Đại Kỷ Nguyên

Quán cà phê Sherose Hangout tại Ấn Độ, nơi những ‘bóng hồng mạnh mẽ’ xây lại cuộc đời

Quán cà phê Sheroses Hangout nằm không xa đền Taj Mahal, biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu. Từ bên ngoài nhìn vào, bạn sẽ khó nhận ra sự đặc biệt làm nên sức hấp dẫn của quán với du khách, cho đến khi nếm thử những món ăn và biết rằng từ người đầu bếp cho tới nhân viên phục vụ của quán đều là những người đã sống sót sau những vụ tạt axit kinh hoàng. 

Ở Ấn Độ, tạt axit đã trở thành một vấn nạn rất lớn trong xã hội. Theo các số liệu thống kê, nước này ghi nhận được hàng trăm vụ tạt axit mỗi năm. Nạn nhân chủ yếu của tội ác này đều là phụ nữ thuộc nhiều lứa tuổi. Những nguyên nhân của hành động bạo lực này đa phần xuất phát từ những cãi vã trong gia đình, sự ghen tị, những lời từ chối hôn nhân, đôi khi cả những trường hợp nhầm lẫn danh tính.

Khuôn mặt bị biến dị, sức khỏe bị ảnh hưởng, những người sống sót sau khi bị tạt axit thường chọn cách sống tách mình. Họ mang nhiều mặc cảm tự ti, tội lỗi về gương mặt của mình, sự tủi nhục và cả những câu hỏi “Tại sao người đó lại làm như vậy?”. Họ chọn giấu mình trong cuộc sống bó hẹp. Lựa chọn ấy giúp họ tránh được những ánh nhìn sợ hãi, soi mói, kỳ thị và thiếu cảm thông.

Tuy nhiên, dù có mang khuôn mặt biến dị, những người phụ nữ ấy vẫn là những con người. Đã là con người liệu có ai không ước ao được là một người có ích, được làm việc và được ước mơ.

Cảm nhận được điều đó, năm 2014, tổ chức phi chính phủ Stop Acid Attacks (Tạm dịch: Dừng lại những vụ tấn công bằng axit) đã khai trương Sheroses Hangout, một không gian mà ở đó những người phụ nữ không may mắn này có cơ hội bước ra ánh sáng và bắt đầu xây dựng cuộc đời.

Khung cảnh bên ngoài của Sheroses Hangout Cafe.

“Chúng tôi không thể giết chết mong muốn tìm kiếm hạnh phúc, cũng như giấc mơ của chính mình. Vậy nên, chúng tôi muốn bước ra như những chiến binh, chứ không phải là những nạn nhân”, Laxmi Agarwal, một thành viên của Stop Acid Attacks chia sẻ. Cô bị tấn công bằng axit sau khi từ chối một lời cầu hôn vào năm 16 tuổi.

Quán cà phê này được truyền cảm hứng từ một hiệu làm đẹp dành cho những phụ nữ không may mắn ở Pakistan, sự chung vốn của nhiều thành viên cho phép nhà hàng có thể vận hành như bất kỳ nhà hàng thực thụ nào. Đây chính là không gian an tâm nhất để những nạn nhân của axit có thể cùng nhau làm việc, học hỏi và phát triển bản thân.

Nhà hàng được vận hành bởi năm người phụ nữ sống sót sau tội ác axit. Họ đảm nhiệm tất cả các vị trí từ đầu bếp, phục vụ bàn, kế toán cho đến quản lý nhà hàng. Họ đến từ những hoàn cảnh rất khác biệt, nhưng câu chuyện axit kinh hoàng mà họ cùng phải trải qua đã tiếp cho năm người phụ nữ một mong muốn mạnh mẽ: Dùng cuộc sống của chính mình để làm nguồn cảm hứng cho những người phụ nữ cùng chung hoàn cảnh.

Năm “nữ anh hùng” của quán.

Sheroses Hangout là mô hình quán cà phê phục vụ ăn uống, nhưng đồng thời cũng là không gian để giao lưu và gặp gỡ.

Quán được trang trí bằng nghệ thuật thị giác. Vẻ đẹp của phụ nữ là chủ đề xuyên suốt của nội thất quá. Vẻ đẹp của người phụ nữ nói chung được khắc họa bằng tranh tường. Đan xen vào đó là ảnh chụp những nạn nhân của axit. Nhưng họ không treo những bức ảnh của sự đau khổ. Ngược lại, đó là những bức hình chụp những nhân viên của quán lúc họ tự tin và đẹp nhất. Đây là cách mà Sheroses chọn để cổ vũ những “nữ anh hùng” của mình.

Những bức ảnh đẹp nhất của các nhân viên cũng được treo trang trọng trong quán.

Tới đây, thực khách còn tìm thấy cho mình một thư viện với sách báo ngày càng phong phú, một cửa hàng nhỏ bán đồ thủ công. Ở đó, bạn cũng có thể tìm thấy những bộ quần áo do một nhân viên trong chính cửa hàng thiết kế. Sheroses mong muốn được phát huy tối đa tài năng, sự sáng tạo của những những người phụ nữ này.

Thư viện và góc nhỏ bán đồ thủ công và thời trang.

Với tư cách là một nhà hàng, Sherose đã thực sự chinh phục được trái tim của các thực khách bởi chất lượng, mùi vị tuyệt vời của món ăn cùng cung cách phục vụ chu đáo. Rất nhiều khách hàng, đặc biệt là khách quốc tế đã dành không ít lời khen ngợi cho đồ ăn của quán. Một lượng lớn thực khách cho biết, họ tới quán một phần vì tò mò, nhưng phần nhiều cũng chính vì những lời giới thiệu về đồ ăn ở đây.

Đồ ăn thực sự ngon và sự phục vụ tận tình, chu đáo là một trong những điểm mạnh của nhà hàng.

Bên cạnh đó, điều khiến thực khách đến quán hạnh phúc nhất là không khí thân thiện và cởi mở ở đây. Ban đầu, khuôn mặt của những người phụ nữ có thể khiến họ bối rối. Nhưng khi được phục vụ, được thưởng thức các món ăn và trò chuyện cùng các nhân viên, sự ấm áp của những người phụ nữ này khiến họ hoàn toàn cảm phục.

Không chỉ với những nạn nhân của axit, sự dũng cảm và nghị lực mà các cô gái của Sheroses mang vào công việc đã truyền rất cảm hứng sống lạc quan và tích cực cho cả những thực khách của họ. Phẩm chất bên trong của những người phụ nữ, cách họ làm việc, sự năng động, chu đáo và nhiệt thành của họ đã xóa bỏ sự xa cách mà những vết sẹo gây ra.

Sheroses giúp những nạn nhân của axit tìm thấy cơ hội làm lại cuộc đời mình.

Bạn hẳn chưa quên hoàng tử “quái vật” trong câu chuyện cổ “Người đẹp và quái vật” hay chàng gù Quasimodo trong tác phẩm kinh điển “Nhà thờ Đức Bà”. Họ đều là những con người phải mang vẻ ngoài xấu xí, dữ tợn. Nhưng trái tim ấm nóng, dịu dàng của họ đã cảm động biết bao người. Những cô gái của Sheroses cũng vậy, họ đang viết nên một câu chuyện cổ tích bằng cuộc sống của chính mình. Câu nói nổi tiếng của “quý cô thanh lịch nhất Hollywood Audrey Hepburn có thể truyền tải trọn vẹn định nghĩa mới về cái đẹp mà những bóng hồng ở Sheroses đang viết nên:

” Vẻ đẹp của người phụ nữ không nằm trong lớp điểm trang, mà nó nằm nơi sự dịu dàng mà cô ấy mang tới, và trong tình yêu cùng sự say mê mà cô ấy biểu hiện”.

Bên cạnh việc giúp các nạn nhân của axit lấy lại sự tự tin để làm chủ cuộc đời mình, Sheroses còn mang trong mình trách nhiện “xây dựng sự ý thức” cho những người dân Ấn Độ về sự đau đớn mà axit mang tới.

Sự cống hiến và chân thành của họ đang hàng ngày truyền đi thông điệp: Hãy dừng lại việc gây đau đớn cho những người phụ nữ.

Tuy nhiên, các cô gái không chọn cách công kích. Họ chọn nói về những nạn nhân thông qua những bộ phim, những bức ảnh, thông qua câu chuyện đời của chính mỗi nhân viên. Sự chia sẻ chân tình, không hận thù, sự cống hiến hết mình và dòng chữ “Dừng lại những cuộc tấn công axit” mà họ khoác lên mình mỗi ngày đủ để truyền đi thông điệp mạnh mẽ nhất.

Ritu Saini, một nữ nhân viên của nhà hàng. Nhờ Sheroses, cô đã có thể thôi trốn tránh và tự tin nở nụ cười ở nơi đông người. Cuộc sống của cô gái trẻ đã bước sang một trang mới, chủ động và đầy sức sống.

Xin cảm ơn những bóng hồng của Sheroses và chúc các chị luôn giữ được trái tim ấm, thiện lương của mình để nhiều người hơn nữa hiểu về sự đáng sợ của axit. Để rồi, tội ác này sẽ mãi mãi bị xóa khỏi cuộc sống của con người.

Nguồn ảnh: Facebook/Sheroses Hangout

Hy Văn

Exit mobile version