Năm vừa rồi, tôi có dự buổi họp phụ huynh cuối năm của cô con gái hiện đang học lớp 5. Trong buổi họp, có một người mẹ mù chữ đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc dạy con trở thành học sinh giỏi của lớp đã khiến các phụ huynh khác phải trầm trồ cảm phục!

Người phụ nữ này đã kể rằng:

Tôi là một người mù chữ, chưa từng được đến trường đi học như mọi người. Khi con gái tôi học năm lớp hai, một lần thầy giáo chủ nhiệm lớp đã gọi tôi đến gặp riêng tại văn phòng của thầy ở trường. Thầy giáo đã nói với tôi rằng: “Con gái cô học kém nhất lớp, lại không chịu làm bài tập, cô bé đã kéo thành tích của cả lớp đi xuống đấy!” (Thầy giáo này bây giờ đã không còn dạy nữa rồi). Lúc ấy, tôi thực sự rất buồn và cũng rất lo lắng, lo lắng đến phát khóc bởi vì trong đầu tôi tràn ngập ý nghĩ: “Tôi không biết chữ thì sao có thể giúp con học bây giờ?”

Khi ấy, tôi thường được nghe người ta nói rằng, cha mẹ là tấm gương quan trọng của con cái. Cho nên, trong đầu tôi chợt này sinh một ý nghĩ: “Hay là mình thử ngồi học cùng với con gái xem sao?” Và thế là vào mỗi buổi tối, trong nhà tôi không xem ti vi nữa, tôi cũng cầm cuốn sách của con gái để học. Con gái khi thấy tôi học, bé cũng chăm chú học theo mà không làm việc gì khác.

Nhưng một thời gian ngắn sau thì con gái tôi cảm thấy chán ghét kiểu học đó. Khi ấy, tôi lại phát hiện ra rằng, con gái tôi rất thích được khen ngợi và khích lệ. Thế là, tôi để cho con gái làm cô giáo dạy dỗ tôi mối tối. Mỗi ngày, con gái đi học về, cô bé sẽ dạy lại tôi những điều con được học ở trường. Quả nhiên, tôi thấy con gái rất hào hứng, thậm chí con gái còn phê bình tôi viết chữ xấu, làm tính sai…Khi đã làm cô giáo của mẹ, cháu tự nhiên cũng có ý thức viết chữ nắn nót hơn, sạch sẽ hơn, chăm chú học tập hơn. Không ngờ, chỉ sau một thời gian ngắn, thành tích học tập của con gái tôi đã tiến bộ rất nhiều.

Nhưng mà, vì còn là trẻ con, nên tính kiên nhẫn của cháu vẫn chưa đủ. Có đôi khi, con chán nản không làm bài, hay đến gần đi học rồi mới làm. Tôi lại phải suy nghĩ và tìm kiếm phương pháp. Thế rồi, tôi đưa ra một cách là cùng thi đấu với con gái, xem ai làm bài nhanh hơn sẽ nhận được phần thưởng là một đồ ăn nào đó. Biết rằng, tâm lý trẻ con thường hiếu thắng, nên con gái lúc nào cũng cố gắng làm xong trước mẹ để được phần thưởng.

Mỗi khi con gái gặp bài không hiểu, tôi chỉ có thể tỏ vẻ thông cảm với con. Nhưng những khi ấy, tôi cũng giống như một học sinh tiểu học thành kính mà mong muốn được cô giáo giải đáp. Thế là ngày hôm sau, cháu lại đến hỏi giáo viên ở trường cho thật hiểu rồi lại về nhà chỉ bảo cho mẹ. Thực sự điều đó đã khiến con gái tôi rất hào hứng, cháu luôn muốn tìm tòi và hiểu thấu đáo để dạy lại cho mẹ.

Cứ như thế, tôi cứ làm một học sinh và con gái làm một cô giáo. Dần dần về sau này, cháu cũng tìm kiếm những câu chuyện để kể lại cho mẹ nghe, nên khả năng viết văn và khẩu ngữ của cháu cũng tốt lên rất nhiều. Bây giờ thì tôi đã yên tâm hơn vì cháu đã tự giác học tập và trong quá trình học tập cũng luôn cố gắng học tốt, hiểu sâu để về giảng cho “học trò” nghe. Có đôi khi cháu cũng chán, những khi ấy tôi lại cùng cháu chơi một lát, nghỉ ngơi một lát cho thoải mái.

Người mẹ mù chữ nói xong, toàn hội trường chúng tôi vỗ tay vang dội.

Quả thực, người mẹ ấy trong việc học tập của con gái, cô không bao giờ nghĩ mình là “mẹ”, mà coi mình là một “học sinh” để khích lệ, cổ vũ con gái.

Trên thực tế, đối với việc học tập của trẻ, không cần nhất thiết phải có cha mẹ có kiến thức uyên bác sâu rộng mới dạy được. Thậm chí có những bậc cha mẹ có kiến thức sâu rộng, khi con hỏi bài còn trả lời hộ con, giải đáp hộ con. Từ đó khiến con hình thành thói quen ỷ lại, lười suy nghĩ.

Khi thói quen đó được hình thành rồi, nếu như không có bố mẹ ở bên cạnh, trẻ có thể khó khăn trong việc làm bài, thậm chí còn có thể không hoàn thành được bài tập.

Khi hướng dẫn trẻ học tập, với tư cách là cha mẹ chúng ta nên:

  1. Cho con một hoàn cảnh yên tĩnh, đừng mở ti vi xem hay nói chuyện phiếm rồi trách mắng con không chú tâm học bài.
  2. Quan tâm đến trẻ. Có đôi khi, cha mẹ chỉ ngồi lặng im cũng sẽ khiến trẻ tự có ý thức nghiêm túc hơn vì trẻ biết rằng đang có người quan sát đến mình.
  3. Cha mẹ chính là tấm gương rất quan trọng của trẻ. Nếu trong nhà, cha mẹ thường xuyên chơi bài bạc, không thích đọc sách, …thì muốn trẻ chăm chú học tập và chăm chỉ đọc sách là điều rất khó.
  4. Dành cho con một không khí “hài lòng, mãn nguyện”. Nếu như bạn không thể cùng con học tập như người mẹ trên đây, thì hãy để cho trẻ học cùng bạn bè hay hàng xóm…cũng là một phương pháp không tệ, bởi vì không khí sẽ khiến cho bọn nhỏ trở nên chăm chú hơn, bởi vì có sự cạnh tranh sẽ khiến trẻ ra sức cố gắng hơn.
  5. Vấn đề của mình phải tự mình giải quyết. Trong việc học tập của trẻ, kiến nghị các bậc cha mẹ hãy đóng vai trò ủng hộ và cổ vũ, không giải quyết vấn đề giúp con, hãy khuyến khích trẻ tự mình giải quyết vấn đề của mình.

Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch

Xem thêm: