Không ai có thể tưởng tượng được người phụ nữ gầy guộc, nhỏ bé Yu Ermei là chủ của một tòa lâu đài trị giá 900.000 đô la Mỹ (tương đương với 20,4 tỷ đồng). Hơn thế nữa, ít ai có thể hình dung, bà cụ đã 86 tuổi này chính là người lên ý tưởng và chỉ đạo xây dựng công trình của mình trong suốt 5 năm.
Thị trấn nhỏ nằm ở tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc đã gắn bó với bà Yu từ khi bà mới 12 tuổi. Đức Cảnh Trấn được biết tới là Kinh đô của gốm sứ Trung Quốc khi nghề thủ công này đã tồn tại và nuôi sống con người nơi đây từ 1.700 năm nay. Sống và gắn bó với làng nên nghề gốm đã dần dần trở thành một phần cuộc sống của bà.
Bà bắt đầu nghiệp gốm sứ của mình bằng việc học để trở thành một người thợ làm gốm chuyên nghiệp. Bà đã dành nhiều năm làm việc trong hai nhà máy gốm sứ của nhà nước trước khi mở một xưởng sản xuất riêng của mình.
Với sự cần cù, chăm chỉ của đôi tay, cùng với một tinh thần tinh nhạy và xông xáo, bà Yu đã đưa công việc kinh doanh của xưởng trở nên phát đạt. Song song với việc buôn bán đồ gốm sứ, bà Yu còn có tình yêu lớn với việc sưu tầm những tác phẩm gốm sứ ở khắp mọi nơi. Tới thời điểm trước khi bà xây dựng cung điện của mình, bà sở hữu tới 60.000 món đồ gốm sứ các loại.
Trong một chuyến đi công tác để giao dich ở Thiên Tân, ngôi nhà gốm sứ nổi tiếng ở đây đã khiến bà nảy ra một ý “không tưởng” ở tuổi thất thập cổ lai hy – Bà Yu muốn xây dựng một cung điện gốm sứ để bảo lưu những vẻ đẹp của nghề thủ công đòi hỏi nhiều sự tỉ mẩn này. Đồng thời cung điện sẽ là một món quà tri ân ý nghĩa nhất mà bà có thể dành tặng cho mảnh đất đã giúp mình có được cơ nghiệp ngày hôm nay.
Không ngoài dự đoán, khi người phụ nữ này chia sẻ ý tưởng với gia đình, mọi người đều cho rằng, bà đã minh mẫn cả đời nhưng quyết định này tại sao lại thiếu sáng suốt tới vậy. Họ nghi ngờ rằng, việc xây dựng một cung điện như thế sẽ chỉ tiêu tốn thời gian và tiền của một cách vô ích. Tuy nhiên, những ý kiến này không thể làm lung lạc quyết tâm của doanh nhân kì cựu 80 tuổi như bà Yu.
Bà Yu tiến hành mua một mảnh đất ở bên ngoài Đức Cảnh Trấn để xây dựng cung điện của mình. Bà đã sử dụng 80 tấn mảnh gốm để trang trí cho cung điện độc đáo có một không hai. Những bức tường trong lòng cung điện đều được tạo nên từ những mảnh gốm ghép với nhau một cách nghệ thuật và những hoa văn trang trí độc đáo. Những mảng màu sắc từ màu đặc trưng của các loại gốm Trung Quốc càng nổi bật ý nghĩa tôn vinh gốm sứ của cung điện.
Tuy mang hình dáng đơn giản là một căn phòng lớn hình trụ, cung điện của bà Yu mang đậm màu sắc của văn hóa truyền thống Trung Hoa với những hình tượng rồng, phượng hoàng, các vị thần, thái cực… Điểm xuyết là những yếu tố nghệ thuật tới từ võ thuật cho đến các cung hoàng đạo. Những bức tranh gốm vẽ lại khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống xưa của Trung Hoa cũng được bà Yu tuyển chọn kỹ càng và gắn vào nhiều nơi trong cung điện rộng lớn.
Ngoài những mảnh gốm nhỏ để tạo thành “lớp sơn phủ” cho các bức tường, những đồ gốm được giữ nguyên và gắn lên tường để trang trí cho nội thất của cung điện cũng là cả một gia tài. Một nhà sưu tập Bắc Kinh đã trả giá cho những đồ gốm này lên tới 3,7 triệu đô la, nhưng bà Yu đã từ chối mà không cần suy nghĩ. Bà muốn dành tất cả những gì đẹp nhất cho tòa lâu đài này.
Sau 5 năm thi công, cuối cùng tòa lâu đài gốm sứ của bà mới hoàn tất và mở cửa đón du khách gần xa tới thăm. Rất nhiều du khách Nhật Bản và Hoa Kỳ đã tới để chiêm ngưỡng công trình kì công của người phụ nữ nhỏ bé này và họ rất yêu thích.
Bà chia sẻ rằng công việc xây dựng này mang lại cho bà một niềm hạnh phúc rất lớn. Cung điện chắc chắn sẽ để lại trong lòng những người tới thăm ấn tượng sâu đậm về sự đa dạng và tinh tế của gốm sứ cổ truyền Trung Quốc. Nhưng nhân văn hơn, những du khách tới đây sẽ cảm nhận được thật rõ nét tình yêu mà người phụ nữ bé nhỏ Yu Ermei dành cho những sản phẩm gốm sứ và làng nghề cổ truyền đã được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ này.
Hy Văn
Xem thêm:
- Tinh hoa gốm sứ từ đôi tay của nghệ nhân Hàn Quốc
- Nghệ nhân Nhật Bản chia sẻ lợi ích ít ai ngờ về trạng thái tinh thần khi làm gốm
- Cộng đồng quốc tế phơi bày cuộc trấn áp mà Trung Quốc che giấu gần 2 thập kỷ