Chuyên mục “Chữ và Nghĩa” chủ trương trả lại ý nghĩa đích thực, nghĩa gốc của những từ ngữ mà chúng ta đang dùng trong đời sống hiện đại. Nếu chúng ta hiểu không đúng nghĩa của từ, chúng ta sẽ không thể hiểu được lời nói của ông cha, cũng không đọc được sách vở chính thống, chính là tự cắt đi sự liên hệ với quá khứ. Do vậy, chúng tôi xin giúp độc giả phạt cỏ dọn cành ngõ hầu phát quang lối cũ về với người xưa. Và cũng nhân đó giúp cho độc giả có được dăm ba phút giải trí nhẹ nhàng.
***
Tiếp theo: Phần 2
Ông tôi là con người theo truyền thống, cho nên ông chẳng bao giờ khoe mình là chuyên gia về yêu đương hay về phụ nữ. Tuy vậy, có hai kỷ niệm cá nhân làm tôi nhớ mãi.
Một lần, tôi dẫn cô bạn gái học cùng lớp đại học về quê thăm ông. Trước đó một tuần, tôi gọi điện cho ông:
“Alo, ông ơi, cháu đây ạ. Cháu chào ông ạ”
“Ừ, cháu đấy à. Chào cháu”.
“Ông ơi, chủ nhật tuần sau cháu muốn dẫn bạn gái cháu về thăm ông. Nhân thể, ông giúp cháu đánh giá về cô bạn này trước khi cháu định tiến xa hơn ạ. Cháu cũng có tình cảm với cô ấy”.
“Ừ, các cháu cứ về đi. Ông sẽ đãi món này ngon lắm”.
Đúng ngày hẹn, hai chúng tôi đã có mặt ở quê. Cô bạn tôi tên Hãnh, tính ít nói nhưng hay tính toán âm thầm.
Ông tôi đi ra sân niềm nở chào đón chúng tôi. Chúng tôi chào ông. Tôi giới thiệu Hãnh với ông. Ông nói:
“Hai cháu vào nhà đi. Ông đang dở tay làm món ốc chuối đậu. Món này hơi nhiều công đoạn một chút”.
Hãnh nhìn ông tôi dáng vẻ chân chất trong bộ quần áo nâu sồng, rồi lại nhìn ngôi từ đường to lớn cổ kính và toàn cảnh khu nhà. Cô không nói gì.
Hãnh ngồi chơi ngoài sân. Tôi chạy vào bếp giúp ông làm cơm.
Mâm cơm thật ngon lành. Có món ốc nhồi nấu chuối đậu và thịt ba chỉ. Chuối tiêu trồng ngoài vườn, ốc nhồi bắt dưới ao, đậu phụ ông tự làm, tía tô, lá lốt cũng trồng ngoài vườn. Còn có món cá quả hấp. Cá quả cũng câu được dưới ao nhà. Có rau sống tươi rói hái từ vườn nữa.
Ông và tôi kê bàn ghế ra sân để ngồi ăn cơm.
Hai ông cháu tôi ngồi đầu nồi. Hãnh ngồi cuối mâm. Dường như chân thả dưới đất hơi mỏi, cô khoanh cả hai chân lên ghế.
Ông tôi xới cơm cho cả ba người. Ông tiếp thức ăn vào bát chúng tôi.
Hãnh cau mày gắp đồ ăn ông tiếp sang bát tôi, miệng nói:
“Ông để cháu tự nhiên ạ”.
Rồi cô lấy đầu đũa bới đi bới lại bát Ốc chuối đậu để nhặt ra những con ốc ngon lành, gắp vào đầy bát. Cô chỉ ăn ốc mà thôi.
Ông tôi nói:
“Cháu cứ ăn tự nhiên nhé. Có ngon không cháu?”
Hãnh nói:
“Ngon ạ”.
Nhưng cô nhai tóp tép mấy con ốc, dùng thìa chung múc một thìa nước canh húp sột soạt, rồi đặt bát xuống để thừa lại nhiều ốc trong bát.
Hãnh nhìn ông tôi rồi nói:
“Ông ơi, ông tự nuôi trồng lấy mọi thứ thì có đủ chi tiêu không? Sao ông không kinh doanh? Ở quê cháu, với những ngôi từ đường to đẹp và có kiến trúc cổ thế này, có nhiều người biến thành mô hình kinh doanh tham quan nhà cổ đấy ông ạ. Khách vào ngắm nhà xong thì ra ngoài vườn hái trái cây và câu cá ngoài ao, rồi tổ chức nấu nướng và ăn uống tại vườn. Trên phố họ thèm không gian thế này lắm. Ông kinh doanh thế thì đỡ phải làm cực thân, lại có tiền tiêu”.
Ông tôi cười hiền:
“Ông không thể biến ngôi nhà linh thiêng của các cụ, nơi hương khói yên tĩnh của dòng họ thành chốn kinh doanh được cháu ạ. Vả lại, ông già rồi, chẳng có nhu cầu cao về vật chất. Ông cũng muốn tự sản tự tiêu, vừa là lao động khỏe người, lại vui.”
Hãnh chắt lưỡi tiếc rẻ:
“Tiếc quá. Giá mà là cháu… “
Để đổi đề tài, tôi đề nghị:
“Ông ơi, cháu nói với Hãnh rằng ông của cháu hát rất hay. Ở ngoài kia hai chúng cháu cũng hay đi hát Karaoke lắm. Ăn xong, có thể có chút văn nghệ được không ông?”
Ông tôi xua tay từ chối, nhưng tôi cố nài. Chả là tôi biết cả ông tôi và Hãnh đều yêu âm nhạc. Mà qua ‘gu’ thưởng thức âm nhạc, cũng có thể tìm hiểu thêm về tâm hồn con người, biết đâu lại tìm được tiếng nói chung.
Ông tôi từ chối không được, nên đành nói:
“Thôi được, nhưng chúng ta phải ra vườn để xa bàn thờ, khỏi làm ồn ào các cụ. Các cháu ra vườn trước để ông đi lấy đàn guitar”.
Tranh thủ lúc ông vào nhà, tôi rót cốc nước cho Hãnh uống rồi hỏi cô:
“Sao em ăn ít thế? Ăn thế có đủ no không?”
Hãnh lườm tôi:
“No làm sao được. Ở quê em ăn mãi chán mấy món này rồi. Chiều ra Hà Nội, anh phải đi mua ngay hai suất KFC về cho em đấy. Mà anh cũng phải năng động lên, nghĩ mọi cách mà kiếm tiền đi. Bây giờ thiên hạ ai chả phải thế, sống như thế này sao được. Đúng là ngồi trên mỏ vàng mà không biết cách khai thác, quê mùa lắm cơ…”
Câu chuyện đang dang dở, Hãnh thấy ông tôi tay cầm cây đàn đi ra, cô nhanh chóng ngừng lời.
Buổi trưa ngoài vườn gió mát, ba người chúng tôi ngồi dưới gốc cây nhãn điếc rợp lá mà không quả.
Hai chúng tôi hát mấy bài hát của giới trẻ, ông tôi đệm đàn guitar. Hát xong, tôi nài ông hát.
Ông tôi nói:
“Ông chỉ nhớ được mấy bài cũ thôi. Không chắc các cháu đã thích nghe”.
“Cũ cũng được ông ạ. Cháu chưa bao giờ được nghe ông đánh đàn hát trọn vẹn một bài cả, toàn nghe những lúc ông cao hứng hát dăm ba câu khi làm việc thôi”.
Ông tôi đánh đàn và hát, bài hát “Chân quê”, thơ của Nguyễn Bính:
“Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi.
Nào đâu cái yếm lụa sồi
Cái dây lưng đuỗi nhuộm hồi sang xuân.
Nào đâu cái áo tứ thân
cái khăn mỏ quạ
cái quần nái đen?
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.
Ông cháu tôi hát say sưa. Nhìn sang Hãnh, tôi thấy cô đang mải mê lấy gương ra soi và lấy son ra tô lại đường môi, cặp môi xinh xắn khiến bao chàng ngẩn ngơ.
Rồi chúng tôi xin phép ông ra về vì Hãnh đang kêu đói. Tôi hơi lúng túng vì chưa giúp ông dọn dẹp. Ông nội tôi đưa mắt ý bảo tôi cứ đưa Hãnh về, để ông dọn dẹp cho.
Cuối ngày, tôi có gọi điện lại hỏi thăm ông. Ông tôi chuyện trò rất vui vẻ nhưng ông không nói gì về Hãnh cả.
Từ hôm ấy, tôi cũng không dẫn Hãnh về quê nữa. Tôi vẫn yêu cô ấy dù trong thâm tâm thấy mình không hợp. Nhưng biết làm sao được, một gã trai mới lớn như tôi vẫn bị cô gái xinh đẹp như cô ấy cuốn hút, dù hai chúng tôi có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, khi khác biệt về quan điểm sống càng ngày càng lớn thì chúng tôi chia tay. Tôi có gọi điện tâm sự với ông nội. Ông “ừ” hiền từ và điềm tĩnh, lắng nghe tôi kể chuyện một cách chăm chú nhưng không tỏ thái độ gì khác.
***
Bẵng đi một thời gian, tôi lại quen một cô bạn khác. Cô tên là Hạnh. Cô hay nói hơn Hãnh và chính cô là người lôi tôi ra khỏi tâm trạng u sầu từ khi chia tay Hãnh bằng những câu chuyện hài hước và hồn nhiên của mình.
Tôi lại bồng bềnh trong hạnh phúc và lại tính chuyện đi xa hơn. Và khi yêu Hạnh thì tôi muốn Hạnh biết về người ông mà tôi yêu quý và cảm phục nhất.
Hôm ấy, chúng tôi bất ngờ rẽ về quê thăm ông. Vào đến từ đường mà chẳng thấy ông đâu, chúng tôi đi xuống vườn rau. Ông tôi, quần xắn móng lợn, đang xách một xô nước phân để tưới rau. Hạnh vui vẻ chào:
“Cháu chào ông ạ”
Ông tôi ngẩng đầu lên:
“A, hai cháu đấy à. Lên nhà đi, ông làm tí nữa là xong ngay”.
Mười phút sau, ông mặc quần áo sạch sẽ ra tiếp chúng tôi. Tôi giới thiệu Hạnh với ông. Ông cười khà khà:
“Thế nào, hôm nay về thăm ông hay có việc gì không?”
“Dạ, chúng cháu chỉ về thăm ông thôi ạ”. Tôi nhìn ông cười ẩn ý.
Ông tôi cũng kín đáo nháy mắt với tôi:
“Vậy hai đứa ngồi chơi để ông làm cơm nhé”.
Hạnh ngạc nhiên:
“Ôi, ông vừa làm việc mệt, ông nghỉ đi ạ. Ông để cháu làm cơm cho được không ạ? Hay ít nhất cũng để cháu giúp ông ạ”.
Ông tôi vui vẻ:
“Được, vậy ba ông cháu mình cùng làm cơm nhé. Mọi nguyên liệu ở nhà đều có, rất sạch sẽ”.
Lần này tôi không tham gia nấu nướng, chỉ làm mấy việc lặt vặt như hái rau, rửa và nhặt rau. Còn việc nấu nướng là ông tôi và Hạnh cùng nhau làm.
Nhưng có nhiều người cùng làm, chỉ một loáng cơm canh đã lên mâm trong tiếng chuyện trò vui vẻ của ba ông cháu.
Như thường lệ, chúng tôi lại kê bàn ghế ra sân để ăn cơm.
Ông tôi định ngồi đầu nồi. Hạnh nhanh nhảu:
“Ông ơi, ông để cháu ngồi đầu nồi xới cơm cho ạ. Ở nhà cháu, cháu vẫn xới cơm cho cả nhà”.
Ông tôi cười khà khà và đổi chỗ cho Hạnh.
Hạnh ngồi thẳng lưng trên ghế, hai chân khép lại thả xuống đất. Cô tiếp đồ ăn vào bát của hai ông cháu tôi rồi ăn uống nhỏ nhẻ. Mỗi khi ông cháu tôi cần lấy cơm, cô lập tức đặt bát mình xuống để xới thêm cơm cho hai ông cháu. Khi hai ông cháu đã no bụng, cô mới thực sự dùng bữa.
Ăn xong, Hạnh thu dọn bát đũa, khéo léo vun vén đồ ăn thừa, đậy điệm cẩn thận rồi cất vào tủ lạnh. Rồi cô mang bát đũa đi rửa sau khi lấy tăm và khăn lau miệng cho cả hai ông cháu.
Sau đó, ba người ngồi uống trà ở sân.
Hạnh rót trà vào chén, hai tay bưng mời ông rồi hỏi:
“Ông ơi, ông ở đây một mình có buồn không ạ?”
Ông tôi nói:
“Thời gian đầu thì có cháu ạ. Sau rồi ông cũng quen. Vì thực ra ông chẳng có lúc nào rảnh rỗi để buồn cả. Nếu không chăm sóc từ đường thì ông lại chăn nuôi, trồng trọt. Phần lớn thời gian rảnh ông đọc sách. Thi thoảng ông đi thăm các cụ ở làng hoặc lên phố”.
Hạnh nói:
“Nhưng ông ở một mình nếu ốm đau thì ai chăm ông ạ?”.
Ông tôi tươi nét mặt:
“Nhờ giời và phúc đức các cụ để lại, ông cũng ít khi đau ốm. Ông cũng biết một chút về nghề thuốc nên tự chăm sóc mình được. Con cháu thì ở xa và cũng bận rộn lắm, ông không muốn phiền”.
Tôi thầm xấu hổ, thấy mình vẫn chưa thực sự quan tâm đến ông.
Ông tôi đứng dậy vào bếp lấy thêm trà. Hạnh cười hì hì bấm tôi:
“Đấy, cháu trai cưng của ông đã nghe chưa? Sao mà ông lại thấy phiền được anh nhỉ? Anh xem lại mình xem nào”. Hạnh nháy mắt tinh nghịch.
Tôi ậm ừ:
“Đúng là có lúc anh cũng vô tâm thật, cứ nghĩ ông còn khỏe mà không nghĩ đến những lúc trái gió trở giời ông chỉ có một mình. Anh sẽ thường xuyên về thăm ông hơn. Em có muốn đi cùng anh không?”.
Hạnh e lệ nhìn xuống đất, không nói.
Chúng tôi ngồi chuyện trò thêm một lát nữa rồi xin phép ông ra về. Trước khi ra về, Hạnh nói:
“Ông ơi, lần đầu cháu được gặp ông mà cháu thấy như được gặp lại người thân quen từ lâu lắm. Lần sau nếu anh Tiến về thăm ông, cháu lại xin phép được đi cùng để được nghe những câu chuyện của ông ạ. Đối với thanh niên chúng cháu, kinh nghiệm cuộc sống của ông rất có ích ạ”.
Ông tôi lại cười khà khà:
“Ồ, vậy hả. Ông cảm ơn cháu. Cháu rảnh rỗi cứ về đây chơi nhé. Ông cháu ta lại đàm đạo thêm. Ông cũng rất thích nói chuyện với lớp trẻ”.
Rồi ông nói thêm:
“Tiến nếu mai rảnh về đây ông nhờ chút việc nhé”.
Tôi “vâng ạ” và chúng tôi ra về.
Hôm sau, tôi có mặt ở quê. Ông bảo:
“Tiến này, ông thấy Hạnh được đấy cháu ạ, từ nết ăn đến nết ở đều tốt”.
Tôi ngạc nhiên:
“Ủa, té ra là việc này ạ. Lần trước cháu cũng chờ ông nhận xét về Hãnh mà ông chẳng nói gì. Mà lần này…”
Một tia chớp thoáng vụt qua đôi mắt tinh anh của ông nội tôi. Ông cười mỉm:
“Cháu có nghe câu này chưa: Khả dữ ngôn nhi, bất dữ chi ngôn, thất nhân; Bất khả dữ ngôn nhi dữ ngôn, thất ngôn. Trí giả bất thất nhân, diệc bất thất ngôn”.
Tôi hỏi:
“Nghĩa là gì hả ông?”
Ông nheo mắt nhìn tôi:
“Có nghĩa là: “Với người đáng nói mà không nói là bỏ mất người; với người không nên nói mà nói là phí lời. Người trí thức không bỏ phí người và không uổng lời”. Đó là lời Đức Khổng Tử trong sách Luận Ngữ”.
Ông không nói với cháu về Hãnh vì biết việc ấy vô ích. Cháu đang yêu Hãnh nên cháu sẽ không nghe ông. Giả sử cháu nghe ông mà chấm dứt với Hãnh, cháu sẽ băn khoăn và hối tiếc, ông chẳng nên can thiệp như vậy. Và ông cũng không chỉnh lại cách nghĩ của Hãnh, vì vô ích. Ông biết cháu cũng không làm được việc ấy. Ông đã dạy cháu nhiều điều, cháu phải tự nhận ra mình có phù hợp với Hãnh hay không. Đó là trải nghiệm của cháu mà không ai thay thế được”.
Tôi thắc mắc:
“Nhưng với Hạnh thì ông lại chủ động gọi cháu về đây để nói về cô ấy?”
Ông bảo:
“Vì ông không muốn mất người tốt. Cháu không mấy khi tìm được người như Hạnh đâu. Công, Dung, Ngôn, Hạnh đều đủ cả.
Tôi tròn mắt, không hiểu làm thế nào mà ông nhìn ra được cả Công, Dung, Ngôn, Hạnh.
Ông cười tủm tỉm khi nhìn thấy vẻ ngây ngô của tôi:
“Hạnh làm cơm khéo léo chẳng kém gì ông, chẳng phải là Công là gì? Vẻ mặt lúc nào cũng tươi vui hồn nhiên, tư thế đi, đứng, ngồi, ăn uống đoan trang ý tứ… chẳng phải Dung là gì? Cháu đừng nghĩ Dung là vẻ đẹp bề ngoài. Đúng là Hạnh không xinh đẹp bằng Hãnh, nhưng cô ấy có Dung, còn Hãnh thì không.
Tôi cứ há hốc miệng ra nghe ông nói đến quên cả khép miệng lại:
“Ông ơi còn Ngôn và Hạnh ạ?”
Ông bảo:
“Cô bé ấy ăn nói lễ phép, thưa gửi rõ ràng, kính trọng người trên, chẳng phải Ngôn là gì? Còn Hạnh ư? Cô ấy chẳng coi thường ông hôi hám bẩn thỉu, lôi thôi lếch thếch giữa vườn rau, cháu tưởng ai cũng làm được trong lần gặp đầu tiên ư? Ấn tượng ban đầu bao giờ cũng quan trọng nhất, nhất là với các cô gái trẻ, nhưng cô bé không coi trọng vẻ bề ngoài ấy. Rồi tự nguyện giúp ông làm cơm không phải là Hạnh thì là gì? Cháu nhớ cô ấy đã chăm sóc ông cháu mình ăn cơm thế nào chứ? Ăn xong thì cô ấy chủ động dọn dẹp, rửa bát. Và điều này còn quan trọng nữa…
Ông tôi ngừng lời một lát, ý nhị nhìn tôi:
“Cô ấy lo ông ở một mình ốm đau không có ai chăm sóc. Cháu xem, tất cả những điều ông vừa kể đều nói lên cái “Hạnh” của cô ấy đấy. Đó vừa là cô ấy biết nghĩ cho người khác trước khi nghĩ cho mình, vừa là bản năng làm mẹ làm vợ của một người con gái “thuần Việt”. Cháu đừng nghĩ rằng Công, Dung, Ngôn, Hạnh là cái gì xa lạ quá. Nó ở ngay trong phép cư xử thường ngày thôi”.
Ông nói thêm: “Ông chúc mừng cháu, bước đầu cháu đã tìm được một người con gái tốt làm bạn. Còn để có thể đi xa hơn nữa thì phải xem cháu cư xử với cô ấy thế nào, phúc phận của cháu đến đâu”. Ông cười giòn tan.
Tôi cũng cười phụ họa:
“Nhưng cháu có ông làm quân sư, cháu cũng đỡ lo hơn ông ạ. Với lại, chắc các cụ nhà mình cũng chứng giám và phù hộ cho cháu. Nhà mình có phúc lớn mà”.
Ông cháu tôi nhìn nhau tủm tỉm cười rồi cùng đi vào từ đường kính cẩn vái lạy. Hình như các cụ nhà tôi đang từ trên kia mà nhìn xuống hài lòng.
Bình Nguyên