Đại Kỷ Nguyên

Người anh hùng bị lãng quên trong bức ảnh lịch sử Olympic 1968

Có thể bạn đã từng biết đến bức ảnh nổi tiếng về thế vận hội Olympic năm 1968 – bức ảnh kể về hai người anh hùng da đen của nước Mỹ với lời chào gây chấn động thế giới. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn còn một câu chuyện nữa mà có thể chúng ta đã vô tình lãng quên…

Olympic 1968 diễn ra trong một năm đầy biến động ở Hoa Kỳ: Các cuộc biểu tình bùng nổ ở khắp nơi trên thế giới, chiến tranh Việt Nam và các cuộc nội chiến tại nhiều quốc gia lên thành cao trào, chênh lệch giàu nghèo cũng như nạn phân biệt chủng tộc ngày càng gia tăng, các sinh viên Mexico bị tàn sát trên đường phố vì tham gia biểu tình, và phong trào tẩy chay Olympic của các nước da đen…

Riêng tại Mỹ, 1968 là năm bi kịch đối với cộng đồng người da đen khi nhà hoạt động dân quyền và chống kỳ thị chủng tộc Martin Luther King bị ám sát. Một không khí sục sôi bao trùm khắp nước Mỹ, trong đó có cả các vận động viên tham gia thế vận hội tại thành phố Mexico.

Ba vận động viên dẫn đầu trong vòng cuối cùng của giải chạy 200 m, Olympics 1968 (Ảnh: billo.net)

Đó là buổi sáng lịch sử ngày 16/10/1968. Sau chặng đường chạy dài 200 mét, hai vận động viên da đen người Mỹ đã bước lên bục vinh quang – Tommie Smith đạt huy chương vàng với kỷ lục thế giới 19,83 giây, và John Carlos 20,10 giây, đạt huy chương đồng. Khi quốc ca Hoa Kỳ, bài “Lá cờ lấp lánh ánh sao” vang lên, cả hai cùng quay mặt về phía quốc kỳ, đồng thời giơ lên trời nắm tay đeo găng đen để ủng hộ phong trào nhân quyền cho những người Mỹ gốc Phi. Hành động ấy, sau đó, đã đi vào lịch sử với cái tên tạm dịch là “lời chào sức mạnh người da đen tại Olympic 1968” (1968 Olympics Black Power salute).

Từ trái qua phải: Peter Norman (vị trí số 2), Tommie Smith (vị trí số 1), và John Carlos (vị trí số 3) tại lễ trao giải sau cuộc thi chạy 200 mét, Olympics 1968, Mexico (Ảnh: Wikipedia)

Nhìn vào bức ảnh, có lẽ bất kỳ ai cũng chú ý đến hai anh hùng da đen của nước Mỹ mà quên mất rằng: vẫn còn có một người hùng nữa, nhưng lặng lẽ và kiên cường. Đó chính là Peter Norman, vận động viên da trắng 26 tuổi đến từ Australia, người đứng ở vị trí thứ hai trên bục vinh quang hôm ấy.

Peter Norman trên đường đua (Ảnh: Wikipedia)

Nhưng khác với Tommie và John, Peter Norman là người da trắng đến từ Australia – quốc gia cũng có các điều luật phân biệt chủng tộc nghiêm ngặt như ở Mỹ. Các chính quyền liên bang và tiểu bang Australia khi đó đã thực hiện nhiều chính sách hà khắc đối với những thổ dân của quốc gia này. Nghiêm trọng nhất là việc cách ly trẻ em bản xứ khỏi gia đình, dẫn đến cả một thế hệ thổ dân đã “bị đánh cắp”. Việc hạn chế xuất nhập cảnh và phân biệt đối xử đối với người da màu dẫn đến nhiều cuộc biểu tình trên khắp các đường phố Australia. Trong hoàn cảnh ấy, một người da trắng nếu gần gũi hay thân mật với bất kỳ nhóm thiểu số nào thì đều có thể bị coi là dị biệt.

Ngay sau khi giành chiến thắng và chuẩn bị cho giây phút nhận giải, Tommie Smith và John Carlos quyết định sẽ cho cả thế giới thấy rằng họ lên tiếng cho nhân quyền và bảo vệ nhân quyền. Tin tức này đã được truyền tai nhau trong số các vận động viên có mặt tại sân vận động Olímpico Universitario.

Nếu Peter Norman cũng giống như những người da trắng Australia khác, có lẽ anh đã thờ ơ, hoặc thậm chí còn phản đối hành động ủng hộ cộng đồng người da đen ở Mỹ.

Nhưng không phải vậy…

Khi Tommie và John gặp Peter, họ hỏi:

Tommie và John: Peter, anh có tin vào nhân quyền không?

Peter: Tất nhiên là có.

Tommie và John: Và anh cũng có niềm tin vào Chúa chứ?

Peter: Tôi tin tưởng hoàn toàn vào Chúa!

Tommie và John:  Peter, chúng tôi biết rằng điều chúng tôi sắp làm còn vượt xa hơn bất kỳ một thành tích thể thao nào.

Peter: Tôi đứng về phía các anh!

Sau này, John Carlos kể lại rằng lúc ấy ông cứ nghĩ Peter sẽ lo sợ. Nhưng không. Peter không một chút sợ hãi. Tất cả những gì toát lên từ Peter chỉ là tình yêu thương. “Tôi cứ tưởng sẽ nhìn thấy sự sợ hãi trong đôi mắt của Norman, nhưng thay vào đó, chúng tôi chỉ thấy tình yêu thương”, John nói.

Tommie và John đã kể về kế hoạch của họ cho Peter. Họ quyết định sẽ đeo chiếc huy hiệu nhân quyền “Olympic Project for Human Rights“ (OPHR) trên ngực khi lên bục nhận giải. Họ cũng sẽ tháo giày và đi đôi tất màu đen, tượng trưng cho đói nghèo ở những người da màu. Họ đeo găng tay đen, một biểu tượng của “sức mạnh người da đen” (Black Power). Nhưng không may John lỡ bỏ quên đôi găng của mình ở Olympic Village, vì vậy, chính Peter đã gợi ý để John sử dụng một chiếc bao tay của Tommie. Đó cũng là lý do John giơ tay trái chứ không phải cánh tay phải giống như Tommie trong bức ảnh.

Sau đó, Peter còn làm một việc khiến Tommie và John ngạc nhiên hơn nữa. Anh chỉ vào chiếc huy hiệu OPHR và hỏi: “Tôi tin những gì mà hai anh tin tưởng. Các anh còn một chiếc nào nữa dành cho tôi không? Như vậy, tôi có thể thể hiện sự ủng hộ đối với các anh”. Peter đã may mắn mượn được chiếc huy hiệu ấy từ một vận động viên khác trong đoàn là Paul Hoffman. Và như thế, cả ba đã tiến lên khán đài – không phải với tâm thái của một vận động viên giành chiến thắng – mà là với ý chí và tiếng nói đồng lòng vì quyền bình đẳng của con người.

Cũng bởi lẽ đó, mà bức ảnh của thế vận hội năm 1968 đã mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại.

(Ảnh: Internet)

Nhưng họ cũng phải “trả giá” vì đã dám lên tiếng nói nhân quyền. Tommie và John ngay lập tức bị đình chỉ thi đấu cho đội tuyển Olympic nước Mỹ và trục xuất khỏi Olympic Village. Còn Peter thì chịu nhận sự khiển trách và bị truyền thông Australia tẩy chay.

Trở về quê nhà, cả ba vận động viên xuất sắc nhất mùa giải đều nhận phải những lời đe dọa và hiểm họa khác nhau. John Carlos nói: “Nếu như chúng tôi chỉ bị đánh đập, thì Peter lại phải đối mặt với cả quốc gia và chịu đựng một mình”.

Trong những năm sau đó, Peter Norman đã không được lựa chọn để tham dự thế vận hội năm 1972 diễn ra tại Munich, Đức, mặc dù ông vẫn chứng tỏ khả năng của mình. Cho đến nay, thành tích đạt được tại thế vận hội 1968 (20,6 giây cho quãng đường 200 mét) vẫn là kỷ lục lớn nhất của Australia.

Bức tượng vinh danh Tommie và John tại đại học San Jose State University (Ảnh: griotmag.com)

Về sau, cả Tommie và John đều được vinh danh như những anh hùng nước Mỹ. Còn Peter thì vẫn phải chịu đựng cho đến tận cuối đời. Tại quê nhà Australia, ông bị đối xử như một “kẻ ngoại bang”, bị từ chối trong các cơ hội thi đấu thể thao lớn, và không thể gây dựng sự nghiệp. Ông đã phải lặn lội qua nhiều công việc khác nhau: từ giáo viên dạy thể dục cho đến một nhân viên trong cửa hàng bán thịt.

Thất vọng, buồn chán, rồi chấn thương dẫn đến hoại tử, Peter rơi vào trạng thái trầm cảm và nghiện rượu nặng nề.

Kể từ sau Olympics 1968, bộ ba Peter Norman (ngoài cùng bên trái), John Carlos (thứ hai từ phải sang) và Tommie Smith (ngoài cùng bên phải) vẫn là những người bạn gắn bó thân thiết (Ảnh: billo.net)

Trong nhiều năm trời, ông chỉ có một cơ hội duy nhất để tự cứu mình: Đó là phải lên án Tommie Smith và John Carlos để đổi lấy sự tha thứ từ chính hệ thống đang tẩy chay ông. Nếu chấp nhận đề nghị này, Peter sẽ tìm được một công việc ổn định thông qua Ủy ban Olympic Australia và là thành viên của tổ chức Olympic Sydney năm 2000.

Nhiều năm sau thế vận hội 1968, chiếc huy chương bạc vẫn là danh hiệu danh giá nhất trong sự nghiệp của Peter Norman. Trong ảnh là Peter Norman và huy chương của ông (Ảnh: amateursport.wordpress.com)

Nhưng Peter không phản bội niềm tin, như chính ông đã từng nói: “Tôi tin vào quyền công dân. Mỗi người đều được sinh ra bình đẳng và nên được đối xử như vậy”. Cho đến tận khi qua đời sau một cơn đau tim vào năm 2006, ông vẫn không được khôi phục danh dự tại đất nước mình. Mặc dù chính quyền Australia đã lên tiếng xin lỗi ông vào năm 2012, nhưng đó vẫn chỉ là lời xin lỗi muộn màng. Tại lễ tang Peter Norman, hai người bạn của ông là Tommie Smith và John Carlos đều có mặt, thể hiện niềm tôn kính và coi ông như một anh hùng.

Tại lễ tang Peter Norman, hai người bạn của ông là Tommie Smith (trái) và John Carlos (phải) đều có mặt (Ảnh: billo.net)

“Anh ấy (Peter) không bao giờ đổi ý, không bao giờ quay đầu… Các bạn vừa mất đi một chiến sĩ vĩ đại”, John Carlos nói. “Hãy đi và kể cho các con của bạn câu chuyện về Peter Norman”.

“Peter là một người lính đơn độc. Một cách ý thức, anh vẫn chọn làm con cừu hy sinh nhân danh quyền con người. Không một ai xứng đáng hơn anh mà đất nước Australia nên kính trọng, công nhận, và cảm kích”. John Calos phát biểu.

Còn Tommie Smith thì nói: “Anh đã phải trả giá bằng lựa chọn của mình… Đó không phải chỉ là một cử chỉ đơn giản để giúp đỡ chúng tôi, mà đó là cuộc chiến của chính anh. Anh là người đàn ông da trắng, người đàn ông nước Úc giữa hai người da màu, đứng lên trong giây phút vinh quang, tất cả nhân danh cùng một điều – (đó là nhân quyền).”

Và những gì còn lại mãi mãi, sẽ là những lời của chính Peter Norman khi ông vẫn còn sống:

“Tôi không hiểu tại sao người da đen không thể uống cùng một dòng nước từ đài phun, lên cùng một chiếc xe buýt, hoặc đến cùng một ngôi trường giống như người da trắng.

Có một sự bất công xã hội mà tôi không thể làm bất cứ điều gì từ nơi tôi đang sống, nhưng chắc chắn là tôi căm ghét nó.

Người ta nói rằng chia sẻ chiếc huy chương bạc với sự việc đó trên bục vinh quang đã làm giảm đi những gì tôi thể hiện.

Nhưng ngược lại.

Tôi phải thú nhận rằng, tôi tự hào vì là một phần của điều ấy”.

Trailer bộ phim “Salute” kể lại câu chuyện của Peter Norman:

Gần 50 năm trước, Peter Norman đã dũng cảm bảo vệ điều được gọi là “nhân quyền” – dẫu cho ông phải trả giá bằng cả phần đời còn lại của mình. Và cho đến ngày hôm nay, tiếng nói ấy vẫn tiếp tục được người truyền người, tâm truyền tâm…

Hồng Liên

Xem thêm:

Exit mobile version