Chưa kịp tận hưởng niềm hạnh phúc vì con trai chào đời, ông đã phải đối mặt với nỗi đau mất đi người vợ yêu quý của mình. Kể từ đó, người đàn ông khắc khổ ấy âm thầm, lặng lẽ làm việc, dồn hết tâm sức để nuôi con khôn lớn thành người.

Đó là câu chuyện của một người đàn ông sống ở Thái Lan. Vợ ông qua đời ngay sau khi sinh con và từ đó ông đã một thân một mình nuôi con khôn lớn. Là một người nông dân, công việc chủ yếu là làm nương và chăn nuôi, nên với bất cứ khoản thu nhập ít ỏi nào kiếm được, ông đều dùng để nuôi con và tích lũy cho tương lai của con trai ông. 

Để nuôi con, ông đã chăm chỉ, làm việc quần quật suốt ngày trong nhiều năm liền. Cuộc sống của ông quanh năm là ở nơi nương rẫy, hết mùa lúa rồi đến mùa khoai, mùa ngô. Đến vụ thu hoạch, ông đem thành phẩm ra chợ bán. Có thời gian, ông đi làm thuê làm mướn để kiếm thêm thu nhập, chắt chiu từng chút từng chút một. Ông hy vọng có thể tích tiểu thành đại, sự cần lao và dành dụm của ông bây giờ sẽ mở ra cánh cửa tương lai rộng lớn cho con ông.

Cuối cùng, ngày con trai ông lên đại học cũng đến. Sau bao nhiêu năm, trên khóe mắt già nua đầy những nếp nhăn lao tâm khổ tứ của người đàn ông ấy đã ánh lên niềm hạnh phúc và tự hào. Ông quyết định bán tất cả đồ đạc của mình để con trai có thể hoàn thành chương trình học tại trường Đại học Ratchptr ở Chiang Rai, miền Bắc Thái Lan.

Và kết quả xứng đáng cho sự khó nhọc và hy sinh của người cha cần lao ấy chính là tấm bằng tốt nghiệp của cậu con trai. Đây là một thành tựu tuyệt vời, không chỉ với hai cha con mà còn với ngôi làng nghèo khó vốn chỉ biết làm nương làm rẫy của họ.

Ngày nhận tấm bằng tốt nghiệp và mặc bộ quần áo cử nhân, cậu con trai ngay lập tức trở về nhà gặp cha. Cậu muốn dành tặng tất cả những điều đó cho cha, người suốt bao nhiêu năm đã nâng cậu lên trên đôi vai của ông, người miệt mài làm việc vất vả để cậu sau này không phải vất vả.

Con trai của ông đã đăng một bức ảnh của hai người khi anh đội mũ và mặc áo choàng tốt nghiệp với chú thích: “Một nông dân nghèo suốt bao nhiêu năm nỗ lực nuôi tôi lớn khôn và cho tôi cơ hội hoàn thành chương trình đại học. Cha tôi là niềm tự hào lớn nhất của tôi”.

Trên thế giới này, người lặng lẽ nhất là cha, người khó hiểu nhất cũng là cha. Cha có thể không bao giờ khen bạn giỏi giang nhưng lại luôn tự hào về bạn. Cha có thể nói những lời thẳng thắn ngay trước mặt bạn nhưng sau đó lại âm thầm xoa dịu trái tim bạn bằng sự tỉ mỉ, chu đáo. Cha có thể trách cứ bạn mỗi khi bạn mắc sai lầm, nhưng lại không nhẫn tâm nhìn bạn bị trách mắng như vậy. Cha bề ngoài mạnh mẽ, ít nói nhưng bên trong lại luôn dõi theo bạn, lo lắng cho bạn từ những điều nhỏ bé nhất.

Cũng vậy, không bao giờ chúng ta đong đếm hết được công lao cha mẹ dành cho chúng ta. Tình phụ tử, mẫu tử luôn là tình cảm lớn lao và vô điều kiện. Dù cuộc sống có bận rộn, hối hả, mong chúng ta hãy dành đôi phút nhìn lại hành trình cha mẹ nuôi chúng ta khôn lớn, để hiểu rằng chúng ta may mắn và hạnh phúc đến nhường nào, để biết rằng chúng ta cần chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ thật tốt.

Một đôi lần thăm hỏi cũng đã đủ để sưởi ấm trái tim cha mẹ – những người đã dành cả cuộc đời cho chúng ta. Kỳ thực, phận làm con không tròn chữ hiếu, sống trên đời nào có nghĩa gì đâu?

Bạn đang đọc bài viết: “Người cha nghèo bán mọi thứ cho con đi học, ngày tốt nghiệp anh về quỳ lạy dưới chân cha” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||0eac29302__