“Người lo chuyện bao đồng”, “người nặng lòng với rác” hay “người đàn ông sống trong rác” là những biệt danh mọi người dành cho một người đàn ông có đôi bàn tay tài hoa có thể phù phép biến những đồ vật từ rác thải trở thành những vật dụng hữu ích. Nhưng hơn tất cả, mọi người cảm phục ông bởi tấm lòng nhân hậu hiếm có trong xã hội ngày nay.
Tọa lạc trên một con hẻm ở đường Lê Văn Khương, quận 12, Tp.HCM là một ngôi nhà hai tầng chứa đầy đồ tái chế, bằng khen, kỷ niệm chương được treo, dựng khắp nơi. Đây là gia tài và thành quả hơn 22 năm của ông Tống Văn Thơm, người được mệnh danh là “chuyên gia tái sinh rác thải”.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Campuchia, ông Thơm không được học hành tử tế mà phải đi ở mướn từ nhỏ. Năm 12 tuổi, cha bị tai nạn nên gia cảnh càng khó khăn, ông Thơm với độc bộ quần áo không lành lặn sáng bưng bê hủ tíu thuê, tối về giữ con cho người ta. Ông phải mượn 300 đồng tiền Campuchia chạy chữa cho cha và bù lại phải ở đợ trong 3 năm. May mắn sau đó, ông Thơm được một người chủ khác trả nợ giúp, nhận về làm con nuôi, cho đi học nghề điện tử, cơ khí ở trường nghề. Năm 20 tuổi, ông làm quản lý cho xưởng của chủ.
Trong những năm 1970 biến cố ở Campuchia, gia đình ông chạy loạn sang Việt Nam, rồi di chuyển về Long Xuyên (An Giang). Kể từ đó ông rong ruổi khắp miền Tây làm đủ nghề kiếm sống.
Sau năm 1975, ông Thơm lên Sài Gòn làm việc trong một công xưởng sản xuất. Công việc lặn xuống nước vớt tàu khiến ông bị bệnh, phải nghỉ sớm về làm nghề vá xe đạp. Chính thời gian này ông Thơm quen vợ mình làm nghề lao công. Thấy mấy hộ dân trong hẻm không có ai lấy rác, ông tiên phong thành lập nên hệ thống thu gom rác dân lập (chỉ có ở Tp.HCM). Tính đến nay, ông Thơm đã gắn bó với nghề làm rác hơn 40 năm.
Năm 1998, khi thành phố phát động chương trình “Vì môi trường xanh sạch đẹp”, ông nảy ra ý tưởng thu nhặt đồ phế thải từ kho phế liệu, mua từ đồng nghiệp để đem về tái chế. Đồng thời, ông muốn xây dựng ý thức bảo vệ môi trường bằng việc “tái sinh” những đồ phế thải, đặc biệt là các thiết bị điện tử.
Đến năm 2004, nghiệp đoàn rác Tp.HCM được thành lập với sự hỗ trợ của tổ chức Enda Việt Nam, ông Thơm được bầu làm Chủ tịch Nghiệp đoàn Rác dân lập quận 5, quản lý 15 phường với gần 170 nhân viên. Mỗi sáng, ông làm việc ở nghiệp đoàn, và nửa buổi chiều đi làm rác, khoảng 15h ông về tới nhà. Ông Thơm lại tiếp tục công việc sửa chữa, tái chế và sáng tạo rất nhiều sản phẩm độc đáo do ông lượm và phân loại rác. Sau hơn 22 năm, giờ đây ông đã có một gia tài hơn 2.000 mô hình, sản phẩm tái chế, mà ông ước tính trị giá khoảng 1 tỷ đồng.
Trong hơn 2.000 món đồ tài chế của ông Thơm, có khoảng 1.000 sản phẩm có giá trị, được nhiều người hỏi mua với giá cao nhưng ông Thơm chưa bán. Đặc biệt trong số đó có nhiều món đồ rất giá trị như cây đàn xếp mà một Việt kiều Pháp muốn mua 45 triệu đồng nhưng ông không bán; những cây đàn organ đời đầu tiên hơn 30 năm giá 20-30 triệu; bộ hươu cao cổ, nai làm bằng rễ cây được một Việt Kiều mua 600 USD; con rồng làm bằng rễ cây giá 17 triệu; bộ sưu tập tiền cổ các niên đại lượm lặt từ rác giá 5 triệu… cùng vô vàn đồ điện tử đời đầu của Nhật, Mỹ giá 4-5 triệu đồng một món.
Ông còn nuôi nhiều con vật như vẹt, trĩ, bồ câu, rồng Nam Mỹ, cút Pháp… Tất cả đều được người khác tặng hoặc ông tình cờ bắt về. Trong nhà ông có một con kỳ đà to mà ông tìm thấy từ đám lục bình trong một lần vận động dọn vệ sinh kênh ở Q.2. Ngoài ra, cây cối ông trồng trong nhà, ngoài sân cũng từ… rác. Đó là những hạt giống hay cây héo ông nhặt về trong những lần thu gom rác.
Ngoài gia tài rác tái chế của mình, ông Thơm còn được biết đến như một “hiệp sĩ” cứu người gặp tai nạn. Hơn 7 năm trước trong một lần đi đường gặp tai nạn bị thương nhưng không ai sơ cứu giúp tại chỗ, từ lần đó ông nảy ra ý tưởng sửa lại chiếc xe máy cũ, lắp thêm hộp đựng đồ cứu thương để giúp người đi đường khi hoạn nạn. Bên cạnh đó, ông còn gắn thêm hai chiếc giỏ bên hông xe và bỏ thêm 2 bình cứu hoả mini để giúp dân khi có hoả hoạn không may xảy ra.
Chiếc xe máy độc lạ chở theo một chú vẹt nhiều màu sắc. Trên xe có đầy đủ dụng cụ sửa chữa, sơ cứu, 2 bình cứu hỏa cùng nhiều chức năng đặc biệt khác như còi báo động, loa phát nhạc, màn hình sử dụng năng lượng mặt trời. Tất cả đều là những thứ ông nhặt về và sáng tạo vẫn ngày ngày theo người đàn ông 70 này đi khắp các nẻo đường Sài Gòn chỉ với mong muốn giản đơn giúp người gặp hoạn nạn.
Vất vả giúp người nhưng ông chưa bao giờ mong nhận lại sự đền đáp, có người trả ơn ông bằng tiền nhưng ông không nhận, ông chỉ ngỏ ý nếu muốn trả ơn thì cho ông vài lọ thuốc, bông băng, các vật dụng sơ cứu để ông tiếp tục cứu giúp những người khác.
Sửa chữa những vật dụng đã bỏ đi trở nên hữu ích, đối với ông Thơm không chỉ là niềm vui, niềm đam mê mà còn giúp ông mang đến cho cuộc đời này những điều tốt đẹp hơn.
Xã hội ngày càng phát triển nhưng con người lại ngày càng lãnh đạm, thờ ơ với chính những người xung quanh mình. Và những người như ông Thơm vẫn luôn là tấm gương để thế hệ trẻ ngày nay hiểu rằng cuộc sống cần sự sẻ chia, tình yêu thương và hơn hết là trách nhiệm với bản thân cũng như với cộng đồng.
Tâm Liên