Đại Kỷ Nguyên

Phút lâm chung của cụ ông 92 tuổi và ước nguyện cuối cùng khiến nghìn người bật khóc

Khi nghe tới câu kết của những câu chuyện cổ tích về tình yêu “Và họ sống bên nhau hạnh phúc mãi mãi…”, bạn sẽ cười và nghĩ rằng mình đã quá lớn để có thể tiếp tục tin vào những điều đẹp đẽ như thế. Vậy, xin hãy tìm cho mình một góc bình yên vào một sáng chủ nhật đẹp trời bên một tách trà thơm, để đọc và ngẫm nghĩ về một tình yêu ngoài đời thực được kể trong câu chuyện dưới đây. Có lẽ nó sẽ khiến bạn suy nghĩ lại về niềm tin của mình. 

Cụ Feng (92 tuổi) và vợ của cụ (95 tuổi) đến từ thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang đã làm được điều mà rất ít cặp vợ chồng có thể thực hiện, đó là chung sống hạnh phúc với nhau 66 năm và cho đến khi sắp qua đời, họ vẫn không muốn rời xa.

Cả hai cụ do bị bệnh mà phải nằm điều trị trong bệnh viện Ngân Châu. Cụ ông bị bệnh tim nặng còn vợ của ông thì bị gãy xương. Do đó tuy cùng một bệnh viện nhưng hai cụ phải nằm điều trị ở hai tầng khác nhau. Biết mình không thể qua khỏi, cụ Feng đã bày tỏ với con cháu và các bác sĩ một ước nguyện cuối cùng của mình trước khi nhắm mắt, đó là cụ muốn được gặp lại vợ và nắm tay bà lần cuối.

Với sự giúp đỡ của các bác sĩ, gia đình cụ đã sắp xếp cho hai cụ được đoàn tụ. Cụ Feng và vợ được đặt nằm cạnh nhau trong phòng bệnh. Sau bao ngày xa cách vì phải điều trị bệnh, khi gặp lại, hai cụ đều khóc. Cụ ông lúc này không thể nói được gì, chỉ run run với tay sang, nắm chặt lấy tay cụ bà. Giờ phút này đây, khi đã đi với nhau gần tới cuối con đường, bao đắng cay ngọt bùi đều cùng nhau mà trải qua hết, thì cái nắm tay giản dị cũng đã đủ nói lên tất cả nỗi lòng.

Cụ Feng trao cho vợ ánh mắt đầy yêu thương. Vẫn là ánh mắt ấy, ánh mắt của cách đây hơn sáu thập kỷ, ông dành cho bà khi hai người còn bẽn lẽn với nhau trong ngày cưới, hay như khi ông lau những giọt nước mắt hạnh phúc trên gương mặt bà lúc hai người đón đứa con đầu tiên trong vòng tay. Vẫn chỉ một ánh mắt ấy, êm đềm mà ấm áp, chất chứa bao yêu thương… Đối với họ, chỉ cần còn tay trong tay, chỉ cần còn có thể nhìn vào đôi mắt nhau, hai cụ đều hiểu người kia muốn nói gì…

Nhìn thấy cụ ông, được đôi bàn tay run run còn chút hơi sức cuối nắm chặt bàn tay mình trong ấy, cụ bà dịu dàng an ủi: “Tôi sẽ chăm sóc bản thân mình. Sau khi về nhà, tôi sẽ tìm ông”. Đến hơi sức cuối cùng rồi, cụ vẫn nghĩ đến việc tự chăm sóc bản thân mình chỉ để người kia an tâm mà thôi lo lắng.

Ước nguyện cuối cùng đã được thực hiện, cụ Feng được đưa về nhà. Và đúng hai tiếng sau khi nắm tay người vợ đã gắn bó 66 năm, cụ ông đã ra đi thanh thản tại nhà riêng.


Bức ảnh chụp cụ Feng và vợ trong một buổi lễ.

Giây phút đoàn tụ cảm động ấy làm lay động trái tim của tất cả mọi người có mặt, khiến tất cả đều không kìm được nước mắt. Một nữ y tá có mặt tại phòng bệnh lúc đó cùng hai cụ đã chụp lại cảnh tượng đầy ý nghĩa này và chia sẻ lên mạng. Cô nói: “Tôi không biết mình có thể trải nghiệm một cái nắm tay cảm động như vậy vào lúc cuối đời hay không?”.  

Sau khi được chia sẻ, câu chuyện đã lan truyền mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội của Trung Quốc. Cư dân mạng đều bày tỏ sự ngưỡng mộ trước câu chuyện tình sắt son hai vợ chồng cụ Feng. “Tình yêu của họ quá vĩ đại. Câu chuyện này thật cảm động, khiến tôi cứ khóc mãi”, một thành viên bình luận. Thành viên khác thì viết: “Đây mới là vợ chồng thực sự. Với những cặp đôi trẻ mới kết hôn hiện nay, có bao nhiêu trong số họ có thể làm như thế khi về già?” và phần đông người đều tự hỏi: “Liệu ta có tìm được người mà nguyện ở cùng ta đến cuối đời như thế không?”.   

Hãy cùng ngắm thêm một số hình ảnh đẹp của hai cụ. Đây là bức ảnh tuyệt đẹp chụp cặp đôi sau khi hai người kết hôn không lâu.

Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, đến tuổi nghỉ hưu, hai cụ dành toàn bộ thời gian ở bên và chăm sóc nhau. Trong ảnh, trông hai cụ đều rất hạnh phúc. Có vẻ như họ đang vui vẻ tận hưởng quãng thời gian hưu trí thảnh thơi của mình bên con gái và cháu ngoại đáng yêu.

Còn đây chính là bức ảnh chụp lại trong buổi gặp mặt cuối cùng của hai cụ trong bệnh viện. Bức ảnh minh chứng cho tình yêu bền chặt và ân nghĩa vợ chồng nặng sâu, dường như sắp chỉ còn hiện hữu trong những câu chuyện cổ tích mà thôi.

Chắc hẳn câu chuyện này đều để lại trong mỗi chúng ta một cảm xúc, một dư âm thật đẹp về một trong những mối nhân duyên đặc biệt nhất trong cuộc đời mỗi con người. Hãy thử cùng nhau lý giải một chút tại sao cuộc hôn nhân của hai người lại bền chặt, dài lâu đến vậy? Liệu có phải, họ đều thuộc về lớp người đi trước, lớp người mà quan điểm về hôn nhân khiến hậu thế chúng ta luôn chê cười là cổ hủ, là không văn minh. Lấy nhau do cha mẹ sắp đặt, nhưng những người thời xưa ấy, họ tin vào ông Tơ, bà Nguyệt, cũng chính là tin vào sự an bài của mệnh số. Họ hiểu người mà mình kết đôi ấy, chính là người mình cần gặp, cần dùng nhân nghĩa, dùng đạo phu thê mà đối đãi.

Niềm tin nguyên sơ này giúp họ “thản nhiên” mà chấp nhận người kia, không so đo, tính toán. Chỉ một tâm làm cho đúng bổn phận của mình: Chồng luôn là người gánh vác cả gia đình, tận lực tạo cho vợ con một nơi nương tựa vững chãi mà ấm áp. Còn vợ thì luôn gắng sức làm vẹn toàn thiên chức của mình: dùng sự nhu hòa mà chăm sóc chồng, dạy dỗ các con. Vợ chồng cứ ngày qua ngày, lấy “tương kính như tân” mà đối đãi với nhau, trong tâm luôn giữ sự chân thành và bao dung mà sống với người kia. Sống như vậy hỏi sao có thể không cùng nhau đi tới ngày “đầu bạc răng long”. Chỉ tới khi được đọc những câu chuyện thật quá hiếm hoi như thế này, người đương thời mới thật sự hiểu thấu câu “đầu bạc, răng long” và nhận ra rằng nó không phải là một lời chúc mừng sáo rỗng, mà đó là cách mà con người chúng ta ngày trước thực sự đã sống.

Hi vọng rằng, câu chuyện của cụ Feng và người vợ thân yêu đã giúp bạn nhớ lại được những nghĩa tình mà người vợ, người chồng đã trao tặng cho mình trong cuộc sống, để từ đó thêm yêu thương và trân trọng người bạn đồng hành của mình trên những chặng tiếp theo của cuộc hành trình.

Bảo Ngọc biên dịch
Theo LifeBuzz

Xem thêm:

 

Exit mobile version