Ống hút nhựa gây ô nhiễm môi trường, nhưng ống hút giấy chưa hẳn đã có thể cứu Trái đất.
Cuộc chiến tẩy chay ống hút nhựa dưới mác bảo vệ môi trường có lẽ được bắt đầu từ năm 2015, sau khi xuất hiện đoạn phim ghi lại hình ảnh một con rùa biển ở Costa Rica bị mắc kẹt với một ống hút nhựa trong hốc mũi. Video ngắn nhanh chóng được lan truyền trên toàn thế giới với tốc độ chóng mặt, đồng thời thổi bùng lên chiến dịch “nói không với ống hút nhựa”.
Sau hơn 130 năm sử dụng, con người ngày nay đã đi đến một kết luận rằng, ống hút nhựa là một trong những lựa chọn tồi tệ nhất của nhân loại. Bạn chỉ dùng một chiếc ống hút uống một cốc nước ngọt trong khoảng 3 phút rồi vứt đi, nhưng trái đất cần mất đến cả nghìn năm mới có thể phân huỷ chúng!
Ước tính mỗi ngày có khoảng 5 triệu chiếc ống hút nhựa bị vứt bỏ tại Mỹ, và con số này còn khổng lồ hơn nếu thống kê toàn cầu.
Những chiếc ống hút tạo nên các bãi rác khổng lồ và trôi xuống đại dương, cắm vào mũi và miệng sinh vật biển, gây ô nhiễm và phá vỡ hệ sinh thái biển, rối loạn chuỗi thức ăn…
Theo The Atlantic, mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn nhựa đổ xuống biển, tương đương cứ mỗi phút lại có một chiếc xe chở đầy rác thải nhựa trực tiếp đổ xuống lòng đại dương.
Và chúng ta bắt đầu nghĩ đến những sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường
Bởi sức ép bảo vệ môi trường từ dư luận, McDonald’s đã quyết định chuyển từ ống hút nhựa có thể tái chế sang ống hút giấy tại 1.361 cửa hàng tại Anh và Ireland. Tuy nhiên, không bao lâu sau, 50.000 thực khách đã ký vào kiến nghị yêu cầu McDonald’s trở lại ống hút nhựa truyền thống, bởi vì ống hút giấy có vị lạ và tan quá nhanh. Chúng thậm chí bị nhão ra trước khi kịp uống xong ly nước.
Nhưng đó chưa phải là nhược điểm duy nhất. CEO của công ty dịch vụ đồ ăn PacknWood, Adam Merran, nói trên “Closing Bell” của CNBC: “So với ống hút nhựa, bạn phải chi gấp 5 lần để sở hữu một chiếc ống hút giấy. Ống hút giấy có giá khoảng 0,025 USD trong khi ống hút nhựa chỉ khoảng 0,005 USD”.
Ngoài ra, để sản xuất ống hút giấy, nhà sản xuất phải thực hiện một quy trình dài, bao gồm trồng và đốn cây, ép thành ống giấy, vận chuyển ống hút đến nơi tiêu thụ. Quá trình sản xuất và vận chuyển này cần sử dụng đến các nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu và một số loại nhựa khác. Thêm vào đó, những chiếc ống hút giấy thường được bọc trong túi nhựa cũng khiến người ta đặt câu hỏi: “Ống hút giấy có thật sự thân thiện với môi trường?”.
Annie Lowrey viết trên The Atlantic: “Ống hút giấy là một lựa chọn tốt cho môi trường hơn ống hút nhựa, nhưng nó vẫn không thực sự thân thiện với môi trường”.
“Sử dụng ống hút kim loại cũng là một phương án. Tuy nhiên, tỷ lệ trộm cắp ống hút kim loại tại các nhà hàng khá cao và trong quá trình sản xuất chúng cũng gây ô nhiễm môi trường, lãng phí năng lượng”, chuyên gia Annie phân tích thêm.
Đó là chưa kể đến việc một số ống hút giấy không thể tái chế như hứa hẹn. The Sun từng tiết lộ sản phẩm ống hút giấy của gã khổng lồ đồ ăn nhanh McDonald’s không thể tái chế mà cần đốt để tiêu hủy.
Đằng sau những sản phẩm gắn mác “thân thiện với môi trường”
Mác “thân thiện với môi trường” là công cụ PR vô cùng hiệu quả để người tiêu dùng móc ví và chi gấp 5 đến 10 lần số tiền để mua mới một sản phẩm chỉ thay đổi về chất liệu.
“Nhưng việc thay thế một sản phẩm này bằng một sản phẩm khác gắn mác thân thiện với môi trường sẽ không cứu được hành tinh. Các sản phẩm ‘bảo vệ môi trường’ rao bán trên thị trường thường chẳng hề thân thiện với môi trường”, nhà báo Annie Lowrey đưa ra nhận định.
Ví dụ như, những chiếc bát bằng xơ có thể phân hủy đang được sử dụng tại chuỗi nhà hàng bình dân Chipotle hoặc Sweetgreen sẽ để lại hóa chất độc hại ngấm vào đất và nước ngầm. Nếu không cẩn thận, những sản phẩm gắn mác bảo vệ môi trường sẽ phản tác dụng!
Chỉ bằng việc sử dụng ống hút giấy thay ống hút nhựa, đôi khi người tiêu dùng lầm tưởng rằng đó đã là đủ để giải cứu trái đất. Các sản phẩm thân thiện với môi trường không khác gì một “giấy cấp phép” cho người tiêu dùng vô trách nhiệm với thiên nhiên hơn.
Hành động ngừng sử dụng ống hút nhựa có ý nghĩa lớn đối với chiến dịch bảo vệ môi trường, nhưng điều đó vẫn không đủ, bởi ống hút nhựa chỉ chiếm 0,025% tổng khối lượng nhựa thải xuống biển mỗi năm. Vẫn còn những đề xuất tốt và thực tiễn hơn như cấm đánh bắt cá, đánh thuế carbon, tăng thuế lên các sản phẩm nhựa, hoặc người tiêu dùng có thể sử dụng phương tiện công cộng, xe đạp thay vì xe hơi, xe gắn máy…
Và cách tốt nhất để giảm ống hút nhựa là bạn hãy uống trực tiếp đồ uống từ ly thay vì dùng ống hút, dù là nhựa hay giấy.