Khi còn là một sinh viên, tôi đã nghe được câu chuyện về kinh nghiệm của một người bạn khiến bản thân suy ngẫm.
Trong 3 năm học đại học, cậu bạn này rất chăm chỉ làm gia sư. Tiền công mỗi buổi từ 100-120 nghìn đồng. Những người bạn thậm chí còn gọi câu ấy với cái tên “siêu nhân gia sư” vì hễ cứ có thời gian rảnh là cậu lại sắp xếp đi dạy kín tuần.
Vì cậu chủ yếu dạy học sinh tiểu học, kiến thức khá đơn giản, nên ngoài kèm ngoại ngữ ra cậu thi thoảng cũng dạy cho học sinh những môn như văn, toán. Cho dù nhà của phụ huynh ở xa, cậu cũng không ngần ngại bắt xe bus đi dạy. Vậy là trong 3 năm, cậu ấy làm việc chăm chỉ để kiếm tiền, thậm chí tiết kiệm được mấy chục triệu đồng. Khi cậu ấy nói con số này ra, rất nhiều sinh viên khác đều cảm thấy ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, cậu ấy ngày càng sa đà vào kiếm tiền đi dạy, nên bỏ bê việc học ở trường. Thầy giáo đã nhiều lần nhắc nhở, thậm chí vào một thời điểm, cậu đã nghỉ học và xin gia hạn thời gian nửa năm để có thời gian đi làm thêm.
Cuối cùng, cậu vẫn quá tập trung vào công việc dạy thêm. Mức lương của cậu giờ đã cao hơn và cậu quyết định bỏ học, lấy số tiền mình kiếm được để về quê mở một cửa hàng siêu thị.
Một số người cho rằng cậu ấy đã bỏ học và giờ trở thành ông chủ, vậy cũng không sao. Nhưng tôi lại thấy tiếc cho cậu ấy. Cậu bạn học ở Thượng Hải hơn 3 năm cuối cùng lại không kiếm được bằng đại học mà trở về quê nhà mở siêu thị.
Vì lo kiếm tiền, cậu ấy đã bỏ lỡ cơ hội đầu tư cho bản thân. Ba năm dạy kèm ở nhà cũng không mang lại những kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp nên chúng không thể đem đến ưu thế cạnh tranh trong sự nghiệp của cậu sau này.
Đừng đi sai đường
Một tác giả từng viết trong cuốn sách về hoạch định nghề nghiệp của mình với nhận định nhiều người đều đang đi sai đường.
Ông tin rằng sai lầm lớn nhất mọi người gặp phải khi lập kế hoạch nghề nghiệp là: “Đặt quá nhiều sự chú ý vào bước tiếp theo thay vì toàn bộ con đường của mình. Họ chủ yếu nghĩ về sự nghiệp như một đường đua nước rút. Tuy nhiên trên thực tế đây là cuộc đua marathon trong ít nhất 45 năm”. Nhiều người quan đến đến việc thăng chức và tăng lương hơn là có sự lựa chọn tốt hơn khi họ bắt đầu vào ngưỡng 40-50.
Ông tự chia sự nghiệp của mình thành ba giai đoạn, mỗi giai đoạn là khoảng 15 năm.
Giai đoạn đầu tiên là “tiếp nhiên liệu” và khởi đầu mạnh mẽ. Nhiệm vụ chính ở giai đoạn này là học kiến thức và phát triển kỹ năng, đặt nền tảng cho hai giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn thứ hai là tìm hiểu sở thích và tập trung vào kế hoạch dài hơn. Trong giai đoạn này ông tìm ra sự tương đồng giữa mục tiêu dài hạn trong sự nghiệp, nhu cầu của xã hội và sở thích bản thân.
Giai đoạn thứ ba là tối ưu hóa khả năng và phát huy sức ảnh hưởng. Nhiệm vụ trong giai đoạn này là chuyển từ vai trò điều hành hoặc lãnh đạo sang vai trò cố vấn hoặc trợ lý.
Trong thực tế, sự nghiệp của một người giống như chơi ván cờ vua. Chúng ta phải có ý thức toàn cảnh và tầm nhìn dài hạn. Đừng bỏ qua khả năng cải thiện bản thân và đánh mất năng lực phát triển trong tương lai vì mong muốn kiếm tiền nhanh chóng.
Từ góc độ dài hạn, chỉ khi bắt đầu sự nghiệp, bạn mới có thể tiếp tục đầu tư vào bản thân, để có nhiều cơ hội phát triển hơn trong tương lai. Một số người có thể hỏi, nếu làm việc không vì kiếm tiền nhanh, vậy nên tập trung vào điều gì? Tôi nghĩ rằng những điểm sau đây thực sự quan trọng:
Đầu tiên, bạn cần đầu tư bản thân cả về chuyên môn và nhân cách
Đọc sách, nghiên cứu sâu hơn, tham gia các hội thảo, học từ các doanh nhân, người nổi tiếng… có rất nhiều cách để bạn tích lũy những kỹ năng cần thiết cho công việc. Tuy nhiên sự thành công của một người không thể tách rời với nhân cách của họ. Trong quá khứ, người xưa tuyển chọn người hiền tài làm quan, trước hết xét đạo đức. Ngày nay trong công việc, kinh doanh, rất nhiều nhà tuyển dụng cũng coi nhân cách là tiêu chí quan trọng khi tuyển dụng.
Norm Meshiry, một nhà quản lý về ngân hàng của Mỹ bày tỏ quan điểm tuyển dụng nhân sự của mình: “Với tư cách là nhà quản lý, điều tôi quan tâm không phải là kỹ năng chuyên môn của người tìm việc mà chính là nhân cách của họ. Nếu không có nhân cách tốt, họ sẽ gây ra những thiệt hại nhất định cho doanh nghiệp”.
Bởi vậy, đừng tách rời sự nghiệp của bạn và nhân cách bản thân. Những kỹ năng như cư xử lịch thiệp, nhã nhặn, bày tỏ lòng biết ơn với người khác, biết đánh giá cao và khen ngợi nỗ lực của người khác, biết thông cảm và quan tâm cũng rất quan trọng trong sự nghiệp và cả cuộc sống.
Thứ hai, làm việc với niềm yêu thích
Nếu một người chỉ rất thành thục về kỹ năng mà không có sở thích, tôi cho rằng cuộc sống của anh ta thật khô khan và nhàm chán.
Có một câu nói hẳn rất nhiều người đã quen thuộc “Nếu bạn làm công việc mình yêu thích thì cả đời sẽ không phải làm việc bất cứ ngày nào”. Theo tôi câu nói này không chỉ bao hàm việc bạn phải tìm thấy công việc mình yêu thích, mà còn là tìm được niềm yêu thích trong công việc.
Cho dù được làm công việc mình thích, nhưng không phải mọi chuyện lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, vậy nên khi đối diện khó khăn, bạn nên dùng tâm thái lạc quan mà đối đãi, thế mới có thể bỏ qua những điều nhỏ, mà tiến về phía trước một bước dài hơn.
Thứ ba, bạn nên quản lý tốt các mối quan hệ quan trọng.
Trên thực tế, muốn tạo dựng những mối quan hệ tốt, bạn vẫn cần xây dựng cho bản thân mình nền tảng tốt.
Bản chất của giao tiếp giữa các cá nhân là trao đổi các giá trị. Nếu một người không có kỹ năng và không thể cung cấp sự giúp đỡ hay giá trị cho người khác, anh ta sẽ khó thiết lập mối quan hệ lâu dài với người khác.
Ngoài ra, nếu bạn có nhiều sở thích, cởi mở thì cũng sẽ có nhiều cơ hội để xây dựng mối quan hệ với mọi người trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Cuối cùng, nội dung của bài viết này không phải khuyên mọi người đừng kiếm tiền trong 15 năm đầu đi làm, mà để mọi người có một tham chiếu, đừng nên bỏ qua sự tăng trưởng và phát triển cá nhân vì vội vàng kiếm tiền.
Bài viết đã được ĐKN biên tập lại theo bài đăng trên Secret China
Video xem thêm: Lịch trình làm việc và thói quen hàng ngày của TT Mỹ Donald Trump