền kiếm được tôi để dành cho các con mua sách vở học hành. Sự tôn trọng, đó là tất cả những gì mà tôi muốn các con có được. Đến thời điểm trước ngày nhập học của con gái út, tôi đã cảm thấy vô cùng tuyệt vọng và đau đớn vì không lo nổi học phí cho con. Cả ngày hôm đó, tôi chẳng làm nổi việc gì cho ra hồn mà chỉ ngồi thù lù cạnh đống rác rưởi, cố gắng giấu đi những giọt nước mắt buồn tủi. Tôi không biết sẽ phải đối mặt với con gái như thế nào khi trở về nhà mà không có tiền đóng học. Tôi sinh ra nghèo khó và có lẽ mãi mãi cũng chẳng thể khá hơn.

Lúc tôi ngồi khóc một mình, đồng nghiệp vẫn làm việc bình thường như không có chuyện gì xảy ra, nhưng ngạc nhiên thay, sau giờ tan ca, tất cả bọn họ đều ngồi lại bên tôi và hỏi tôi có coi họ như những người anh em hay không. Trước khi tôi kịp thốt nên lời, họ đã giúi vào tay tôi toàn bộ số tiền công phải vất vả cả ngày mới kiếm được. Tôi ra sức từ chối nhưng những người anh em luôn cùng tôi ngụp lặn trong các ống cống đó, những người công nhân vệ sinh nghèo khổ thường bị người ta coi thường đó đã khiến tôi nghẹn lời bởi câu nói: ‘Chúng tôi có thể nhịn đói ngày hôm nay nhưng con gái của anh phải được đến trường'”.

Trước cuộc sống khắc nghiệt, những người bạn cùng số phận đã giúp ông Idris vượt qua được sự khó khăn đó. Ông vô cùng xúc động khi nhận ra họ đáng trân quý biết nhường nào. Tình đồng nghiệp đến với ông như một sự lan tỏa của ánh mặt trời.

Lần đó ông quyết định nói với các con ông sự thật, một sự thật mà ông đã phải cất giấu và kìm nén bấy lâu nay. Hết giờ làm, ông về nhà bằng bộ quần áo lấm lem đi lên từ dưới cống, hình ảnh một công nhân vệ sinh thật thà, chất phác, nhưng toát ra sự yêu thương các con vô bờ bến.

Ông đã ngẩng cao đầu tự hào chia sẻ về công việc mình đang làm với các con ông, cũng nhờ những người đồng nghiệp tốt bụng, nghèo khó của mình. Họ đã tiếp thêm sức mạnh cho ông.

Ông nói với các con về sự thật, dù rất cố gắng làm việc nhưng ông vẫn không thể kiếm đủ tiền cho con gái út đi học. Trong lúc tuyệt vọng ông đã được đồng nghiệp của mình giúp đỡ như thế nào.

Rưng rưng hai dòng nước mắt ông thú nhận đã giấu các con sự thật những năm qua vì mong các con yên tâm học hành. Giờ được trải lòng mình với các con chính bản thân ông cũng cảm thấy an ủi và nhẹ nhõm.

Chứng kiến sự gầy gò nhem nhuốc của cha, 4 đứa trẻ chỉ biết khóc. Chúng khóc vì thương ông và cũng vì tự hào trước sự hy sinh vô bờ của cha mình. “Bố không nói cho các con biết phải sống như thế nào, mà bố đã sống để các con có thể chứng kiến sự yêu thương của bố”. Tình yêu ông dành cho các con như tấm gương soi sáng, dẫn lối chúng trên hành trình tiến tới tương lai.

Ảnh minh họa.

Khi được hỏi về sự việc cảm động ngày hôm đó con gái út của ông đã trả lời: Các chú, các bác đã phải nhịn đói vì con ngày hôm đó để con có thể là con ngày hôm nay”.

Tình cảm chân thành của con người dành cho nhau đã tạo nên một sức mạnh hoàn hảo, một sức mạnh của tình phụ tử, của những trái tim đồng nghiệp nhân hậu, luôn yêu thương và giúp đỡ nhau. Ông Idris giờ đây không còn cô đơn buồn tủi nữa, không thấy mình nghèo hèn hay thấp kém. Bởi việc những đứa con đều ngoan ngoãn lớn khôn đã là niềm hạnh phúc và sự giàu có nhất mà cuộc đời ban tặng cho ông.

Gia Viên

Video xem thêm: Trên thế gian này, người cô độc nhất là cha, được ca tụng ít nhất cũng là cha

Exit mobile version