Suốt 28 năm qua, chị Mai và chồng chỉ dùng giấy và viết để giao tiếp với khách hàng. Họ không nói với nhau một lời, và cũng cảm thấy không cần phải nói.
Trên con đường Võ Văn Tần (Sài Gòn) đông đúc người qua lại, trời vừa nhá nhem tối, người ta lại thấy vợ chồng chị Tuyết Mai (47 tuổi) và anh Sơn Chiến (57 tuổi) đang cặm cụi chất hàng chục loại trái cây lên chiếc tủ kính cũ kỹ đã tróc sơn. Vợ chồng anh chị đều bị khiếm thính bẩm sinh, nhưng hàng trăm thực khách tới đây đều chưa bao giờ cảm thấy sự im lặng đó là nhàm chán cả.
Viết lại trên cuốn sổ tay nhỏ, chị Mai kể, chị quê ở Đà Nẵng, còn anh Chiến là người miền Tây. Họ gặp nhau tại một trường dành cho người khiếm thính ở Bình Dương. Trong khoảng thời gian cùng nhau dưới mái trường, anh đem lòng thương chị. Cả hai đã trải qua không ít sóng gió và những lần hờn dỗi vì chị Mai còn quá trẻ tuổi. Có lần giận quá, chị bỏ Bình Dương về Đà Nẵng. Vì quá thương nhớ người yêu mà chàng trai miền Tây si tình đã dò hỏi địa chỉ, vượt gần nghìn cây số để xin lỗi và hỏi cưới. Sau lễ thành hôn, cả hai quyết định cùng nhau lập nghiệp ở Sài Gòn.
Thấm thoát đã 28 năm trôi qua, biết bao thăng trầm biến cố đã xảy đến kể từ ngày anh chị gắn bó với tiệm sinh tố nhỏ này. Nhờ ly sinh tố đậm đà vị cây trái và giá cả phải chăng, mà đặc biệt là sự ân cần, chu đáo của ông bà chủ mà những người sống gần đó đều yêu mến, giúp đỡ, khách quen cũng ra vào nườm nượp. Những chai nước rửa bát được cho miễn phí, điện nước được dùng với giá rẻ đến bất ngờ… những điều tuy nhỏ ấy nhưng cái ân cái tình thì lớn lắm.
Gần như ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 6 giờ tối, anh Chiến sẽ chuyển trái cây tươi đã được rửa sạch từ nhà ra quán rồi chị Mai sắp xếp chúng lên tủ cho bắt mắt. Thực đơn cũng chỉ có hơn chục món sinh tố và nước ép khác nhau với giá trung bình 30.000 đồng một ly nhưng khách đến đều rất vui vẻ. Chính bởi nụ cười tươi rói luôn nở trên môi ông bà chủ nên ai đến đây cũng cảm thấy lạc quan, yêu đời. Họ cùng nhau ngồi thưởng thức ly sinh tố thơm ngon trên những chiếc bàn ghế thấp, cùng nhau cười giòn tan, và những khó khăn, mệt nhọc cả ngày dài cũng chẳng thể nào làm vơi bớt lòng thiết tha với cuộc sống.
Quán cũng có không ít khách quen đến mua mang về. Họ đều vì quý cái thuần, cái chân của chị Mai và anh Chiến mà tìm đến. Cô Hiền (ngụ ở quận 3) chia sẻ: “Tôi đã ăn sinh tố ở đây được chục năm. Hai vợ chồng chăm chỉ thấy thương, nhiều bữa trời mưa mà cũng dọn hàng bán nên hồi nào thèm sinh tố, tôi đều ra đây mua ủng hộ”.
Ở đây còn có một người phụ là anh Tài – cháu của anh chị. Anh Tài năm nay ngoài 30 tuổi, cũng là một người khiếm thính bẩm sinh. Vậy nên, những khi muốn trao đổi với nhau điều gì, họ đều dùng cử chỉ tay và ánh mắt để hiểu ý nhau. Cứ như vậy, mỗi ngày tiệm sinh tố mở từ 6 giờ tối đến gần 12 giờ đêm mới đóng cửa, chỉ trừ những ngày Sài Gòn quá mưa gió mới nghỉ một hôm.
Những người khách quen vào tiệm, không cần nói gì, lặng lẽ tìm một chỗ ngồi rồi viết yêu cầu cho chủ quán, như một thói quen. Còn với những ai lần đầu đến, họ đều dễ dàng hòa nhập ngay sau đó, chứ không hề cảm thấy lạc lõng hay buồn chán khi chẳng thể giao tiếp bằng lời. Mỗi người đều có một cảm nhận riêng, nhưng trong lòng họ đều cảm thấy bình an, nhẹ nhàng, bởi giữa thành phố phồn hoa náo nhiệt này, vẫn có một nơi mà người ta chỉ cần kết nối với nhau bằng ánh mắt, nụ cười.
Thiện Nam