Đại Kỷ Nguyên

Người cha 37 năm đẩy con trai khuyết tật tham gia các cuộc đua trên khắp nước Mỹ

“I can only imagine” là một trong những video cảm động nhất về tình cha con năm 2013. Đoạn phim kể về một người cha đã cùng con trai tật nguyền tham gia hơn 1000 hoạt động thể thao khác nhau. Chúng ta hãy cùng khám phá câu chuyện đằng sau những hình ảnh ấy.

Gắn liền với hai cha con trong đoạn phim nói trên, cái tên “Team Hoyt” đã trở thành biểu tượng về tình cha con và một nghị lực sống phi thường…

“Team Hoyt” (đội tuyển nhà Hoyt) là cái tên mà mọi người vẫn dành để gọi hai cha con đến từ thị trấn Holland, bang Massachusetts – Dick và Rick Hoyt – khi họ cùng nhau tham gia các cuộc thi thể thao.

Sinh năm 1962, cậu bé Rick Hoyt mắc bệnh bại não ngay từ khi chào đời. Đó là căn bệnh từng khiến nhiều gia đình trở nên vô vọng và bỏ cuộc. Mặc dù Rick không thể giao tiếp và điều khiển cơ thể như những đứa trẻ bình thường, thậm chí các bác sĩ cũng cho rằng cậu sẽ phải sống “thực vật” suốt cuộc đời, nhưng cha mẹ cậu, ông Dick và bà Judy Hoyt, chưa bao giờ từ bỏ niềm hy vọng vào đứa con trai bé bỏng của mình.

Ông Dick Hoyt và cậu con trai bé bỏng, Rick (ảnh: TeamHoyt.com).

Tuần nào cũng vậy, ông bà Hoyt đều đưa Rick đến điều trị tại bệnh viện nhi ở thành phố Boston. Sau khi trở về nhà, bà Judy lại dành nhiều giờ mỗi ngày để dạy con học chữ. Các chữ cái được dán lên khắp các đồ vật trong nhà, vậy nên, chỉ trong một thời gian ngắn, Rick đã thuộc lòng bảng chữ cái tiếng Anh.

Vì Rick không thể đi lại hay nói chuyện, ông bà Hoyt đã đầu tư 5000 USD vào năm 1972 để có được chiếc máy tính đặc biệt giúp cậu giao tiếp với mọi người. Chiếc máy được một nhóm kỹ sư tại Đại học Tufts thiết kế dành riêng cho Rick. Cậu chỉ cần gõ nhẹ đầu vào tấm bảng gắn trên xe lăn để chọn chữ cái, và từ đó viết thành câu hoàn chỉnh. Cũng nhờ đó, Rick đã chứng tỏ mình là một cậu bé thông minh và có thể đến trường như những đứa trẻ khác.

Năm 1975, khi được 13 tuổi, Rick chính thức theo học tại trường công. Cậu hoàn thành các cấp học và tiếp tục đại học tại Boston, nơi Rick tốt nghiệp vào năm 1993. Công việc cậu theo đuổi sau khi ra trường là phát triển các hệ thống hỗ trợ giao tiếp cho người khuyết tật tại Đại học Boston. Nhưng hãy tạm ngưng nói về điều này để trở lại với câu chuyện của hai cha con “Team Hoyt”.

Đó là mùa xuân năm 1977, Rick chia sẻ với cha mong muốn được tham gia chạy từ thiện cho một vận động viên thể thao, người đã bị liệt sau vụ tai nạn. Suy nghĩ của đứa con trai 15 tuổi đã làm cảm động trái tim người cha. Ông Dick không phải là người có khả năng chạy đường dài nhưng vẫn đồng ý đẩy xe lăn cho con trai trong hoạt động này. Buổi tối hôm đó, sau khi trở về nhà từ hoạt động chạy từ thiện, Rick nói với cha rằng: “Cha à, khi chạy, con thấy mình giống như không hề khuyết tật chút nào”. Câu nói ấy đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời hai cha con Dick và Rick Hoyt.

Ông Dick luôn sát cánh bên con trai mình trong mỗi hoạt động marathon… (ảnh: TeamHoyt.com).

Cũng kể từ đó, với tình yêu thương con tha thiết, ông Dick đã miệt mài luyện tập hàng ngày để có thể cùng con trai tham gia các hoạt động thể thao. Vì Rick phải đến trường, ông Dick đã luyện tập với một bao xi măng đặt lên xe lăn rồi tập chạy. Dần dần, ông có thể cải thiện thể lực và đạt kỷ lục cá nhân với quãng đường 5 km trong 17 phút.

Đó là bước khởi đầu để hai cha con Team Hoyt tham gia hơn 1000 cuộc đua khác nhau, bao gồm cả chạy, đi xe đạp, và bơi lội. Riêng trong năm 1992, hai cha con Team Hoyt đã đi xe đạp và chạy trên các chặng đường dài khắp nước Mỹ, hoàn thành hơn 6000 km trong vòng 45 ngày. Cho đến 4/2014, họ đã góp mặt trong hơn 1100 hoạt động thể thao, trong đó có 72 cuộc đua marathon thông thường và 32 lần tham gia Boston Marathon.

Từ khi Rick còn nhỏ…
…cho đến khi Rick đã trưởng thành, người cha Dick Hoyt vẫn luôn đồng hành bên cậu trên mỗi chặng đường (ảnh: Facebook Dick Hoyt).

Có thể bạn sẽ thấy lạ lẫm khi chứng kiến giữa dòng người chạy bộ là một người đàn ông trung niên đang đẩy xe lăn cho anh chàng khuyết tật. Nếu trong các cuộc đua xe đạp, đó sẽ là người cha lái chiếc xe được thiết kế đặc biệt để Rick có thể ngồi phía trước. Còn trong các hoạt động bơi lội, thì đó lại là người đàn ông buộc dây thừng vào người, kéo theo anh chàng Rick trên một chiếc thuyền nổi… Tất cả đã trở thành một hình tượng đẹp trong lòng công chúng Mỹ.

Bức tượng đồng nổi tiếng về hai cha con Dick và Rick Hoyt (ảnh: TeamHoyt.com).

Câu chuyện cha con nhà Hoyt đã làm người dân Mỹ xúc động. Một bức tượng đồng đã được dựng lên ngay gần điểm xuất phát của cuộc thi Boston Marathon tại thị trấn Hopkinton, bang Massachusetts để ngợi ca tình phụ tử ấy.

Lấy cảm hứng từ câu chuyện cha con Team Hoyt, các cuộc chạy marathon vì người tật nguyền đã được tổ chức thường xuyên tại Mỹ (ảnh: Facebook Dick Hoyt).

Đến nay, ở tuổi 75, ông Dick không đủ sức khỏe để có thể đồng hành với con trai trong các cuộc thi marathon. Nhưng ngọt lửa và tình yêu trong ông vẫn rực cháy. Khi không thể trực tiếp tham dự cuộc thi, ông vẫn lặng lẽ đứng quan sát con trai mình, Rick Hoyt, hạnh phúc trên đường đua.

Một hình ảnh đẹp về hai cha con Team Hoyt và những người chạy marathon vì người tật nguyền (ảnh: Facebook Dick Hoyt).

“Tôi đã 75 rồi. Tôi thật sự, thật sự yêu thích cuộc chạy Boston – đối với chúng tôi, đó là hoạt động marathon tuyệt vời nhất thế giới. Điều tôi quan tâm lớn nhất là Rick sẽ có thể tiếp tục… và còn có rất nhiều người sẵn sàng muốn đẩy xe cho Rick”, ông Dick Hoyt chia sẻ trên trang Boston.com.

Còn về phía Rick, anh cũng từng thổ lộ: “Điều tôi mong muốn nhất là cha tôi ngồi trong xe lăn và tôi sẽ được một lần đẩy xe cho ông”…

Hồng Liên

Video xem thêm: Hành trình người cha chữa bệnh suy giảm tiểu cầu vô căn cho con gái

Có thể bạn quan tâm:

Exit mobile version