Sau khi tốt nghiệp, tôi đến Hà Nội và xin được việc làm trong một công ty thương mại nước ngoài. Công việc hàng ngày là đánh máy, photocopy, đối chiếu thông tin… của một nhân viên quèn. Tôi cố gắng làm tốt công việc của mình, và mong muốn có được một chỗ đứng trong thành phố. Nhưng điều khiến tôi lo lắng và đau đầu để đối phó, đơn giản chỉ là cuộc hỏi thăm của ba tôi từ quê lên…
Bởi vì tính tôi hay ngại nên hàng ngày tại văn phòng cũng chỉ thỉnh thoảng mới nói một vài câu khách sáo với đồng nghiệp. Tôi đã thế mà họ còn khách sáo hơn tôi, lại còn luôn giữ khoảng cách khiến tôi cảm giác hơi xa vời và không khí ảm đạm.
Một ngày nọ, cha tôi gọi điện đến và nói muốn đến thăm tôi. Kỳ thực tôi biết, cha là vì muốn xem tôi sống ở đây như thế nào, công việc ra làm sao, và sống và làm việc cùng bạn bè ra sao? Mẹ tôi mất sớm, cha tôi một mình gà trống nuôi con nên sự quan tâm của ông đối với tôi nó đã in sâu trong tiềm thức. Ký ức tuổi thơ tôi là ngồi trong giỏ xe đạp cùng cha đi bán đậu hũ khắp các ngõ ngách đường phố. Đó sẽ mãi là kỷ niệm ngọt ngào của tuổi ngây dại bé bỏng ấy.
Lên thành phố làm việc, tôi không có bạn bè, vậy thì kiếm đâu lý do để cha có thể yên tâm? Suy xét mãi, không còn cách nào khác, tôi quyết định đến nhờ sự giúp đỡ của ông chủ.
Cả ngày hôm đó, trong lòng tôi rất thấp thỏm và suy tư câu hỏi: làm thế nào tôi có thể mở miệng nói chuyện này với ông chủ? Liệu ông ấy có giúp tôi không? Tôi rất băn khoăn, và cố chờ đến giờ tan ca rồi lấy hết can đảm gõ cửa phòng làm việc của giám đốc.
Tôi chỉ là một nhân viên mới và cũng không hề có chức trách to tát gì nên chắc chắn cũng không có ấn tượng gì với ông chủ. Đây cũng là lần đầu tiên tôi vào văn phòng của ông nên ngay lập tức tôi đã bắt gặp cảm giác bối rối của ông khi nhìn thấy tôi. “Cô là?”- ông hỏi tôi.
Thấy tôi lắp bắp, ấp úng, như nhận ra tôi đang xấu hổ vì đỏ mặt, ông chủ mỉm cười nhẹ nhàng nói: “Có gì cứ từ từ nói.” Tôi hít thở một hơi thật sâu trước khi có thể toát ra lời ấp ủ trong lòng: “Tôi hy vọng ông có thể mời cha tôi một bữa cơm, hoặc cho người đại diện cũng được, xem như lấy danh nghĩa của công ty.”
Tôi lấy lại can đảm, nói cho ông biết về chuyện của cha tôi: “Cha tôi không yên tâm về tôi, lúc nào cũng lo lắng tôi ở ngoài bị bắt nạt. Kỳ thực mọi việc đều rất tốt, công việc ổn định, lãnh đạo và đồng nghiệp cũng tốt với tôi…” Chưa nói xong mà mặt tôi đã đỏ ửng lên như trái cà chua chín, sợ ông từ chối tôi vội vàng lắp bắp thêm: “Tất nhiên, tôi sẽ tự thanh toán tiền cho bữa ăn.”
Không đợi tôi nói hết câu ông trả lời luôn: “Đươc rồi, vậy tối thứ 6 chúng ta cùng đi ăn được không?” Câu trả lời của ông làm tôi hết sức ngạc nhiên nên lại ấp úng: “Vâng, vâng, hôm nào cũng được ạ.” Không thể diễn tả hết sự vui mừng, ông còn nói thêm: “Cứ thế đi, tôi cho cô nghỉ một tuần, đưa ông ấy đi chơi vài nơi. Lát tôi sẽ nói chuyện với lái xe, hai cha con muốn đi đâu có thể sử dụng xe công ty.”
Tôi vội vàng xua tay: “Không, không cần, thực sự không cần đâu ạ, cảm ơn ông chủ rất nhều.” Tôi không biết phải nói gì hơn để cám ơn ông, chỉ biết cúi chào ông rồi đi ra. Đến thứ sáu trước khi tan ca, lái xe tìm tôi và đưa tôi ra ga tàu đón cha tôi rồi chúng tôi cùng đến khách sạn. Một lần nữa tôi lại ngạc nhiên hơn bởi đây là một khách sạn rất sang trọng trong thành phố, tôi chưa bao giờ được bước chân vào trong.
Một bữa tối thịnh soạn và ấm áp được sắp sẵn, ông chủ còn mang theo vài chai rượu ngon, tuyệt hơn nữa là tất cả nhân viên trong công ty đều đến chung vui, những người mà tôi cũng không biết tên và họ cũng chưa rõ tên tôi. Nhưng trong bữa ăn họ đều rất nhiệt tình hỏi han tôi, khen bản dự án của tôi viết rất tốt, họ còn nói ngưỡng mộ tôi vì ngày nào cũng đi làm sớm nhất công ty. Mọi người vui vẻ nói cười, rồi chuốc rượu cha tôi tới bến.
Hôm sau, sáng sớm lái xe đã đến trước chung cư đợi hai cha con tôi, anh ấy cho chúng tôi đi một vòng quanh thành phố trên chiếc xe công ty. Hai ngày sau, cha tôi đi mua vé tàu để về quê, ông nói: “Trước khi đến cha thật không yên tâm, định sẽ ở lại với con một thời gian, nhưng thấy cuộc sống của con như vậy cha có thể yên tâm về rồi.”
Vậy là tôi đã không phải lo lắng về việc này nữa khi mà mọi việc đã được ông chủ chu toàn giúp đỡ, việc của tôi bây giờ là cám ơn ông chủ vì điều đó. Bất ngờ ngay hôm sau, ông ấy đã thông báo họp toàn công ty để chia sẻ về vụ việc này.
Tại cuộc họp ông nhắc đến tên tôi, ông cũng xin lỗi tất cả các nhân viên trong công ty vì trước giờ ông không quan tâm đến hoàn cảnh của mọi người. Sau đó ông nói cảm ơn tôi vì đã đưa ra đề nghị đó với ông ấy. Qua sự việc của tôi ông ấy nhận ra rằng tập thể công ty không chỉ là nơi để làm việc, mà còn phải quan tâm chăm sóc lẫn nhau như một đại gia đình ngoài việc cạnh tranh, tiến bộ, lợi nhuận và phát triển. Như vậy mới là một tập thể vững mạnh, mới có thể cùng nhau tiến về phía trước.
Sau đó, ông chủ đứng lên, cúi đầu thật sâu để xin lỗi tất cả nhân viên trong công ty. Trong khi mọi người vỗ tay tôi đã khóc, tôi khóc vì hạnh phúc, khóc vì tôi cảm nhận được sự ấm áp của tình người.
Kể từ đó, tôi đã trở thành một nhân viên động năng động, nhiệt tình hơn xưa. Không khí của công ty cũng đã thay đổi hoàn toàn, không còn giống như trước kia, giữa người với người chỉ có hai chữ “lịch sự” và “chuyên nghiệp”.
Năm 2009, khi thế giới lâm vào khủng hoảng tài chính, nhiều công ty lâm vào phá sản, nhưng công ty chúng tôi vẫn đứng vững và không ngừng phát triển. Tôi nghĩ, đó cũng là hệ quả tốt đẹp của sự việc trên.
Hôm nay, sau ba năm tôi đã thăng tiến từ một nhân viên bình tường trở thành một quản lý của doanh nghiệp. Tôi không thể quên kỷ niệm êm đềm đó, có cơ hội là tôi kể lại câu chuyện của mình cho những nhân viên mới nghe, để họ thấy được sức mạnh của việc quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và coi tập thể công ty như một đại gia đình.
Đến tận hôm nay, tất cả mọi người trong công ty đều nói, rằng đây là bài học cuộc sống rất sâu sắc đối với họ. Tôi tự hỏi có bao nhiêu doanh nhân, ông chủ, đã từng đọc câu chuyện của tôi? Họ yêu cầu nhân viên phải coi công ty như nhà của mình, vậy họ đã cho nhân viên một cảm giác ấm áp như đang ở nhà hay chưa?
“Kẻ đại nghĩa luôn nghĩ cho người khác.” Họ thật tâm đi đối đãi khách hàng, cũng hy vọng rằng họ có thể thật tâm để đối đãi với nhân viên.
“Kẻ đại nghĩa không bao giờ thất bại.” Nhân viên nhận được sự quan tâm từ ông chủ, họ cũng sẽ hết lòng để quan tâm khách hàng, khách hàng được quan tâm chăm sóc họ sẽ giúp doanh nghiệp không thất bại trước mọi hoàn cảnh.
Thiếu Kỳ
Xem thêm: