Đại Kỷ Nguyên

Ông Năm cụt và chuyện tình rổ cá: ‘Chúng tôi nghèo tiền bạc nhưng tình nghĩa thì không ai sánh bằng’

Ở đời, gặp gỡ nhau là duyên nhưng đến được với nhau hay không lại do sắp đặt của định mệnh. Chuyện tình trên sông đẹp như cổ tích của đôi vợ chồng già dưới đây đã khiến bao người phải ngưỡng mộ.

Người đàn ông cụt chân tên là Lê Văn Đực, quê ở Bến Tre, vốn xuất thân từ dân làng chài, nay đây mai đó không biết về đâu. Ông từng lấy một người vợ đẹp người, đẹp nết và sinh được 5 người con. Tuy nhiên, hạnh phúc chưa được bao lâu, vợ ông lâm bệnh nặng qua đời, ông không đi thêm bước nữa mà ở vậy nuôi con.

Khi những người con của ông khôn lớn, vì không muốn theo cha làm nghề chài lưới nên họ dần bỏ ông mà tìm đến những “miền đất hứa”. Cuối cùng, chỉ còn lại một mình ông ngày đêm thui thủi một mình lênh đênh sông nước, ban ngày đi đánh lưới, đêm về tiện đâu ngủ đó.

Sau bao năm lẻ bóng đơn côi, cái ngày định mệnh cũng đến. Trên dòng sông nước lớn mênh mông, con sóng vô tình đánh ghe của ông xô vào ghe của bà Nguyễn Thị Vĩnh quê ở Trà Vinh. Cả hai cùng đang loay hoay giữa dòng nước lớn, cuộc gặp gỡ bất ngờ đó đã đưa hai hoàn cảnh đặc biệt gặp nhau như một mối lương duyên đã định.

Bà Vĩnh từng lấy chồng, nhưng cái số bà khổ nên cảnh đời gặp lắm nỗi tai ương. Dù hết lòng vì gia đình chồng, nhưng mẹ chồng của bà Vĩnh vốn là người khó tính và cay nghiệt, thường hay mắng chửi và gây khó dễ cho bà. Bao nỗi khổ tâm bà đem tâm sự với chồng, nào ngờ ông chồng bênh mẹ, quay ra thẳng tay đánh đập, chì chiết bà.

Rồi đến khi không chịu đựng được những lời sỉ vả và những trận đòn thừa sống thiếu chết, bà Vĩnh bỏ nhà đi khi vừa mang thai được 3 tháng. Gái quê mang tiếng bỏ chồng, bà bị người đời khinh rẻ, rèm pha… Để tránh xa thị phi, chạy trốn những tháng ngày mỏi mệt, bà Vĩnh lên ghe rời bỏ đất liền, mặc đời mình trôi theo dòng nước. Ngày ngày, bà đi mò cua bắt ốc sống tạm chờ ngày sinh nở. Con gái sinh ra cũng do một tay bà chăm lo nuôi nấng trong sự tần tảo sớm hôm chịu cực của bà.

Biết được câu chuyện của cuộc đời nhau, họ trở nên thân thiết và thường giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày. Thấy bà Vĩnh là người hiền lành lại chịu cảnh một mình vừa nuôi con vừa lo kiếm sống trên sông, ông Đức có ý thương bà, muốn ngỏ lời đón mẹ con bà về cùng một ghe. Lúc đầu, bà Vĩnh có ý e ngại, ngập ngừng nhưng cuối cùng bà cũng bị lòng tốt của ông làm cho cảm động, bà quyết định neo đời mình vào chiếc ghe cũ kỹ của người đàn ông góa vợ.

Mặc cho những lời đàm tiếu thị phi, ông bà gọi đó là định mệnh. Con sóng cố tình vỗ ghe ông chạm vào ghe bà để rồi cuốn cả hai con người đau khổ cùng đến bến bờ hạnh phúc.

Cuộc sống cứ vậy trôi đi, cho đến khi cô con gái của họ đến tuổi trưởng thành nhưng lại chịu nhiều lời đàm tiếu. Gạt đi những giọt nước mắt buồn tủi, ông Đực cố gắng làm việc để quên đi những lời lẽ cay nhiệt, mặc cho người đời chê bai.

Trong một lần gặp người bạn cùng nghề chài lưới cũng có con trai lớn đến tuổi lập gia đình, ông đã liều mình lên tiếng trước là mình có con gái đã đến tuổi gả chồng. Thật không ngờ gia đình người bạn đồng ý, và ông như trút được gánh nặng trong tâm.

Khi con gái đi lấy chồng cũng là lúc họ cảm thấy trống vắng, từ lâu bà Vĩnh cũng muốn sinh cho ông một đứa con nhưng nghĩ đến gia cảnh nghèo túng và tuổi cũng đã nhiều nên còn chưa dám. Đã 20 năm về chung sống cùng nhau, đó là điều họ cùng mơ ước nhưng giờ họ nghĩ mình cũng chẳng còn cơ hội đó nữa.

Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với đôi vợ chồng già, bà Vĩnh mang thai và sinh cho ông Đực một cô con gái dễ thương. Cô bé sinh ra trở thành nguồn động lực giúp ông thêm yêu cuộc sống và cần có trách nhiệm với vợ con. Ông lo dựng một quán nước bên lề đường để vợ kiếm đồng ra đồng vào.

Về phần mình cứ đến giờ chiều, ông Đực lại tất tả trở về với vợ, ông cho biết: “Để bà ấy và bé My ở nhà tôi không an tâm, bán đến trưa hết thì tốt, không hết thì tôi trả lại cho đại lý để kịp về phụ bà ấy dọn hàng. Bà ấy xem vậy chứ yếu lắm, ở một mình giữa quán hay sợ. Với lại tôi không có điện thoại, về trễ bà ấy lo“. Vừa về đến nhà, ông Đực đã tranh thủ chẻ củi lấy mối cho gà ăn. Ông luôn chăm sóc đàn gà này vì có gà thì bé My có trứng gà ăn bổ sung dinh dưỡng.

Gia đình ông Năm cụt hạnh phúc và ấm áp hơn từ khi có bé Diễm My

Dần dần, cũng là không muốn con mình lớn lên trong sự soi mói, giễu cợt của mọi người, ông Đực đưa vợ con lên Sài Gòn, rồi neo đậu dưới chân cầu Rạch Bàn 2 (Q.7, TP.HCM) cho đến bây giờ. Tuy cuộc sống trải qua nhiều khó khăn vất vả, nhưng “ngôi nhà” của ông bà luôn đầy ắp tiếng cười. Theo như bà Vĩnh nói, một tháng đi làm không bằng một ngày bị bệnh, thế nên cứ vui vẻ, yêu đời để cuộc sống tươi đẹp hơn.

Nước dùng phải mua, đêm đến phải dùng đèn dầu, gia đình ông Đực mong ước một lần được sống trong ánh điện mỗi khi đêm về.

Tuy không còn lành lặn đôi chân nhưng ông luôn dành thời gian chơi với con và cõng con trên vai, hai cha con cười vui rộn rã. Bà Vĩnh nhiều khi thấy hạnh phúc khi nghe con gái có những câu hỏi hài hước dành cho cha mình.

Bé Nguyễn Thị Diễm My (con gái ông bà Vĩnh) lên 7 tuổi, ông bà gửi bé vào học một lớp tình thương, không tốn chi phí mà bé lại biết chữ, để sau này không phải trôi dạt như cha mẹ chúng. Ông Đực chia sẻ: “Chúng tôi nghèo tiền nghèo bạc nhưng cái tình, cái nghĩa thì không ai sánh bằng”.

Vợ chồng ông Năm cụt sống trên chiếc ghe mục ở chân cầu Rạch Bàng 2

Bà Vĩnh luôn hết lòng chăm lo cho gia đình nhưng sâu thẳm trong tâm hồn bà vẫn mơ ước được về quê, về thăm cha của mình, năm nay cụ đã 90 tuổi rồi nhưng bà chưa một lần được báo đáp công ơn sinh thành. Vì gia cảnh nghèo túng nên mỗi lần gọi điện thoại cũng chỉ dám vội vàng thăm hỏi vài câu.

Ông Đực biết ước mơ của vợ nhưng cũng không có cách nào, cái nghèo đã bám theo họ suốt cả cuộc đời. Chi phí một chuyến đi thăm ngoại cho hai mẹ con chỉ khoảng hơn 300 nghìn, nhưng với ông đó cũng là điều quá khó. Chưa có cách nào ông chỉ còn biết động viên vợ cố gắng làm ăn, khi nào có tiền sẽ để mẹ con bà về thăm cha…

Ông Đực biết ước mơ của vợ nhưng cũng không có cách nào, cái nghèo đã bám theo họ suốt cả cuộc đời.

Cuộc đời ngoài kia còn biết bao cảnh đời nghèo đói và khó khăn, nhưng không phải vì thế mà họ thôi yêu thương và buông bỏ hy vọng. Nên hãy nhớ, nếu một ngày khổ nạn và chuyện tình cảm không được như ý xảy đến, bạn đừng quá bi ai hay tự dằn vặt chính mình để rồi gục ngã… Hãy cứ bước ra và cảm nhận cuộc sống, biết đâu một ngày đẹp trời nào đó định mệnh sẽ mỉm cười với bạn.

Gia Viên – Hồng Tâm

Xem thêm:

Exit mobile version