“Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”, suy nghĩ ấy đã thành tự nhiên trong tâm thức mỗi người Việt khi nhắc tới mối quan hệ giữa cha dượng, mẹ ghẻ với con riêng của vợ, của chồng.
Có lẽ, vì không cùng dòng máu, không dứt ruột đẻ ra nên tình thương mà những người bố, người mẹ kế tiếp không đủ lớn và tấm lòng họ không đủ bao dung để yêu thương những đứa con riêng. Nhưng câu chuyện dưới đây sẽ cho bạn thấy một sắc màu hoàn toàn khác, rằng không ngờ, trên cuộc đời này, lại có những người cha dượng như thế…
Hồng, một cô gái Kiên Giang xinh xắn, nhanh nhẹn đang có cả tương lai ở phía trước. Nhưng, vào một ngày năm 2013, Hồng tỉnh dậy và ngỡ ngàng khi nhìn thấy đôi chân mình sưng phồng mà không rõ nguyên do. Từ sau ngày đó, có cảm thấy thân thể mình biến đổi rất nhanh: Hồng nhanh chóng sụt 7kg và luôn cảm thấy trong người mệt mỏi. Cô có cảm giác hệt như có một sức mạnh nào đó đang rút dần sự sống ra khỏi thân thể mình.
Đôi chân sưng phồng, dấu hiệu đầu tiên của những tháng ngày đau đớn nhất trong cuộc sống của Hồng (ảnh minh họa)
Mẹ Hồng cũng đang có bệnh và cần tĩnh dưỡng, nên Hồng chỉ có thể chia sẻ nỗi lo lắng đang đè nặng trong cô với cha Xuân, người mà tới năm 20 tuổi, cô mới biết ông chỉ là cha dượng của mình. Cha Xuân về ở với mẹ cô khi Hồng mới ba tuổi, ông có với mẹ cô hai người em gái, nhưng Hồng chưa bao giờ có cảm giác mình không phải con ruột của cha cho tới khi được biết sự thật.
Nhận được tin, cha nhanh chóng đưa Hồng vào bệnh viện khám. Khi trở về, hai cha con mang theo một nỗi đăm chiêu: Bác sĩ kết luận thận của Hồng đang dần bị xơ hóa, chức năng lọc máu sẽ mất dần, bệnh “suy thận mạn” của cô đã vào giai đoạn nặng nhất và cô cần phải chạy thận mới có thể duy trì sự sống.
Và thế là, tuần nào cũng vậy, đều đặn ba lần, Hồng được cha Xuân chở vào bệnh viện chạy thận, không thiếu buổi nào. Nhìn con gái ngày càng gầy đi, xanh xao hơn mà lòng ông thắt lại, ông không cam tâm nhìn tuổi trẻ của con gái bị nhốt chặt trong nhà giam của nỗi đau cơ thể lẫn tinh thần. Lần nào thấy cha Xuân nghiêng đầu hỏi có cần gì không, cô luôn mỉm cười để ba cảm thấy an tâm, mặc dù ông thấy những giọt nước mắt đau đớn luôn chực rơi nơi khóe mắt cô. Mỗi lần như vậy, ông đều muốn nắm lấy tay con gái mà bày tỏ ước ao lớn nhất lúc này: Nếu cha cho con một quả thận mà có thể cứu được mạng sống của con, cha sẽ nói bác sĩ thực hiện ngay lập tức.
Cha Xuân quyết định xin bác sĩ hiến thận cho con gái, bởi mẹ của Hồng sức khỏe quá yếu, không đảm bảo được an toàn trong quá trình phẫu thuật, trong khi đó là hi vọng duy nhất giúp cô trở lại với cuộc đời. Quyết định vậy, hai bố con đưa nhau từ Kiên Giang lên Sài Gòn chuẩn bị kiểm tra, xét nghiệm trước khi tiến hành cấy ghép. Hồng không nuôi quá nhiều hi vọng, vì cô biết, khả năng thận của cha Xuân không thích hợp với cơ thể cô luôn có thể xảy ra. Tuy vậy, cô vẫn quyết định sẽ cùng cha Xuân giữ niềm tin tới chừng nào có thể.
Mấy hôm sau xét nghiệm, các bác sĩ báo kết quả với hai cha con. Cha Xuân không thể cho Hồng quả thận của mình vì ông có cùng nhóm máu với cô, nhưng kháng thể của hai người không tương thích. Như vừa đánh rơi mất niềm hi vọng mong manh nhất của con gái, cha Xuân chỉ còn biết lặng lẽ khóc… Về tới quê, cha nói kết quả cho mẹ Hồng nghe, nhưng dường như ông đã lấy lại được sức mạnh của một người cha: Dù có chuyện gì đi nữa, tôi cũng sẽ phải tìm được cách để cứu con gái mình.
Và như đáp lại tấm lòng yêu thương và trái tim không ngừng nuôi hi vọng của cha Xuân, một năm sau bác sĩ báo cho Hồng và gia đình cô biết “có một tia sáng ở cuối đường hầm!”
Ở Đắk-Nông, có chị Huề và mẹ cũng đang ở trong cuộc tìm kiếm thận cấy ghép giống cha con Hồng. Chị Huề và mẹ cũng cùng nhóm máu B, nhưng cũng không thể tiến hành cấy ghép vì kháng thể không phù hợp. Trong cái rủi lại có cái may, sự thất vọng của hai gia đình nay lại có thể tạo ra hi vọng cho tất cả. Bác sĩ Sâm, Trưởng Khoa Tiết niệu, bệnh viện Chợ Rẫy giải thích cho hai cặp bệnh nhân của mình: Nếu hai gia đình này hoán đổi chéo thận cho nhau thì kháng thể chống kháng nguyên của người cho và người nhận sẽ tương thích và hòa hợp với nhau về mặt miễn dịch.
Cả bốn người nhanh chóng được đưa lên bàn mổ, cha Xuân của Hồng sẽ trao thận cho chị Huề, còn Hồng sẽ cấy ghép thận của mẹ chị. Vào ngày 11 tháng 1, cả hai ekip mổ đã cùng tiến hành mổ nội soi để lấy thận của cha mẹ hai bệnh nhân rồi sau đó tiến hành cấy ghép thận cho hai cô con gái. Cả bốn ca mổ đều diễn ra rất thuận lợi, vậy là, đã có hai con người được trao tặng một sự sống mới.
Ekip các bác sĩ đã thực hiện ca phẫu thuật ghép thận cho Hồng
Tuy là những bệnh nhân đầu tiên cấy ghép thận chéo ở Việt Nam, nhưng kết quả cuộc phẫu thuật của họ rất thành công. Hai thận ghép đều hoạt động ngay sau khi mở clamp mạch máu, có nước tiểu ngay. Chức năng thận của Hồng và chị Huề đều trở về bình thường sau khi cấy ghép hai ngày. Với tình trạng ổn định, cả hai đều được xuất viện bảy ngày sau ca phẫu thuật.
Thấm thoắt một tháng trôi qua, cha Xuân đã thấy sắc hồng trở về trên gương mặt Hồng. Tình trạng sức khỏe của chị hồi phục rất nhanh chóng, có lẽ vì tinh thần của chị đã thoát ra khỏi sự ám ảnh của những chiếc máy lọc máu, và của những suy nghĩ mờ mịt về tương lai. Nhưng hơn hết thảy, tình thương, sự chăm sóc của mẹ, và nỗ lực hết mình của người cha “dưỡng thành” đã tiếp thêm cho cô rất nhiều nghị lực, để mau chóng bình phục, trở về với cuộc sống nơi mà gia đình nhỏ của cô – nơi hai đứa con thơ đang mong nhớ từng ngày.
Một tháng sau ca phẫu thuật, Hồng (giữa) và chị Huề trở về thăm các bác sĩ, gương mặt chị một sức sống hoàn toàn mới
Tuy không sinh ra Hồng nhưng cha Xuân đã dùng tình thương yêu chân thành để chăm sóc, nuôi nấng chị từ ngày còn thơ bé. Những gì ông làm cho Hồng khi cô ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất có lẽ đã nói với trái tim cô một điều: Cha Xuân không sinh ra cô, nhưng ông đã cho cô cơ hội thứ hai để sống bằng chính một phần thân thể ông. Bây giờ, Hồng đã có thể nói với mọi người rằng ông đã trở thành người cha thật sự thứ hai của cô, người đã sinh cô ra thêm một lần nữa và không phải ai cũng nhận được may mắn to lớn ấy.
Câu chuyện của Hồng và dượng Xuân của cô đã khiến cho chúng ta có thêm niềm tin vào tấm lòng thiện lương và tình cảm chân thành giữa con người với con người – một điều được coi là xa xỉ trong thế giới đang dần trở nên hỗn loạn. Tình người chính là sự thương yêu chân thành cho đi mà không cần một sự đáp lại. Tình người không có gì cao siêu mà đơn giản là đặt mình vào vị trí của người khác để cảm nhận được nỗi đau của họ, nỗ lực xoa dịu những nỗi đau ấy, và san sẻ những gánh nặng mà người kia đang mang. Dượng Xuân trao đi yêu thương mà không thể ngờ rằng yêu thương của mình đã thắp lên hi vọng cho không chỉ một mình Hồng. Tấm lòng của dượng như một cơn gió đưa những chân thành đi thật xa… lan tỏa và tìm đến với thật nhiều những tấm lòng khác…
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”
Ly Ly (Tổng hợp)
Xem thêm:
- Cha dượng hiếm muộn 16 năm chăm sóc con riêng của vợ, ngày sinh nhật cô tặng món quà khiến anh òa khóc
- 8 câu chuyện thấm đẫm tình người gây xúc động cộng đồng mạng Việt Nam năm 2016, số 2 khiến trái tim bạn tan chảy
- Ngập chìm trong bóng tối bệnh tật, điều kỳ diệu gì đã giúp cô gái trầm cảm nặng tìm thấy ánh sáng cuộc đời?