Nằm tại vùng đất Nam Mỹ hoang dã có một đất nước được mệnh danh là đất nước của nhiều nền văn hoá cổ đại – Peru. Nơi đây đã từng tồn tại một nền văn minh phát triển vô cùng rực rỡ nhưng nhanh chóng lụi tàn trên dãy núi Andes hùng vĩ. Dù trải qua một thời kỳ lịch sử đầy biến động nhưng Peru vẫn lưu giữ được các di tích của những nền nền văn minh cổ xưa mà cho đến nay nó vẫn là một ẩn đố đối với nhân loại.
Tên gọi Peru bắt nguồn từ Birú, một quốc gia cổ của người châu Mỹ bản địa nằm gần vịnh San Miguel, Panama vào đầu thế kỷ 16. Các nhà thám hiểm Tây Ban Nha đã khám phá ra vùng đất này vào năm 1522 và khi đó, đây là vùng đất xa nhất về phương nam được người châu Âu biết đến. Do đó, khi Francisco Pizarro phát hiện ra vùng đất là đất nước Peru ngày nay, ông đã đặt tên cho khu vực này là Birú hay Peru. Vào thế kỷ 16, người Tây Ban Nha đã xâm chiếm vùng đất này và thành lập phó vương phủ Peru. Sau khi độc lập vào năm 1821, tên gọi chính thức của nước này là Cộng hòa Peru.
Xuôi dòng lịch sử, các nhà khảo cổ học đã nhận định rằng những nền văn minh bắt đầu xuất hiện tại Peru khoảng 6000 năm trước công nguyên. Vào khoảng 3.000 năm sau đó, người dân nơi đây bắt đầu chuyển từ lối sống du mục sang canh tác đất đai. Nền văn hóa cổ xưa nhất được biết đến là Chavin xuất hiện khoảng năm 900 TCN, và sau đó là nền văn hóa Paracas ở vùng bờ biển phía nam vào khoảng năm 300 TCN. Những nền văn hóa vùng ven biển của Peru khác như Moche và Nazca đã phát triển thịnh vượng trong khoảng từ giữa những năm 100 trước công nguyên đến năm 700.
Người Moche đã sản xuất ra những đồ kim hoàn và đồ gốm tuyệt tác. Còn người Nazca được biết đến về những đường vẽ kỳ bí trên cao nguyên và chúng được tạo ra trong suốt thời kỳ văn minh Nazca từ khoảng giữa năm 200 TCN đến năm 600. Những đường Nazca là bộ sưu tập của hơn 70 hình vẽ khổng lồ và chúng được nhìn thấy lần đầu tiên từ trên không vào năm 1972. Những bức vẽ gồm có chim ruồi, khỉ, nhện, thằn lằn,…Có đến 10.000 đường vẽ được tìm thấy và có một vài đường có kích thước dài đến 48 kilomet. Nhà toán học và thiên văn học người Đức Maria Reiche cùng một số nhà khoa học khác tin rằng đây chính là những biểu đồ tinh vi và là cách đánh dấu để quan sát thiên văn. Những người bản địa đã sử dụng chúng như một cách để giao tiếp với các vị thần. Đây vẫn được xem là một trong những bí ẩn khảo cổ vĩ đại và khó giải nhất của thế giới.
Nhưng những nền văn minh tại bờ biển đã nhanh chóng suy tàn và bị hủy diệt khi thảm họa El Nino xảy ra, mang theo lũ lụt và hạn hán. Những nền văn minh Andes như Huari và Tinawaku trở thành những nền văn hóa nổi bật với lãnh thổ bao gồm Peru và Bolivia ngày nay. Họ đã xây dựng những thành phố đầy quyền lực như Chancay, Sipan, Cajamarca và hai đế chế hùng mạnh Chimor và Chachapoyas. Khoảng năm 700, họ đã phát triển những hệ thống tổ chức xã hội, tiền thân của Đế chế Inca sau này.
Đế chế Inca có lịch sử từ năm 1438 đến năm 1572 và trong khoảng thời gian này đã phát triển thành một đế chế rộng lớn nhất thời kỳ Tiền Colombo tại châu Mỹ. Tên của đế chế Inca trong tiếng Quechua là Tihuantinsuyo, có nghĩa là Bốn vùng thống nhất, tức bốn đơn vị hành chính trong đế chế là Chinchasuyo, Antisuyo, Contisuyo và Collasuyo.
Đường biên giới của đế chế Inca đã mở rộng nhất vào đầu thế kỉ 16 bằng cả những cuộc chiến tranh chinh phục đẫm máu và sự liên kết hòa bình với các dân tộc khác. Pacha Kutiq là vị vua đầu tiên của đế chế Inca đã thực hiện những cuộc chinh phục các dân tộc láng giềng, hình thành nên đế chế Inca rộng lớn. Người Inca đã cai trị một vùng đất rộng lớn bao gồm các quốc gia hiện nay là Peru, Ecuador, một phần các nước Colombia, Bolivia, Argentina và Chile. Trung tâm hành chính, chính trị và tôn giáo của đế chế được đặt tại thủ đô Cuzco.
Tiếng Quechua là ngôn ngữ chính thức tại đây. Các dân tộc khác trong đế chế Inca vẫn được quyền thờ phụng tôn giáo và có lối sống riêng của họ, nhưng đều phải chấp nhận nền văn hóa và vị thần tối cao của Inca, thần mặt trời Inti. Vua Inca, cũng được gọi là Inca, được coi là đại diện của thần linh trên trái đất.
Đế chế Inca đã tổ chức một xã hội tập trung quyền lực và phân thành các đẳng cấp. Đế chế đã xây dựng một hệ thống giao thông vận tải dài tới 22.500 km kết nối mọi miền đất nước và những chasquis có nhiệm vụ truyền thông tin từ khắp nơi trên đế chế về Cuzco. Nền kinh tế của đế chế Inca rất phát triển, họ đã sử dụng một hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh để cung cấp nước tưới cho cây trồng, biến nhiều vùng đất hoang vu thành những cánh đồng màu mỡ trồng khoai tây và ngô.
Người Inca đã đạt được những thành tựu rực rỡ trong văn hóa, khoa học, kĩ thuật. Các sản phẩm đồ gốm, kim loại và vải vóc của người Inca đều đạt đến độ tinh xảo và có giá trị nghệ thuật cao. Họ có những biện pháp kĩ thuật đặc biệt để xây dựng những công trình bằng đá không cần dùng đến vữa mà các khối đã vẫn xếp rất khít nhau, trong đó phải kể đến quần thể kiến trúc Machu Picchu và những bức tường thành ở Sacsayhuaman, Cuzco.
Thánh địa Machu Picchu
Machu Picchu được xây dựng vào khoảng năm 1450, trên độ cao 2.430m của núi Andes tại thung lũng Urumbamba, Peru và bao quanh là nhiều sông, núi. Khi sử gia và nhà thám hiểm Hiram Bingham tìm thấy khu di tích này vào ngày 7/7/1911, nó hầu như bị cây cối phủ kín. Machu Picchu được coi là một trong những khu nghỉ dưỡng của giới quý tộc Inca. Thường được gọi với cái tên “Thành phố đã mất của người Inca”, tại đây các nhà thám hiểm đã khai quật được hàng nghìn di vật và mang chúng về Mỹ để nghiên cứu. Sau nhiều thế kỷ tranh cãi, cuối cùng Đại học Yale đã chấp thuận trả chúng trở về chỗ cũ vào năm 2010.
Ngày nay Machu Picchu là điểm tham quan nổi tiếng nhất Peru với trung bình 1.800 khách du lịch mỗi ngày. UNESCO đã công nhận di tích của đế chế Inca là Di sản thế giới từ năm 1983 và đến năm 2007, đây được bình chọn là một trong những kỳ quan của thế giới.
Pháo đài đá Sacsayhuaman
Pháo đài đá Sacsayhuaman là một công trình tuyệt vời khác của người Inca, tọa lạc tại độ cao 3.071 mét so với mực nước biển. Sacsayhuaman được xây dựng như một pháo đài, khu liên hợp bao phủ cả một khu vực rộng lớn, nhưng có lẽ những gì còn sót lại mà chúng ta được nhìn thấy hiện nay chỉ chiếm 1/4 khu liên hợp ban đầu, một nơi mà có thể chứa hơn 10.000 người. Theo ước tính của các nhà khảo cổ học, cấu trúc tường thành Sacsayhuaman dài khoảng 400 mét, cao 6 mét. Khoảng 6.000 mét khối lượng đá, một tảng đá đơn lẻ được dùng để xây dựng bức tường nơi đây có trọng lượng được ước tính từ 120 – 200 tấn được sử dụng để tạo nên công trình lịch sử vô giá này.
Những bức tường bên ngoài được xây dựng một cách đáng kinh ngạc, trong một mô hình ngoằn ngoèo nằm ở ba cấp bậc khác nhau. Những tảng đá được ghép lại với nhau chặt chẽ một cách đáng kinh ngạc và nằm xếp lớp theo một trật tự hết sức độc đáo và đẹp mắt. Sử sách Tây Ban Nha ghi lại rằng có khoảng 20 nghìn nhân công làm việc cùng lúc để xây dựng nơi này.
Nằm trong khuôn viên Sacsayhuaman còn có thêm một phế tích nhỏ của nền văn minh Inca đó là Muyuqmarca. Di tích cổ này gồm có 3 bức tường dạng vòng tròn đồng tâm, liên kết với nhau bằng các bức tường đá khác. Phải nói rằng, kĩ thuật xây dựng mà người xưa áp dụng để tạo nên công trình lịch sử này đến nay vẫn còn là “bài toán khó” chưa được “giải đáp” đầy đủ.
Ruộng bậc thang Moray
Bên cạnh Machu Picchu và Sacsayhuaman, mọi người còn biết đến quần thể ruộng bậc thang hình xoắn ốc của người Inca tại vùng Moray nên thường được gọi là “ruộng bậc thang Moray”, cách thủ đô Cuzco của Peru 50km về phía Tây Bắc, với khu dân cư gần nhất là làng Maras. Ruộng bậc thang nằm ở độ cao hơn 3.000m, những người Inca cổ đại đã xây ruộng bậc thang thành vòng tròn lớn, như một lòng chảo xoáy sâu xuống đất trông giống một đấu trường La Mã cổ đại. Khoảng cách giữa hai bậc thang từ 1,8m đến hàng chục mét. Vòng tròn ruộng lớn nhất nằm ở khu vực trung tâm, sâu tới 150m, đủ sức chứa một tòa nhà 50 tầng, khiến ai đứng từ trên nhìn xuống cũng phải choáng ngợp.
Có tất cả 6 ruộng bậc thang tương tự, tất cả đều xếp thành một vòng tròn hoàn hảo. Độ chênh lệch giữa các ruộng này rất lớn, tạo ra các vùng tiểu khí hậu khác nhau. Điều lý thú ở ruộng Moray là sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn (cách nhau tới 15 độ C) giữa đỉnh và đáy ruộng trong cùng một thời điểm. Do vậy, tổng thể ruộng Moray có đến 20 loại khí hậu khác nhau, nhiệt độ ở một số vòng trên ruộng trùng khớp với nhiệt độ tự nhiên của các nông trang ven biển ở gần núi Andes, mặc dù Moray nằm cách mực nước biển tới 1.000m. Người Inca cũng đã vận chuyển đất từ nhiều vùng khác nhau tới đây để xây dựng nên ruộng bậc thang này.
Cho tới tận bây giờ, sự thật về ruộng bậc thang Moray vẫn nằm trong lớp sương mù của đỉnh Andes bởi vì không ai biết được chính xác người xưa đã xây dựng Moray để làm gì. Có giả thuyết cho rằng ruộng bậc thang Moray là một khu ruộng để trồng cấy. Lý do này khá thuyết phục vì từ điều kiện tưới tiêu đến nhiệt độ chênh lệch đều khá phù hợp và người dân quanh dãy Andes cũng có truyền thống sống bằng trồng trọt, chăn nuôi lâu đời. Nhưng một giả thuyết khác lại có nhận định rằng ruộng Moray được xây dựng để phục vụ cho các nghi lễ tôn giáo như cúng tế thần linh, lập đàn… Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn chưa có một tài liệu nào chứng thực điều này.
Cánh đồng muối Maras
Nếu như di tích Inca mới chỉ xuất hiện từ đầu thế kỷ 13 thì dòng suối mặn cùng với những cánh đồng muối ở Maras có lịch sử từ thời Văn hóa Chanapata (từ 200 năm đến 900 năm trước Công nguyên). Một điều đặc biệt là những cánh đồng muối trên thế giới thường nằm gần biển nhưng đồng muối Maras nằm ở độ cao 3.000 m trên dãy núi Andes. Cánh đồng muối này không chỉ được thiên nhiên ưu ái cho dòng nước mặn “độc nhất vô nhị” mà còn là một danh thắng tuyệt đẹp.
Nước mặn nổi lên vào mùa xuân từ một lối thoát tự nhiên của dòng nước ngầm cực kỳ mặn. Nguyên nhân là vì khu vực này từng nằm hoàn toàn dưới đáy biển. Dòng chảy được hướng vào một hệ thống các kênh nhỏ, nước sẽ chảy dần dần xuống hàng trăm hồ bậc thang cổ xưa. Khi muối bốc hơi, nước kết tinh xung quanh các cạnh của ao. Mỗi ô muối thuộc về một gia đình khác nhau và họ tự canh tác. Đồng muối ở Maras có tới hơn 5.000 ô muối, mỗi ô chỉ khoảng 4m2, nhưng các diêm dân Peru không bao giờ nhầm lẫn ô muối của họ. Công việc sản xuất muối được truyền qua nhiều thế hệ từ thời Inca đến nay.
Những biến động địa chất và dịch chuyển của thềm lục địa đã đẩy đáy biển lên và hình thành dãy núi Andes. Một lượng nước biển lớn bị mắc kẹt trong những kẽ đá và hình thành nên dòng suối ngầm chứa nước mặn mà dân ở đây gọi là Qoripujio. Muối ở Maras có mặt tại những nhà hàng sang trọng hàng đầu ở Peru và được xuất khẩu sang Nhật Bản, Thụy Sỹ. Giá muối Maras trên trang mua sắm trực tuyến Amazon cao gấp 10 lần so với mua ngay tại địa phương. Muối Maras đặc biệt không chỉ ở vị và màu muối phớt hồng mà chính là từ lượng khoáng như magie, sát, canxi, kẽm… giúp giảm căng thẳng và ngăn ngừa các bệnh loãng xương, thiếu máu.
Đất nước Peru huyền bí sẽ là điểm đến lý tưởng cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu và khám phá những nền văn minh tiền sử và hãy tự mình đi tìm câu trả lời cho những bài toán chưa có lời giải ở nơi đây.
Tâm Liên – Thiên Lộ