Trải qua một thời kỳ công nghiệp hóa nhanh không ngừng nghỉ, người Hàn dường như đã không còn thời gian để chậm rãi thưởng thức vị thơm của trà. Vậy nhưng, khi áp lực cuộc sống khiến người ta muốn chạy trốn, những phòng trà truyền thống lại trở thành địa điểm mà nhiều người Hàn hiện đại muốn lui tới.
Trà trong nhịp sống của người Hàn xưa
Uống trà là một trong những nét văn hóa truyền thống từ thời xa xưa và đã trở thành một phần cuộc sống thường nhật của người dân xứ Hàn lạnh.
Mặc dù văn hóa uống trà của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam đều có chung nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng tùy thuộc vào đặc tính và quan niệm của mỗi nơi mà phong cách thưởng trà lại có những nét khác biệt. Với mong muốn tìm kiếm sự thư giãn và hài hòa, văn hóa uống trà của người Hàn Quốc không quá cầu kì và gò bó, tuy nhiên vẫn có những nguyên tắc nhất định đảm bảo sự thư thái cho người thưởng thức.
Trong các phòng thưởng trà, không gian được thiết kế rộng rãi, thoáng mát gần gũi với thiên nhiên, đem đến cảm giác giao hòa và thư thái. Một điểm nổi bật làm nên phong thái uống trà của người Hàn Quốc đó chính là trà cụ. Với điều kiện khí hậu ôn đới, một năm 4 mùa rõ rệt, người nghệ nhân sẽ lựa chọn các loại trà cụ khác nhau để pha trà. Ví như vào mùa hạ, thời tiết oi nóng, những chiếc bát miệng rộng karate sẽ được lựa chọn giúp làm nước mau nguội hơn. Vào mùa đông và mùa thu, những chiếc bát irabo có khả năng giữ nhiệt tốt. Các loại trà cụ thường được làm bằng gốm sứ hoặc kim loại thể hiện sự hòa hợp với thiên nhiên và đất trời.
Bộ đồ trà gồm ấm pha trà mang những màu sắc phong phú và kiểu dáng đa dạng. Trên bộ đồ trà có 2 loại chén là chén tống và chén quân. Chén tống dùng để rót trà cho đều và chén quân dùng để uống trà. Hũ đựng trà được làm từ đất sét nặn và được tráng men trong lò đốt bằng củi. Hoa trà sẽ được lấy bằng chiếc thìa gỗ có cán dài.
Khi pha trà, người Hàn dùng nước suối để pha, bởi theo quan niệm của họ, nước suối là tinh khiết, bắt đầu từ mạch nước ngầm tự nhiên sẽ đem đến hương vị thanh mát, đặc biệt là nước suối đầu nguồn.
Chất lượng của nước trà được quyết định bởi tâm thái của người pha. Thông thường, gia chủ sẽ ngồi ở giữa, lần lượt tráng ấm trà, chén tống, chén quân. Sau đó, cho trà xanh vào ấm rót chút nước để tráng sạch bụi bặm, sau đó mới là lớp nước pha. Việc đổ lượt nước đầu cũng cần căn đúng thời gian, nếu không sẽ làm mất vị ngon của trà.
Đúng như tâm thái chủ đạo trong nghệ thuật thưởng trà của người Hàn, những quy tắc và lễ quy sẽ được giảm bớt thay vào đó là sự thoải mái giúp người thưởng thức cảm thấy thư thái. Cũng chính bởi nét riêng này, trà thất của người Hàn được thiết kế rất tự do, chủ yếu phụ thuộc vào sở thích của gia chủ và bốn mùa xuân hạ.
Trà trong cuộc sống của người Hàn hiện đại
Từ xa xưa, người Hàn quan niệm rằng “dược thực đồng nguyên”, ý nói rằng thực phẩm và dược liệu đều có chung nguồn gốc. Các loại nguyên liệu này nếu được bổ sung thích hợp trong bữa ăn hàng ngày sẽ có khả năng bồi dưỡng cơ thể và súc tinh ích khí đề phòng bệnh tật, kéo dài tuổi thọ. Và trà cũng là một trong số đó. Xuất phát từ thói quen yêu thích uống trà, rất nhiều các loại trà hiện nay của người Hàn hiện đại được kết hợp làm bắp, lúa mạch, rễ cây hoặc các loại hoa khác nhau… tất cả đều đem đến những ích lợi về sức khỏe cho cơ thể. Hiện nay, người Hàn Quốc cũng xem trà như một loại thuốc bổ thông dụng cho cuộc sống hàng ngày.
Đối với người Hàn, trà giờ đây không còn là nghi thức mà trở thành một phần của cuộc sống tiện lợi đem đến vị tươi mát của thiên nhiên và tiết kiệm nhiều thời gian trong nhịp sống hối hả. Vì cuộc sống bận rộn, người Hàn thường lựa chọn những đồ ăn và thức uống nhanh tiện lợi, vì vậy các sản phẩm trà như trà túi lọc, trà đóng chai, trà pha sẵn trở thành những mặt hàng được người Hàn ưu tiên lựa chọn.
Một vài gợi ý nho nhỏ về những loại trà Truyền thống Hàn Quốc mà bạn có thể thưởng thức khi đến đất nước xinh đẹp này nhé:
Trà Thanh yên (Yujacha) và trà Mộc qua (Mokwacha): Trà Thanh yên và Mộc qua có mùi thơm nhẹ nhàng và vị hơi chua ngọt. Chúng rất tốt cho trẻ nhỏ nhờ cung cấp Vitamin C và giải độc. Chúng cũng giúp giải cảm và tốt cho da.
Nước Chà là (Daechucha): Quả chà là hay còn gọi là táo tàu tốt cho sức khỏe đến nỗi có một câu tục ngữ của Hàn Quốc là “nếu bạn không ăn chà là, bạn sẽ già đi nhanh hơn”. Nó được dùng để giúp những người bị dạ dày và đường ruột, giảm tiều cầu, rối loạn giấc ngủ và suy nhược cơ thể. Dù có uống nhiều chà là cũng không gây tác dụng phụ. Trong suốt triều đại Joseon, chà là mà các nương nương trẻ trong cung ngâm được dùng là thuốc của Vua.
Trà Ý Dĩ tử thảo (Yulmucha): Trà Ý Dĩ vị ngọt không chỉ uống rất ngon mà còn nhiều dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin B, canxi và protein. Loại trà này rất tốt cho da và cho những ai đang ăn kiêng. Tuy nhiên vì trà này có tính hàn, những người có vấn đề về tiêu hóa hoặc phụ nữ có thai không nên dùng.
Trà Gừng (Saenggangcha): Gừng rất tốt cho những người bị dạ dày và có vấn đề về đường ruột. Trà này uống vào mùa đông cũng rất tốt vì nó làm dịu cổ họng và làm ấm cơ thể. Uống trà này giúp phòng tránh cảm lạnh.
Trà Ngũ Vị Tử (Omijacha): Loại trà này có vị đặc biệt vì là sự kết hợp của tất cả các vị chua, cay, mặn, ngọt. Loại trà này tốt cho sức khỏe nhờ kích thích các dây thần kinh hoạt động, làm tiểu não và vỏ não linh lợi hơn. Rất phù hợp với cho ai đang ôn thi và bị uể oải. Nó cũng ngăn ngừa bệnh giảm trí nhớ, nhược thị và chữa ho.
Trà Sâm (Insamcha): trà Sâm là một trong những loại trà nổi tiếng nhất ở Hàn Quốc. Nhân sâm có chứa chất saponin mang lại rất nhiều lợi ích cho toàn bộ cơ thể. Tuy nhiên, vì đây là loại trà có công dụng mạnh nên những người huyết áp cao hoặc người máu nóng thì không nên dùng.
Trà Song hòa (Ssanghwacha): Thành phần trong trà Ssanghwa rất tốt cho sức khỏe và xuất xứ từ thang thuốc mang tên “Ssanghwa” dùng để chữa bệnh. Loại trà này giúp hồi phục năng lượng cho các cơ bắp, tốt cho gan và vì thế rất hợp với những ai làm việc quá sức.
Tâm Liên