Đại Kỷ Nguyên

Quặn lòng khi chứng kiến những người nghèo kiếm từng ‘miếng ngon’ từ bãi rác

Những người lao động nghèo Philippines dù biết xuất xứ của món ăn là từ những đồ thừa đổ đi, song họ không có lựa chọn nào khác bởi thu nhập từ công việc lao động chân tay không đủ để họ có được bữa ăn đàng hoàng.

Theo BBC, những người lao động nghèo Philippines làm công việc chân tay nặng nhọc và sống trong những khu ổ chuột ẩm thấp. Với đồng lương ít ỏi không đủ ăn 3 bữa, họ phải sử dụng những thức ăn thừa trong bãi rác chế biến thành bữa cơm cho cả gia đình.

Ý tưởng này của Norberto Lucion (ở thủ đô Manila) – chủ cửa hàng bán món “pagpag” nấu từ thịt thừa được gom về từ thùng rác của các cửa hàng ăn nhanh với giá vô cùng rẻ.

Clip ghi cảnh lúc 4h sáng, bãi rác Happyland tại Manila chất đầy các loại thực phẩm thừa từ các nhà hàng mang đến. Người lao động làm thuê sẽ ngồi trong bãi rác cặm cụi bới các miếng thịt còn thừa và gom lại.

“Pagpag” là món ăn từ những bãi rác (ảnh: CNN).

Thịt được tái chế và bán cho người nghèo (ảnh: CNN).

Anh Renato Navarro Conde – đi thu gom đồ thức ăn thừa tại bãi rác được hơn 5 tháng cho biết, công việc bắt đầu từ 12h trưa với tiền công 6USD/tuần sau khi đã bán hết pagpag. Anh thấy công việc này cũng ổn vì có tiền chi trả cho cuộc sống như: thuê nhà, gạo và đồ ăn.

Thịt thừa từ bãi rác sẽ được bán lại cho ông chủ cửa hàng pagpag. Hằng ngày, 6h sáng ông Norberto đi chợ mua thêm các nguyên liệu như hành, tỏi… để chế biến thức ăn. Những miếng thịt thừa được lọc xương ra, rửa sạch chế biến tẩm ướp với gia vị để làm mất đi mùi hôi từ bãi rác. Dưới bàn tay của ông thịt thừa trong bãi rác trở thành món ăn hấp dẫn với giá chỉ 20 cent.

Những đứa trẻ ăn ngon lành thức ăn chế biến từ thịt thừa ở bãi rác (ảnh: CNN).

Theo anh Nonoy Moralos – làm nghề chở đá, món pagpag rất ngon, hơn nữa quán này làm sạch nên nhiều người đến ăn. Để ăn được món này bụng phải thật khỏe. Đối với những người dân nghèo họ đã quen với điều đó và quan trọng hơn hết là vừa túi tiền.

Còn Felipa Fabon thường xuyên đứng ở bên ngoài một nhà hàng bán đồ ăn nhanh – chủ yếu là gà rán, để tìm thức ăn từ những thùng rác. “Tôi đang phân loại rác, cố gắng tìm cho ra pagpag”, cô nói.

Sau đó, người phụ nữ này quay về Tondo – một khu vực nổi tiếng nghèo nhất thủ đô Manila. Theo Felipa, thịt thừa nhặt trong thùng rác được gom lại, mang về rửa sạch, cho vào túi nilon và sáng sớm mang ra bán. Những thực phẩm này dễ bán vì rất rẻ, chỉ tầm 20 peso/túi.

Bà mẹ Morena Sumanda (27 tuổi) là khách hàng đầu tiên, mua túi thịt 20 peso bằng cả ngày lương của chồng cô. Đứa con của Sumanda ngồi nhìn thèm thuồng khi mẹ rửa thịt gà, bắc bếp và thêm một chút gia vị vào để nấu ăn.

Melissa Alipalo – nhân viên phát triển xã hội tại Quỹ Cộng Đồng Philippines (PCF) cho biết, những người lao động nghèo ở đây không có sự lựa chọn nào khác ngoài ăn pagpag.

Theo Maria Theresa Sarmiento – quản lý sức khỏe và dinh dưỡng của PCF, kể cả khi họ nấu chín, vẫn có dịch bệnh. Các bậc phụ huynh đều biết về sự nguy hiểm của pagpag và đây không phải nguồn thức ăn tốt cho trẻ em nhưng họ không có lựa chọn nào khác.

Những người người lao động nghèo ở Manila biết thức ăn có nguồn gốc và được chế biến từ… bãi rác nhưng đây là những gì họ có thể mua được. Trong khi đó những người có điều kiện ăn những món đắt đỏ hơn lại lãng phí tiền bạc, thức ăn.

Câu chuyện món ăn từ rác thải có thể sẽ ám ảnh nhiều người và phần nào làm tác động làm thay đổi thói quen “no bụng đói con mắt”, gọi đồ tràn lan rồi bỏ mứa, hay sự lãng phí khi vung tiền mua đồ về không đùng đến. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, một miếng thịt bạn ngúng nguẩy không muốn ăn vì không vừa miệng hay chưa bắt mắt có thể lại là một bữa sơn hào hải vị đầy ước ao của những người khốn khó.

Mỹ Duyên

Exit mobile version